Interfax hôm nay (24/7) dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Moscow "có thể thay thế ngũ cốc Ukraine trên cả phương diện thương mại và cung cấp miễn phí", trong bối cảnh năng suất cây lương thực ở Nga dự kiến đạt mức kỷ lục trong năm 2023.
Theo Tổng thống Nga, việc duy trì các thỏa thuận liên quan đến Sáng kiến ngũ cốc biển Đen là vô nghĩa. Ông nhấn mạnh, các điều khoản liên quan đến việc dỡ bỏ rào cản xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, như đã nêu trong thỏa thuận, đã không được dỡ bỏ.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đánh giá, trong gần một năm thực hiện thỏa thuận, có đến 70% trong tổng số 32,8 triệu tấn hàng hóa được xuất khẩu từ Ukraine được chuyển tới các quốc gia có thu nhập trung bình cao và cao, bao gồm Liên minh châu Âu (EU).
"Trong khi đó, các nước Ethiopia, Sudan, Somalia, Yemen và Afghanistan chiếm chưa đến 3%", ông Putin nêu, nhắc đến các quốc gia đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực. "Thực tế đó cho thấy mục đích nhân đạo của thỏa thuận ngũ cốc đã mất đi ý nghĩa".
Sáng kiến ngũ cốc biển Đen được Nga và Ukraine hồi tháng 7/2022 kí kết với Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ để mở đường cho Kiev nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen. Ở chiều ngược lại, LHQ cam kết vận động phương Tây dỡ bỏ rào cản để Nga cũng được xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Ngày 17/7, Nga không gia hạn văn kiện khi nó hết hạn. Ba ngày sau, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hành lang ngũ cốc ở biển Đen đã được đóng cửa từ 0h sáng 20/7 và "toàn bộ tàu bè hướng đến các cảng của Ukraine ở biển Đen được coi là phương tiện có thể chuyên chở hàng quân sự".
Một năm qua, Nga nhiều lần tuyên bố họ sẵn sàng cung cấp miễn phí ngũ cốc và phân bón đang mắc kẹt ở các cảng biển tại châu Âu cho các quốc gia châu Phi gặp khó khăn. Tuy nhiên, phương Tây dùng nhiều lí do để trì hoãn trả tự do cho các lô hàng nêu trên.
Theo Tổng thống Putin, trong tổng số 262.000 tấn phân bón của Nga kẹt ở các cảng châu Âu, chỉ một lô hàng 20.000 tấn được chuyển đến Malawi, một lô hàng 34.000 tấn được chuyển tới Kenya.
Nguồn: cand.com.vn