CÔNG AN BẠC LIÊU
Tình láng giềng hữu nghị lâu dài
Cập nhật ngày: 20-09-2023, lượt xem: 114
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm, làm việc tại Nga để tổ chức vòng tham vấn an ninh chiến lược giữa hai nước diễn ra từ ngày 18-21/9 (giờ địa phương). Trong khi đó, hồi tuần trước, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã tới Nga và có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.

Không nhằm vào bên thứ ba

Phát biểu tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov hôm 18/9, Ngoại trưởng Vương Nghị đánh giá quan hệ Trung - Nga duy trì đà phát triển lành mạnh và ổn định, hợp tác thiết thực giữa hai bên không ngừng đi vào chiều sâu, giao lưu nhân dân và văn hóa ngày càng phong phú, trao đổi nhân sự phát triển nhanh chóng.

ngatrieu.jpeg -0
Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong-un tại Vostochny Cosmodrome, sân bay vũ trụ hiện đại nhất của Nga, hôm 13/9. Ảnh: Sputnik

Theo ông, mối quan hệ Trung - Nga với tình láng giềng hữu nghị lâu dài, phối hợp chiến lược toàn diện và hợp tác cùng có lợi sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển chấn hưng của cả hai bên và mang lại lợi ích quan trọng cho nhân dân hai nước.

Ông Vương Nghị tái khẳng định, Bắc Kinh và Moscow đều theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, “hợp tác giữa hai bên không nhằm vào bên thứ ba, không chịu sự can thiệp từ bên thứ ba, càng không bị bên thứ ba ảnh hưởng”. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc và Nga cần thể hiện trách nhiệm với tư cách là các nước lớn, “thúc đẩy đa cực hóa thế giới và quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn thông qua việc tiếp tục tăng cường phối hợp chiến lược”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng cùng với Bắc Kinh “chuẩn bị tốt cho các cuộc trao đổi cấp cao tiếp theo giữa hai nước”, tăng cường kết nối kế hoạch phát triển, đi sâu hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế thương mại, nhân văn, thể thao và thanh niên. Trước những thay đổi phức tạp và mạnh mẽ của tình hình quốc tế, ông kêu gọi hai nước tăng cường hơn nữa phối hợp và hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cùng nhau bảo vệ các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.

Ông chỉ ra rằng, sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng lợi ích trong các tiến trình đang phát triển theo nhiều hướng khác nhau của thế giới. Tại hội đàm, hai bên đánh giá cao “sự mở rộng mang tính lịch sử của các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS)” và sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên xây dựng một nền tảng “BRICS lớn” đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng cho biết, Nga sẽ phát huy vai trò của chủ tịch luân phiên BRICS, cùng với Trung Quốc thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của cơ chế hợp tác này.

Liên quan tới vấn đề Ukraine, hai nhà lãnh đạo cho rằng, những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà không tính đến lợi ích của Nga đều vô ích. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao đưa ra sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo nêu rõ: “Hai bên đã thảo luận chi tiết về tình hình hiện tại ở Ukraine, nhấn mạnh rằng, các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng mà không tính đến lợi ích của Nga đều là vô ích, điều đó càng không có ý nghĩa gì nếu không có sự tham gia của Moscow”.

Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng chia sẻ với người đồng cấp Vương Nghị về kết quả chuyến thăm Nga của Chủ tịch Kim Jong-un. Trong khi đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đề cập đến chủ đề cuộc đàm phán với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cuối tuần qua tại Malta.

Tương tác ngoại giao lớn

Trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Nga hôm 13/9, Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương, đồng thời bày tỏ Bình Nhưỡng luôn ủng hộ mọi quyết định do Nga đưa ra và tin tưởng hai nước luôn gắn kết với nhau.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cho biết Liên Xô trước đây đã đóng vai trò to lớn trong quá trình hình thành và xây dựng nền độc lập của Triều Tiên, khẳng định tình hữu nghị giữa hai nước có nguồn gốc sâu xa. Ông nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên hiện nay là củng cố quan hệ với Nga. Ông cũng bày tỏ tin tưởng cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Chủ tịch Kim Jong-un cảm ơn Tổng thống Vladimir Putin đã mời mình thăm Nga và có cơ hội đến thăm sân bay vũ trụ Vostochny, nơi ông gọi là “trái tim của cường quốc vũ trụ”.

Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch Triều Tiên ở Nga và được đón tiếp ông tại sân bay vũ trụ. Ông đánh giá cuộc hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên là “rất hiệu quả”, đồng thời cho biết thêm rằng, cuộc trao đổi quan điểm rất thẳng thắn đã diễn ra về tình hình trong khu vực và quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý đến thời điểm đặc biệt của cuộc gặp. Đó là Triều Tiên vừa kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 9/9.

Ông nhấn mạnh: “Đất nước chúng tôi là quốc gia đầu tiên công nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia có chủ quyền và độc lập”. Ông đề cập đến việc Liên Xô là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên vào ngày 12/10/1948 và Triều Tiên chính thức công nhận Liên bang Nga là nước kế thừa hợp pháp của Liên Xô.

Ông Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington, nhận định cuộc gặp này là sự tương tác thực chất nhất mà nhà lãnh đạo Triều Tiên từng tham gia. Ông bình luận: “Đây là sự kiện và chuyến thăm hữu ích đối với ông Kim Jong-un, cả về những lợi ích mà đất nước của ông sẽ đạt được nhờ kết quả của hội nghị thượng đỉnh và cả đối với sự nghiệp của ông - với tư cách là một nhà lãnh đạo chính trị”.

Vị chuyên gia nhớ lại rằng, các cuộc gặp trước đây của Chủ tịch Kim Jong-un với các lãnh đạo nước ngoài hầu hết chỉ tập trung vào vấn đề vũ khí hạt nhân hoặc đàm phán liên Triều. Theo ông, cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Nga có sức nặng hơn một chút bởi có phạm vi rộng hơn.

Học giả chuyên nghiên cứu về Triều Tiên lưu ý cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo tại Sân bay vũ trụ Vostochny là một trong những tương tác ngoại giao lớn nhất mà Triều Tiên đã thực hiện trong nhiều năm, xét trên vị thế và tầm ảnh hưởng của những người tham dự, từ cả hai phía. Ông nhấn mạnh, đây chắc chắn là sự tương tác thực chất nhất mà Chủ tịch Kim Jong-un đã tham gia, và chắc chắn là cuộc gặp thượng đỉnh có ý nghĩa sâu rộng nhất mà Triều Tiên đã góp mặt kể từ năm 2011.

Theo ông, mục đích cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Triều Tiên một phần là để kết nối lại quan hệ cá nhân sau 4 năm. Vị chuyên gia cũng để cập đến một số lĩnh vực hợp tác quan trọng trong cuộc gặp song phuơng giữa hai nhà lãnh đạo - như phát triển không gian, trao đổi giáo dục và văn hóa.

Ông nhận định: “Những lĩnh vực này bao hàm cả các nền tảng mới và cũ. Theo tôi, dù hai nhà lãnh đạo không ký kết bất kỳ thoả thuận nào, nhưng họ dự định thiết lập ít nhất một khuôn khổ cơ bản để hành động hoặc thảo luận về các lĩnh vực này giữa những người đứng đầu hoặc đối tác có liên quan trong tương lai. Song về cơ bản, những tương tác này lần đầu tiên củng cố lại quan hệ Nga - Triều”.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác