CÔNG AN BẠC LIÊU
Nga duy trì vị trí trong số các nền kinh tế hàng đầu
Cập nhật ngày: 18-06-2023, lượt xem: 105
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu nhấn mạnh như vậy tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 26 đang diễn ra ở “thủ đô phương Bắc” của nước Nga, ngày 16/6 (giờ địa phương). Ông khẳng định, nền kinh tế Nga vẫn vững vàng bất chấp hàng chục nghìn lệnh trừng phạt.

Trong bài phát biểu, người đứng đầu Điện Kremlin chỉ ra rằng, nền kinh tế Nga bắt đầu tăng trưởng từ quý II/2022, dù thực tế khi đó đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất.

Nhưng hiện nay, ông có thể tự tin nói về xu hướng tích cực: “Chiến lược được cả nhà nước và doanh nghiệp Nga lựa chọn lúc đó đã có hiệu quả. Xu hướng kinh tế vĩ mô tích cực đang đạt được động lực và sức mạnh. Vào tháng Tư năm nay, GDP đã tăng 3,3% theo năm. Và vào cuối năm, nó sẽ tăng thêm hơn 1% .

Điều này sẽ cho phép đất nước chúng ta duy trì vị trí của mình trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới”. Theo nhà lãnh đạo Nga, Điện Kremlin đã duy trì một chính sách tiền tệ và ngân sách cân bằng có trách nhiệm. Điều này đã giúp Nga đạt được các chỉ số thất nghiệp và lạm phát tối thiểu.

vputin.jpeg -0
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg.

Cụ thể, tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với nhiều nước phương Tây - cả ở Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) và các khu vực khác - và gần với mức tối thiểu lịch sử 2,9%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,3%. Không những thế, thu ngân sách không liên quan đến xuất khẩu dầu khí của Nga, trong khoảng thời gian từ tháng 1 - tháng 5 năm nay đã tăng hơn 9% và trong tháng 5 tốc độ tăng trưởng là 28,5%. Tổng thống Vladimir Putin cho biết hiện tại thâm hụt ngân sách liên bang “không lớn”, song phần lớn là do việc dịch chuyển kế hoạch chi tiêu sớm lên.

Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, Nga kiên định với các nguyên tắc phát triển kinh tế đã đề ra. Thực tế cho thấy, Nga đã duy trì được sự ổn định của nền kinh tế, đồng thời giữ được vị thế là một phần của thị trường toàn cầu.

Ông nhấn mạnh những thay đổi trên toàn thế giới là chủ đạo và không thể đảo ngược, điều đó có nghĩa là Nga cần một chính sách kinh tế chủ động, chuyển đổi sang một cấp độ phát triển mới – đó là một nền kinh tế trọng cung. Một nền kinh tế như vậy đòi hỏi phải xây dựng lực lượng sản xuất trên quy mô lớn, củng cố cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ tiên tiến và tạo ra năng lực công nghiệp.

Để làm được điều này, Tổng thống Vladimir Putin lưu ý cần phải giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự và hướng đầu tiên trong sự phát triển của nền kinh tế trọng cung là việc làm. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có những nguồn dự trữ khổng lồ, chúng ta cần sử dụng những nguồn này”.

Theo ông, ở mọi thành phố, thị trấn và khu vực, người dân đều rất cần cơ hội việc làm. Điều quan trọng là cung cấp cho người dân nhiều cơ hội hơn để họ có thể tham gia, kể cả trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc các lĩnh vực kỹ thuật khác. Ngoài ra, ông cũng lưu ý cần phải tăng cường phát triển năng lực để làm việc trong môi trường làm việc từ xa.

Cuộc xung đột ở Ukraine nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng lao động của Nga trong nhiều thập niên sau khi hàng trăm nghìn công nhân rời khỏi nước này hoặc bị đưa ra tiền tuyến, làm suy yếu nền tảng của một nền kinh tế đang bị áp lực bởi lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Hai làn sóng di cư vào năm ngoái, lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ và việc huy động nghĩa vụ khoảng 300.000 nam giới đã làm trầm trọng thêm thị trường lao động vốn đã eo hẹp, bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm nhân khẩu học dài hạn. Điều đó đã khiến các doanh nghiệp Nga thiếu hụt nguồn nhân lực, từ lập trình viên và kỹ sư đến thợ hàn và thợ khoan dầu, những nghề cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế.

Để ngăn chặn làn sóng này, tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho các quan chức đưa các biện pháp nhằm đảo ngược dòng người di cư, bao gồm các ưu đãi tài chính và xã hội. Chính phủ Nga trước đó đã đề nghị giảm thuế, cho vay rẻ hơn và thế chấp ưu đãi để lôi kéo nhân viên công nghệ ở lại.

Bộ Tài chính Nga đã công bố các đề xuất đánh thuế hàng trăm nghìn người rời khỏi Nga khi xung đột nổ ra nhưng vẫn giữ công việc ở Nga của họ từ những nơi như: Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Trung Á. Một số nhà lập pháp Nga đã cảnh báo tịch thu tài sản của những người Nga đã rời khỏi nước này, mặc dù chưa có luật nào như vậy được thông qua.

Trong quý I/2023, các công ty Nga báo cáo tình trạng thiếu nhân sự lớn nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1998, theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nga. Số lao động dưới 35 tuổi ở Nga vào cuối năm ngoái đã giảm khoảng 1,3 triệu, xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990, theo phân tích của công ty tư vấn FinExpertiza. Vào tháng 5 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của Nga đã chạm mức thấp nhất sau thời kỳ Xô Viết.

Nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (Austria) Vasily Astrov cho biết: “Việc thiếu nguồn nhân lực là một thảm họa đối với nền kinh tế. Việc mất đi những người có trình độ học vấn, lực lượng lao động lành nghề sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng kinh tế trong nhiều năm tới”. Sự khan hiếm công nhân khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh để đảm bảo nhân lực, buộc họ phải tăng lương, làm tổn hại đến lợi nhuận của công ty và gây nguy hiểm cho các kế hoạch đầu tư. Ngược lại, tiền lương cao hơn đang đẩy lạm phát lên cao, ngân hàng trung ương Nga đã cảnh báo.

Đây cũng là vấn đề chung trên thế giới, khi tình trạng thiếu lao động đã gây khó khăn cho phần lớn nền kinh tế toàn cầu kể từ sau đại dịch COVID-19, khiến tiền lương tăng nhanh và lạm phát khó kiểm soát. Bà Yuliya Korochkina, Giám đốc nhân sự của Trade Systems Technonicol, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, cho biết công ty đang thiếu nhân công ở cả cấp lao động và chuyên gia.

Để giải quyết tình hình, công ty đã hạ thấp yêu cầu tuyển dụng đối với một số công việc, tăng cường làm việc từ xa và tự động hóa, đồng thời giới thiệu nhiều chương trình tạo động lực hơn cho người lao động. Bà cho biết: “Chúng tôi đang học cách làm được nhiều nhất với ít nguồn lực nhất”.

Nền kinh tế Nga cho đến nay đã vượt qua những dự báo về một cuộc suy thoái lớn sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, được hỗ trợ bởi việc bán dầu khí, sự kích thích mạnh mẽ của chính phủ và khả năng tìm ra giải pháp thay thế.

Nhưng doanh thu năng lượng giảm mạnh trong năm nay, tác động ngày càng tăng của các biện pháp trừng phạt công nghệ báo trước một tương lai khó khăn. Theo quan chức Nga, thiếu hụt công nhân cũng đang làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

“Tình hình như vậy trên thị trường lao động là một hạn chế đáng kể đối với việc mở rộng sản lượng hơn nữa”, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina lưu ý, trích dẫn sự thiếu hụt trong chế tạo máy, luyện kim, khai thác và khai thác đá, những ngành công nghiệp quan trọng đối Nga. Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất máy bay ở thành phố Ulan-Ude, Đông Siberia hồi tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin cũng nói rằng, việc thiếu các chuyên gia có trình độ cao đã cản trở hoạt động sản xuất quân sự.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác