Trong một tuyên bố ngày 18/10, WHO đã gọi vụ nổ xảy ra tại bệnh viện Ahli Arab là vụ tấn công “quy mô chưa từng có”. “WHO lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào bệnh viện Ahli Arab ở phía Bắc Dải Gaza. Bệnh viện đã hoạt động với các bệnh nhân, nhân viên y tế và người chăm sóc cũng như những người phải di tản trong nước đang trú ẩn ở đó. Báo cáo ban đầu cho thấy hàng trăm người thiệt mạng và bị thương… WHO kêu gọi hành động ngay lập tức để bảo vệ người dân và hệ thống chăm sóc sức khỏe”, thông cáo của WHO nêu rõ.
Theo WHO, mặc dù đây là một trong 20 bệnh viện ở phía Bắc Dải Gaza phải đối mặt với lệnh sơ tán từ quân đội Israel, nhưng di tản là bất khả thi do tình trạng mất an ninh, tình trạng nguy kịch của nhiều bệnh nhân, tình trạng thiếu xe cứu thương, nhân viên, cũng như số giường của hệ thống y tế và nơi trú ẩn thay thế cho những người phải sơ tán.
Số liệu do Reuters cập nhật cho thấy, vụ không kích vào bệnh viện Ahli-Arab đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 500 người. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã kêu gọi các bên “đưa thủ phạm ra ánh sáng”. Tuy nhiên, nguyên nhân vụ việc vẫn chưa thể làm rõ, nhất là khi cả lực lượng Hamas và Israel đều phủ nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau về thảm kịch này. Phía Palestine cáo buộc Israel đã không kích bệnh viện, trong khi quân đội Israel dẫn thông tin tình báo nói rằng phong trào Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) - một lực lượng vũ trang ở Gaza, đã bắn nhầm rocket vào cơ sở y tế này. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã bước sang ngày thứ 11, với tổng số người thiệt mạng từ cả hai phía ước tính lên tới hơn 3.000 người.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tình hình tại Dải Gaza đang ngày càng "vượt khỏi tầm kiểm soát". Trên mạng xã hội X, quan chức WHO nhấn mạnh rằng cứ mỗi giây hàng viện trợ chậm đến lại có thêm một người thiệt mạng, cho thấy sự cấp thiết của việc tiếp cận viện trợ để cứu sống người dân tại khu vực bị ảnh hưởng và ngăn chặn bạo lực nhằm vào dân thường từ mọi phía.
Ngày đẫm máu mà Dải Gaza vừa trải qua khiến thảm kịch nhân đạo tại đây hiện hữu một cách rõ ràng hơn. Trên thực tế, ngay trước khi vụ tấn công bệnh viện xảy ra, quan chức phụ trách vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc (LHQ) Joyce Msuya đã cảnh báo tình hình nhân đạo tại dải Gaza đang ngày một xấu đi. “Ứớc tính có tới 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đến các khu vực khác của Gaza. Dân thường không có nơi nào để đi, không có nơi nào để trốn bom và tên lửa, không nơi nào để tìm nước uống, thực phẩm hoặc để thoát khỏi thảm họa nhân đạo đang diễn ra”, bà Msuya nói.
Theo báo cáo của LHQ, hàng chục nghìn người Palestine đã sơ tán về phía Nam Dải Gaza sau khi Israel ban hành lệnh sơ tán vào tối 12/10. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày 18/10 tiếp tục thông báo thiết lập khu vực nhân đạo tại vùng Al-Mawasi bên bờ Địa Trung Hải tại Dải Gaza, nhấn mạnh đây là nơi "viện trợ nhân đạo quốc tế được cung cấp khi cần thiết", trong bối cảnh hàng trăm ngàn người Palestine lâm vào cảnh khốn cùng vì chiến sự. IDF nhắc lạiyêu cầu dân thường ở miền Bắc Dải Gaza sơ tán về phía Nam trước khi họ"giáng đòn mạnh mẽ vào khu vực".
Tuy nhiên, Tổng thư ký LHQ Antonio Gueterres từng cảnh báo cuộc sơ tán ở Gaza có thể dẫn đến "thảm họa nhân đạo". Theo ông Gueterres, việc sơ tán hơn một triệu người qua khu vực chiến sự đông dân tới nơi không có thức ăn, nước uống và chỗ ở trong bối cảnh khu vực này bị phong tỏa là điều "vô cùng nguy hiểm và bất khả thi trong một số trường hợp".
Trong diễn biến mới nhất, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 18/10 đã kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo LHQ sau vụ tấn công vào bệnh viện ở Dải Gaza. Brazil, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA, cũng ra tuyên bố khẳng định có cuộc họp nhưng chưa có bất cứ quyết định nào được đưa ra. Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã chia sẻ nỗi đau với người dân ở Dải Gaza về "thảm kịch kinh hoàng" này.
Tổng thư ký LHQ kêu gọi các bên liên quan tại Dải Gaza thực hiện "lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tạo điều kiện về thời gian và không gian cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo” nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân Gaza, phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Bà Abeer Etefa - quan chức phụ trách truyền thông khu vực của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết hiện dự trữ lương thực ở Dải Gaza chỉ đủ cho 2 tuần, trong khi các cửa hàng bán lương thực thực phẩm chỉ còn đủ nguồn cung trong gần 5 ngày.
Việc bổ sung hàng hóa cho những cửa hàng này hết sức khó khăn. Các tổ chức của LHQ cùng ngày tiếp tục kêu gọi các bên xung đột tạo điều kiện để hàng viện trợ nhân đạo đến được với người dân ở Gaza.
Nguồn: cand.com.vn