CÔNG AN BẠC LIÊU
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ
Cập nhật ngày: 2-10-2023, lượt xem: 113
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, nhưng Trung Quốc cần hóa giải hiệu quả các rủi ro lớn, phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm nay.

Trong khi đó, Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái sâu do đợt bùng phát dịch COVID-19.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ -0
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dự tiệc chiêu đãi kỷ niệm 74 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 74 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 – 1/10/2023), Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, sau 74 năm thành lập, Trung Quốc đã đi từ nghèo đói đến khá giả toàn diện (Tiểu khang), đồng thời bước vào hành trình mới thúc đẩy toàn diện công cuộc xây dựng cường quốc và phục hưng dân tộc theo mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Đây là thành tựu to lớn đạt được nhờ sự phấn đấu gian khổ của nhân dân các dân tộc, dưới sự đoàn kết dẫn dắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, hiện nay, những thay đổi của thế giới trong hàng trăm năm đang diễn tiến nhanh chóng, môi trường quốc tế thay đổi sâu sắc, Trung Quốc “vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức trên chặng đường phía trước”.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, năm nay là năm đầu tiên thực hiện tinh thần Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nước này cần đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới, tập trung tăng cường điều tiết vĩ mô, mở rộng hiệu quả nhu cầu trong nước, khơi dậy sức sống của các chủ thể kinh doanh, không ngừng thúc đẩy sự cải thiện của các hoạt động kinh tế, tăng cường sức mạnh nội sinh và cải thiện liên tục kỳ vọng của xã hội, ngăn ngừa và hóa giải hiệu quả những rủi ro lớn, phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong cả năm.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc phải tập trung thúc đẩy mở cửa trình độ cao, tiếp tục cải cách sâu sắc toàn diện, thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) phát triển chất lượng cao, thông suốt tuần hoàn kép trong nước và quốc tế, khiến nền kinh tế phát triển dẻo dai và năng động hơn. Ông cũng yêu cầu tăng cường đảm bảo sinh kế cho người dân, tập trung mở rộng việc làm, giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, lo lắng của người dân, củng cố và mở rộng thành quả xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy toàn diện chấn hưng nông thôn, thúc đẩy vững chắc thịnh vượng chung, không ngừng nâng cao cảm nhận về những gì có được, hạnh phúc và an ninh của người dân.

Trong vấn đề Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu phải kiên trì nguyên tắc “Một Trung Quốc” và “Đồng thuận 1992”, thúc đẩy sự phát triển hòa bình trong quan hệ hai bờ eo biển, làm sâu sắc hơn sự phát triển hội nhập giữa hai bờ, bảo vệ lợi ích căn bản của dân tộc Trung Hoa và nâng cao phúc lợi của đồng bào ở cả hai bờ eo biển Đài Loan. Ông cũng tái khẳng định việc thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước là “khát vọng của nhân dân, xu thế của thời đại và tất yếu lịch sử, không có thế lực nào có thể ngăn cản”. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc có một tương lai tươi sáng trên hành trình mới, nhưng con đường phía trước sẽ không bằng phẳng. Do vậy, cần kiên định niềm tin, tiếp tục vượt qua trở ngại, khó khăn, kiên định hướng tới mục tiêu lớn là xây dựng cường quốc và phục hưng dân tộc.

Đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ, OECD nhận định, quá trình tái cân bằng từ đầu tư sang tiêu dùng, từ sản xuất sang dịch vụ và di cư từ nông thôn sang thành thị đều bị đại dịch cản trở, nhưng cần phải khởi động lại để tăng trưởng bền vững và toàn diện. Tăng trưởng chậm lại và tiếp tục cắt giảm thuế sẽ đồng nghĩa với việc giảm nguồn lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện hơn, do đó cần có nguồn thu ổn định từ thuế thu nhập cá nhân và cổ tức từ các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, Giáo sư Nancy Qian, nhà kinh tế học tới từ Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng, tình hình kinh tế Trung Quốc không đến nỗi tệ như người ta tưởng, chỉ là các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang kỳ vọng quá nhiều mà thôi. Theo nhà kinh tế học Nancy Qian, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà tăng trưởng 5% trong năm nay, đúng như dự báo của OECD. Song, dường như Bắc Kinh kỳ vọng lớn hơn vào tăng trưởng nền kinh tế. Trung Quốc hiện vẫn đang gặp khó khăn kể từ khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì COVID-19 vào cuối năm ngoái, khi các chuyên gia và nhà quan sát dự đoán về một tình hình tồi tệ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo OECD, mặc dù chịu áp lực từ lĩnh vực bất động sản và các vấn đề nhân khẩu học, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đạt tốc độ 6,3% trong quý II/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế OECD dự báo vào tháng 9 rằng, Trung Quốc đang trên đà chứng kiến GDP đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay, tiếp theo là mức tăng trưởng 4,6% vào năm 2024. Đó là tốc độ tăng trưởng dự kiến cao thứ hai trong số các quốc gia được OECD theo dõi. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ dự kiến chỉ tăng 2,2% trong năm nay.

Giáo sư Nancy Qian phân tích, nền kinh tế Trung Quốc không quá khó khăn, song phải chịu áp lực một phần vì thành tích kinh tế đặc biệt của quốc gia này trong nhiều thập niên. Kỳ vọng vào tăng trưởng của Trung Quốc quá lớn khi tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 10% trong hai thập niên liền. Nền kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc do lệnh phong tỏa trong đại dịch, cũng như ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại của Trung Quốc với Mỹ.

Về phần mình, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, Trung Quốc sẽ có một tương lai chậm chạp nếu Bắc Kinh không giải quyết các vấn đề về dân số và nợ lớn của nước này. Điều đó có thể dẫn tới một “thập niên mất mát”, giai đoạn trì trệ như những năm 1990 ở Nhật Bản. Tờ Global Times đánh giá, kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi tăng tốc trong quý III năm nay.

Giáo sư Cao Heping của Đại học Bắc Kinh cho biết, dữ liệu kinh tế chứng minh sự cải thiện kinh tế rõ rệt trong tháng 8 vừa qua. Sự tăng trưởng trong quý III/2023 dự kiến sẽ còn đạt tốc độ cao hơn nữa vì đây thường là mùa mua bán tăng cao. Dữ liệu doanh số bán lẻ, đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp và chi số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 8/2023 đều phản ánh tác động tích cực của gói chính sách tiền tệ mới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, cộng với tác động từ xung đột Nga-Ukraine, nền kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững và trên đà phục hồi là tín hiệu đáng mừng.

Nguồn: cand.com.vn


Các tin khác