Nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, và Đông Nam Á không phải là ngoại lệ. Do các yếu tố như tỷ lệ sử dụng Internet ngày càng tăng, mức sử dụng điện thoại thông minh ngày càng lớn và sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử, khu vực này chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, các nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với không ít thách thức mà nếu không lưu ý, những tiến bộ đạt được sẽ vô cùng nhỏ giọt.
Nắm bắt cơ hội
Đông Nam Á có một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh đó, một nền kinh tế số sẽ mang lại nhiều lợi thế, một cách vô cùng cụ thể.
Sự trỗi dậy của thương mại điện tử cho thấy một cơ hội quan trọng khác mà nền kinh tế kỹ thuật số mang lại. Thương mại điện tử có tiềm năng thúc đẩy đáng kể hoạt động kinh tế trong toàn khu vực do tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng cũng như số lượng người sử dụng Internet ngày càng tăng. Một trong những khía cạnh thú vị nhất của nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á là tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Những người trước đây không có quyền truy cập vào các dịch vụ ngân hàng giờ đây có thể làm như vậy với sự hỗ trợ của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, như tiền di động và ví kỹ thuật số. Các dịch vụ cho phép mọi người thực hiện các giao dịch tài chính điện tử, diện khách hàng được mở rộng và các giao dịch có ít rủi ro. Điều này có khả năng tác động đáng kể đến cả mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng của nền kinh tế.
Bằng cách tham gia thị trường trực tuyến, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có cơ hội phát triển cơ sở khách hàng và tận dụng lợi thế của sự thuận tiện và lựa chọn ngày càng tăng dành cho họ. Nền kinh tế kỹ thuật số có khả năng truyền cảm hứng cho sự đổi mới và tinh thần kinh doanh, cả hai đều có thể dẫn đến việc tạo ra nhiều hơn cơ hội việc làm và của cải. Do dễ dàng tiếp cận lao động lành nghề, chi phí vận hành thấp và ngày càng có nhiều công ty đầu tư mạo hiểm trong khu vực, nên khu vực này đã trở thành một địa điểm hấp dẫn cho các dự án kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ viễn thông, dịch vụ dữ liệu...
Sự mở rộng của nền kinh tế kỹ thuật số cũng góp phần vào sự phát triển của nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến khác nhau. Mọi người trên khắp khu vực đang được hưởng lợi từ nền giáo dục dễ tiếp cận và giá cả hợp lý nhờ các nền tảng kỹ thuật số, đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hướng dẫn chất lượng cao. Nhìn chung, các cơ hội mà nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á mang lại là rất lớn và khi khu vực này tiếp tục phát triển, sẽ có tiềm năng phát triển to lớn trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Sự mở rộng của nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á có ảnh hưởng đáng kể đến phát triển kinh tế chung của khu vực, giúp tăng năng suất, tạo việc làm và tiếp cận thị trường khu vực. Các doanh nghiệp có thể cải thiện việc quản lý chuỗi cung ứng, tự động hóa nhiều quy trình hơn và tăng hiệu quả hoạt động tổng thể nhờ áp dụng các công nghệ kỹ thuật số. Điều này hỗ trợ giảm chi phí đồng thời tăng sản lượng, cả hai đều góp phần vào sự gia tăng chung trong tăng trưởng kinh tế.
Xử lý thách thức
Đông Nam Á sẵn sàng tận dụng một số cơ hội đáng kể do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại nhưng cũng phải vượt qua một số trở ngại.
Cơ sở hạ tầng không đầy đủ là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Thiếu điện trầm trọng và khó truy cập Internet ở nhiều nơi trong khu vực, điều này làm chậm quá trình mở rộng của nền kinh tế kỹ thuật số. Trong khi đó, trình độ kỹ thuật số vẫn còn thấp, nhiều người vẫn thiếu các kỹ năng cần thiết để tận dụng tối đa Internet và quá trình số hóa giữa các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Việc lưu trữ dữ liệu quốc gia cũng bị phân tán giữa nhiều cơ quan chính phủ, trong khi vẫn còn những lỗ hổng trong các luật và quy định hỗ trợ chính.
Các rào cản pháp lý có thể là một vấn đề đối với nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Khung pháp lý không đầy đủ có thể tạo ra sự không chắc chắn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong khi các quy định phức tạp và quy trình quan liêu có thể ngăn cản sự đổi mới và tinh thần kinh doanh.
Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ tài chính đang phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng liên tục. Là mục tiêu có giá trị cao của các cuộc tấn công mạng, lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm (BFSI) - đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống- thường gặp khó khăn trong việc xoay chuyển hệ thống an ninh mạng từ trạng thái phản ứng sang chủ động. Việc bổ sung thêm các công nghệ sẽ giúp tạo ra sự cân bằng giữa bảo mật và hiệu suất mạng.
Mới đây, Indonesia, trong vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2023, đã thông báo khởi động các cuộc đàm phán về Thỏa thuận khung kinh tế kỹ thuật số của hiệp hội. Thỏa thuận này sẽ sự ràng buộc về pháp lý và bao gồm một loạt khung quy định toàn diện nhằm nâng cao năng lực quốc gia và định hình ASEAN trở thành một cộng đồng kinh tế kỹ thuật số vào năm 2045. Các quốc gia thành viên đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán vào năm 2025. Thỏa thuận được cho là sẽ làm tăng quy mô kinh tế kỹ thuật số của khối lên 2.000 tỷ USD vào năm2030.
Tuy nhiên, như đã đề cập, khác biệt lớn giữa các nước thành viên về sự sẵn sàng hội nhập kỹ thuật số tiêu chuẩn cao vẫn là trở ngại đối với tương lai kỹ thuật số trên toàn ASEAN. Đông Nam Á không chỉ đa dạng về văn hóa và kinh tế mà
còn đối mặt với sự bất đồng lớn trong nước và giữa các nước thành viên. Những thách thức mà các nước thành viên ASEAN đối mặt không chỉ là về kết nối kỹ thuật số mà còn về sự đa dạng về pháp lý và khả năng tương tác. Những khác biệt về quy định vẫn là về bảo mật dữ liệu, địa phương hóa dữ liệu, an ninh mạng và các chính sách cạnh tranh. Những khác biệt đó có thể là rào cản đối với các dòng chảy dữ liệu. Trong khi dữ liệu được coi là yếu tố chính của kinh tế kỹ thuật số, các rào cản đối với các dòng chảy dữ liệu giữa các nước có thể ít nhiều gây tốn kém và làm giảm tăng trưởng năng suất.
Ứng dụng giải pháp
Đổi mới luôn được coi là một mục tiêu trong quá trình chuyển đổi của mỗi quốc gia hướng tới trở thành quốc gia kỹ thuật số. Nhưng đặt ra là một chuyện, còn có thực hiện được hay không lại là chuyện khác, đòi hỏi các nước phải biết ứng dụng các giải pháp phù hợp với thực tế tại nước mình.
Thứ nhất, để trở thành quốc gia kỹ thuật số, các nước Đông Nam Á cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Mặc dù Malaysia có một số khu vực đổi mới và môi trường chính trị cởi mở hơn, nhưng vấn đề đổi mới hiện tại vẫn là mối quan tâm thứ yếu. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ 10,5% số doanh nghiệp Malaysia tham gia vào nghiên cứu và phát triển, và chỉ 3,5% cho ra mắt các sản phẩm mới trong ba năm trước. Do đó, Malaysia đang nỗ lực hướng tới việc xây dựng môi trường công nghệ tuân thủ cam kết của chính phủ hiện nay.
Trong khi đó, chính phủ Indonesia áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để tăng cường các chương trình của chính phủ, đặc biệt là cho người nghèo và người dễ bị tổn thương, bằng cách cải thiện độ chính xác, giám sát và giảm gian lận. Việc áp dụng thanh toán điện tử vào năm 2017 đã cách mạng hóa các chương trình chuyển tiền mặt, giúp hơn 12 triệu người Indonesia nghèo nhất có quyền truy cập vào tài khoản tiết kiệm trong vòng hai năm, thúc đẩy tài chính toàn diện. Xác thực sinh trắc học và công nghệ sổ cái kỹ thuật số đang trong quá trình phát triển hơn nữa.
Thứ hai, tăng cường đầu tư vào công nghệ. Hiện các ngành công nghiệp của Malaysia được khuyến khích xem xét các kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến và chiến lược kinh doanh giúp tăng sản lượng, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng nhằm hỗ trợ tạo ra hàng hóa mới và có giá trị cao. Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đang xem xét lại cách thức có thể tăng cường chuỗi giá trị của ngành cũng như khả năng nghiên cứu và phát triển, để tăng cường các quy trình thương mại, đầu tư và công nghiệp của quốc gia. Bằng cách khuyến khích các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển công nghệ nhanh chóng, an toàn và phù hợp, MITI đặt mục tiêu phát triển mã gen ADN đổi mới mạnh mẽ hơn, chuẩn bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia trong tương lai.
Thứ ba, tập trung cho nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh việc thúc đẩy công nghiệp hóa công bằng và bền vững, đẩy mạnh đổi mới và thiết lập cơ sở hạ tầng vững chắc, cũng nên khuyến khích các công ty tham gia nghiên cứu, phát triển và triển khai dịch vụ, hàng hoá và mô hình kinh doanh. Có thể thiết lập các hệ thống đổi mới để phát triển bền vững bằng cách tạo điều kiện tiếp cận vốn, khuyến khích tinh thần kinh doanh và kết hợp các nguồn lực tài chính và khoa học thành cơ sở tri thức toàn cầu.
Thứ tư, nâng cấp, trang bị cơ sở hạ tầng và tài sản công nghiệp trong quy trình kinh doanh và chuỗi cung ứng để trở nên bền vững hơn. Điều này cần sự hợp tác giữa trung ương và địa phương để đảm bảo có kế hoạch đầy đủ và hoàn thành kịp thời các dự án nhằm giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng liên quan đến cấp nước, đường sá và giáo dục. Bên cạnh đó, việc nối lại và khởi động các siêu dự án, đặc biệt là cơ sở hạ tầng của mạng lưới đường sắt và đường bộ, sẽ góp phần cải thiện giao thông vận tải, thúc đẩy nền kinh tế địa phương và thị trường bất động sản.
Thứ năm, có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách tận dụng năng lực trong nước để phát triển các nền tảng và giải pháp của riêng mình, tự điều chỉnh đáp ứng nhu cầu cụ thể của đất nước. Ví dụ, các doanh nhân Indonesia đã chuyển đổi bối cảnh kinh doanh của đất nước, tạo ra các ngành công nghiệp và cơ hội việc làm mới - từ các dịch vụ gọi xe như Gojek đến các nền tảng thương mại điện tử như Tokopedia và Bukalapak. Các công ty khởi nghiệp này cung cấp các dịch vụ tích hợp tại địa phương (giới thiệu, giao dịch, giao hàng) và sử dụng tiếng Bahasa
Indonesia làm ngôn ngữ điều hành chính, giúp các doanh nghiệp Indonesia, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, dễ tiếp cận hơn so với các nền tảng thuộc sở hữu nước ngoài như Amazon hoặc Alibaba.
Thứ sáu, phối hợp “Dòng chảy dữ liệu tự do đáng tin cậy”. Nhật Bản đang đi đầu trong đối thoại toàn cầu về kế hoạch Dòng chảy dữ liệu tự do đáng tin cậy. Với cương vị là Chủ tịch Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2023, Nhật Bản đã khởi động diễn đàn Hiroshima AI Process, nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc thảo luận quốc tế về quản trị bao trùm đối với các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này là kịp thời và cần thiết khi thế giới đang đứng trước cả cơ hội và thách thức do AI tạo sinh mang lại.
Nếu tương lai là kỹ thuật số thì thế giới nên chú ý nhiều hơn đến kinh nghiệm cũng như bài học mới được rút ra từ một nhóm các quốc gia. Các nước Đông Nam Á cần nhận thức được điều này để có những bước đi vững chắc, kích thích tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ nghèo đói và mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp và cá nhân, từ đó đẩy nhanh và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.