G7 bàn về tương lai Trung Đông
Cập nhật ngày: 14-11-2023
 
Các thành viên của G7 (Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ) và đại diện của Liên minh châu Âu đã gặp nhau trong ngày 7 và 8/11 tại Tokyo để thảo luận về nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có tương lai cuộc xung đột ở Trung Đông. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng, trận chiến Israel-Hamas đang chuyển hướng sự chú ý của phương Tây khỏi Ukraine.
 

Chia rẽ vì Trung Đông

Kết thúc hội nghị, khối G7 ra tuyên bố chung khẳng định rằng Israel có quyền tự vệ và phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ thường dân và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Tuyên bố chung của G7 không nêu rõ tiến trình hòa bình này bao gồm những gì, chỉ nhấn mạnh rằng "giải pháp hai nhà nước vẫn là con đường duy nhất đưa đến đảm bảo hòa bình công bằng, lâu dài", Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết trong cuộc họp báo.

G7 bàn về tương lai Trung Đông -0
Cuộc gặp cấp Bộ trưởng G7 ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 8/11.

Cho đến nay, G7 dường như đang gặp khó khăn trong việc thống nhất một cách tiếp cận chung, vững chắc đối với cuộc xung đột ở Gaza, đặt ra câu hỏi về tính liên quan của nó với các cuộc khủng hoảng quốc tế. Ngày 26/10, sự chia rẽ của khối G7 thể hiện rõ ràng tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc, khi Pháp bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vì mục đích nhân đạo, trong khi Mỹ bỏ phiếu chống và các thành viên khác của khối (Nhật Bản, Anh, Italy, Đức và Canada) bỏ phiếu trắng.

Theo nước chủ nhà Nhật Bản, trong bữa tối làm việc hôm 7/11, các ngoại trưởng G7 đã thảo luận về cách tái khởi động nỗ lực đàm phán hòa bình ở Dải Gaza, cũng như ở Trung Đông. Không có thông tin chi tiết nào về các cuộc thảo luận được tiết lộ về điều gì sẽ xảy ra nếu Hamas bị đuổi khỏi Dải Gaza. Israel - quốc gia đang thực hiện chiến dịch ném bom vào vùng đất của người Palestine (Dải Gaza) - vẫn chưa nêu rõ kế hoạch dài hạn của mình đối với Dải Gaza.

Ngoại trưởng các nước G7 đã kêu gọi lập “những hành lang nhân đạo” ở Dải Gaza, để chuyển viện trợ nhân đạo khẩn cấp đến vùng lãnh thổ Palestine và sơ tán những người dân đang bị chiến tranh đe dọa. Ngoại trưởng các nước G7 đã kêu gọi Iran không được hỗ trợ cho Hamas và Hezbollah, không được làm bất cứ điều gì có thể gây bất ổn ở Trung Đông. Trong bữa tối 7/11 với những người đồng cấp, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ đã phản đối quyết định chiếm đóng Dải Gaza lâu dài của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Cũng tại cuộc họp ở Tokyo, ngoại trưởng các nước G7 đã đảm bảo sẽ tiếp tục đoàn kết để ủng hộ vững chắc cho Ukraine, bất chấp tình hình thế giới hiện nay, ám chỉ đến cuộc xung đột Israel-Hamas. Ukraine ngày càng lo sợ các đồng minh không còn ủng hộ họ như trước, trong khi cuộc phản công được phát động hồi tháng 6 cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể, thậm chí có khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến lâu dài.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa, G7 cần phải tuyên bố rõ với cộng đồng quốc tế rằng cam kết hỗ trợ Ukraine "sẽ không bao giờ chấm dứt", ngay cả khi Trung Đông xảy ra thêm cuộc xung đột mới. Theo một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, G7 cũng khẳng định mong muốn tiếp tục cùng nhau áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Moscow, đẩy nhanh nỗ lực tái thiết Ukraine trong trung, dài hạn và hướng tới hòa bình cùng các đối tác quốc tế khác.

Ukraine lo sợ bị... lãng quên?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang cố gắng huy động các đồng minh do lo ngại rằng “cuộc chiến do Nga tiến hành chống lại Ukraine sẽ biến mất khỏi màn hình radar và những chương trình nghị sự ngoại giao”. Ông Zelensky lo sợ các đồng minh sẽ mất kiên nhẫn. Trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider, giáo sư đầu ngành Quan hệ Quốc tế Stephen Walt của trường Đại học Harvard cho biết, tin tức về những tiến triển nhỏ ở mặt trận Ukraine đã biến mất khỏi trang nhất của các phương tiện truyền thông phương Tây, tình hình này có thể sẽ có lợi cho Nga.

G7 bàn về tương lai Trung Đông -0
Ngoại trưởng các nước G7 đã cam kết ủng hộ vững chắc cho Ukraine, bất chấp tình hình thế giới hiện nay - ám chỉ đến cuộc xung đột Israel-Hamas.

Theo ông Walt, mặc dù xung đột ở Dải Gaza vẫn chưa có kết quả cuối cùng, nhưng trong hầu hết các kịch bản có thể xảy ra, trận chiến Israel-Hamas sẽ có "tác động đáng kể" đến nhiều cuộc xung đột khác trên thế giới, kể cả ở Ukraine. Giáo sư còn cho biết: “Một tuần chỉ có 7 ngày và một ngày chỉ có 24 giờ, ông Biden không có nhiều thời gian để chú ý nhiều vấn đề khác nhau. Vì vậy, nếu dư luận tập trung nhiều chú ý vào Trung Đông, không chỉ khi xung đột đang diễn ra mà còn có thể là những diễn biến trong nhiều năm sau, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có ít thời gian hơn cho các vấn đề khác, những quốc gia khác sẽ cảm thấy bị bỏ mặc”.

Ukraine có thể sẽ thiếu đạn dược nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra. Các nguồn lực và hỗ trợ quân sự của Mỹ cũng như các nước khác cho các đồng minh vẫn còn hạn chế. Mỹ và các đồng minh đã phải tìm mọi cách để duy trì nguồn cung đạn pháo 155mm cho quân đội Ukraine, vốn là một phần quan trọng trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng phương Tây lại nói rằng họ sắp cạn kiệt đạn dược.

Theo tờ New York Times, mặc dù Mỹ có kế hoạch tăng sản lượng đạn pháo 155mm lên 500% trong 2 năm tới, quốc gia này hiện chỉ sản xuất hơn 14.000 viên đạn mỗi tháng. Quân đội Ukraine đã sử dụng hết lượng đạn pháo này chỉ trong khoảng 2 ngày. Giáo sư Walt cảnh báo rằng “bây giờ chúng tôi sẽ giúp Israel tái vũ trang, một số vũ khí lẽ ra dành cho Ukraine nay sẽ được chuyển đến Trung Đông”.

Trận chiến sinh tồn của Ukraine đã trở thành một “trò chơi” chính trị đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, với những câu hỏi ngày càng nhiều xoay quanh kế hoạch viện trợ hàng trăm tỷ USD, trong đó phân nửa dùng cho mua vũ khí. Trong cuộc thăm dò gần đây của Gallup, 41% người Mỹ cho rằng Chính phủ Mỹ đã viện trợ quá mức cho Ukraine, so với 29% ý kiến vào năm ngoái. Ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng Mỹ đã viện trợ đủ, thậm chí là quá đủ.

Những xung đột trên thế giới đã phân tán mối quan tâm của Mỹ. Chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ lâu dài cho nhiều bên khác nhau, khiến tình hình ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn mà không cần Nga nỗ lực tác động. Theo Business Insider, Mỹ phải cố gắng giải quyết đồng thời nhiều thách thức quan trọng như cuộc chiến ở Ukraine, cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, sự cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc liên quan đến một loạt chiến tranh kinh tế cũng như các vấn đề quân sự khác. Nga không bị ảnh hưởng kinh tế ở Trung Đông nên có thể tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine.

Nguồn: cand.com.vn