Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tái đắc cử.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau – bao gồm thiết lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, hợp tác thương mại, tiến trình phi đô la hoá, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, xung đột Ukraine. Nhà phân tích quan hệ quốc tế và các vấn đề Nga Gilbert Doctorow bình luận, sự góp mặt của ông Tayyip Erdogan cùng phái đoàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, với các cuộc thảo luận về việc tiếp tục thực hiện các dự án lớn - bao gồm trung tâm khí đốt và lò phản ứng hạt nhân thứ 2 – rất quan trọng. Trong khi đó, theo ông Dmitry Evstafiev, nhà khoa học chính trị và giáo sư tại Đại học Kinh tế Cao cấp (HSE), cuộc hội đàm đã chứng minh rằng Nga là người chơi toàn cầu mang tính xây dựng, sẵn sàng bình thường hóa tình hình trên thế giới.
“Cuộc gặp cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã được khôi phục ở cấp độ chính trị cao nhất. Điều này vô cùng quan trọng trong môi trường địa chính trị hiện nay, khi chúng ta đang chứng kiến khủng hoảng cấp cao nhất trong quan hệ của giới lãnh đạo chính trị ở hầu hết các nước. Cuộc hội đàm cho thấy bất chấp mọi khó khăn, mối quan hệ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Nga vẫn duy trì. Cuộc gặp này chắc chắn rất quan trọng và mang ý nghĩa rất tích cực”, ông nói.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Tayyip Erdogan đã thảo luận về Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Giáo sư Dmitry Evstafiev bình luận: “Về cơ bản, những vấn đề liên quan đến thỏa thuận ngũ cốc rất quan trọng. Về mối quan hệ với các đối tác trong thỏa thuận ngũ cốc, khí đốt và tất cả các vấn đề khác, Nga đã tuyên bố rõ ràng rằng họ đang chuyển từ nguyên tắc tin cậy vô điều kiện sang nguyên tắc có điều kiện. Nghĩa là các bên phải làm điều gì đó để đảm bảo lợi ích của Nga”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ali Demirdas, nhà phân tích chính trị cho rằng sự hồi sinh của thỏa thuận ngũ cốc phụ thuộc vào cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột Ukraine hơn là sự hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà phân tích Gilbert Doctorow cũng tin rằng, phía Liên hợp quốc (LHQ) đang nắm giữ quyết định cho việc hồi sinh thoả thuận này.
“Thực ra quả bóng đang ở phía LHQ. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres rõ ràng đang làm những gì có thể để đạt được thỏa thuận của phương Tây nhằm khôi phục Ngân hàng Nông nghiệp Nga, nơi xử lý việc bán ngũ cốc, và cũng để giải quyết các khiếu nại khác của Nga về những cam kết chưa được thực hiện”, ông nói.
Trong khi phương Tây cho rằng quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc của Nga gây tổn hại cho Nam bán cầu, Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng do thỏa thuận ngũ cốc này, các nước đang phát triển nghèo nhất chỉ nhận được một phần rất nhỏ trong xuất khẩu lương thực của Ukraine, trong khi EU nhận được phần lớn nhất. Hơn nữa, người đứng đầu Điện Kremlin còn khẳng định với các nước Nam Bán cầu rằng Nga có khả năng thay thế Ukraine trên thị trường toàn cầu, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và ngũ cốc miễn phí cho các nước có nhu cầu.
Trung tâm khí đốt Nga - Thổ Nhĩ Kỳ giúp đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định ở châu Âu cũng là một trong những nội dung chính của cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Tổng thống Nga, các cuộc đàm phán sẽ sớm hoàn tất và trung tâm này sẽ được thiết lập. Về phần mình, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh dự án này có tầm quan trọng hàng đầu đối với Ankara. Theo ông Evstafiev, xét về lợi ích tài chính, trung tâm khí đốt này chính là tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyên gia này nhận định hành lang vận chuyển khí đốt của Ukraine đang trải qua những tháng cuối cùng – tối đa là 1,5 năm nữa. Ngoài ra, do đường ống Nord Stream đã bị phá hủy, trung tâm mới của Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành tuyến đường dẫn khí đốt chính tới châu Âu.
Ông Tiberio Graziani, người đứng đầu Viện phân tích Vision & Global Trends, nói rằng việc thiết lập trung tâm khí đốt Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nâng cao vai trò của Ankara và uy tín của Tổng thống Tayyip Erdogan. Những tác động về kinh tế và tài chính sẽ giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là đối với nền kinh tế Đức và Italy. Ông lập luận: “Châu Âu, đặc biệt là Đức, đang khát khao tiếp cận nguồn khí đốt giá rẻ, đặc biệt là sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream. Cùng với việc mất khí đốt giá rẻ từ Nga, hậu quả là nền kinh tế Đức và Liên minh châu Âu nói chung đã rơi vào suy thoái. Vì vậy, họ chắc chắn sẽ hoan nghênh việc tiếp cận khí đốt của Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cùng với các vấn đề về an ninh lương thực và năng lượng, hai nhà lãnh đạo Nga – Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thảo luận về vấn đề an ninh tài chính. Sau cuộc gặp, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang dần loại bỏ đồng USD và euro trong các thỏa thuận song phương. Nhà phân tích Graziani nói: “Hiện tại có nhiều quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, quan tâm đến tiến trình phi đô la hóa. Thực tế quan trọng là hầu hết các quốc gia này đều thuộc Nam bán cầu và là những quốc gia đang trên đà phát triển”.
Trong khi đó, chuyên gia Evstafiev lưu ý vấn đề phi đô la hóa quan hệ tài chính giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - đặc biệt đối với các mặt hàng như khí đốt, ngũ cốc, năng lượng nói chung, nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ - là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo ông, việc thúc đẩy các giao dịch trong khuôn khổ đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa phải là giải pháp, giao dịch bằng đồng rúp dường như ổn định hơn.
Nguồn: cand.com.vn