Sắc lệnh này yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của nước này vào các công ty, tập đoàn của Trung Quốc trong 3 lĩnh vực gồm chất bán dẫn điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Biện pháp này nhằm ngăn chặn vốn và chuyên môn của Mỹ bị đổ về Trung Quốc và có lợi cho Bắc Kinh trong phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ hiện đại hóa quân đội và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Ngoài ra, nó cũng nhắm đến vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm, liên doanh và đầu tư vào lĩnh vực xanh.
Trong một lá thư gửi Quốc hội Mỹ, ông Biden nhấn mạnh đang “tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia” để đối phó với mối đe dọa về sự tiến bộ của các quốc gia như Trung Quốc “trong các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát hoặc khả năng kích hoạt mạng”.
Nhà Trắng cho biết ông Biden đã tham khảo ý kiến của các đồng minh quan trọng và tổng hợp phản hồi từ nhóm các nước G7 trước khi đưa ra biện pháp này.
Bộ Tài chính Mỹ nhận định biện pháp sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai chứ không phải các khoản hiện có.
Động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington bày tỏ “thất vọng” với biện pháp này của Mỹ.
Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc, từng là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ, đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong đầu tư của Washington trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Năm ngoái, tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 9,7 tỷ USD từ 32,9 tỷ USD vào năm 2021, theo dữ liệu của PitchBook. Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ chỉ chi 1,2 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Nguồn: cand.com.vn