Cả Nga và Mỹ đều khẳng định đã sẵn sàng nối lại các cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí. Động thái của các bên được đưa ra 4 tháng sau khi Nga tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội kiểm soát vũ khí của Mỹ hôm 2/6 ở Thủ đô Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nêu rõ, Washington sẵn sàng đàm phán song phương về kiểm soát vũ khí với Moscow mà không cần điều kiện tiên quyết. Theo đó, Mỹ có thể duy trì giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân quy định trong New START chừng nào Nga thực hiện hành động tương tự. Ông cũng kêu gọi Nga tham gia hiệp ước mới thay thế New START sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.
Cố vấn Jake Sullivan nhấn mạnh: “Cả Mỹ và Nga đều không có lợi khi tham gia vào một cuộc cạnh tranh không giới hạn về lực lượng hạt nhân chiến lược và cả hai nước đều sẵn sàng tuân thủ các giới hạn trung tâm chừng nào Nga cũng làm vậy. Thay vì chờ đợi để giải quyết tất cả những khác biệt song phương, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Nga ngay từ bây giờ để quản lý rủi ro hạt nhân và phát triển khuôn khổ kiểm soát vũ khí sau năm 2026. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào các cuộc thảo luận”.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/6 (giờ địa phương) cho biết, Nga cũng đã sẵn sàng đối thoại với Mỹ về kiểm soát vũ khí và Moscow chờ đợi các đề xuất cụ thể của Washington. Tuy nhiên, ông hy vọng tuyên bố của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ sẽ được củng cố trên thực tế bằng các bước đi theo kênh ngoại giao. Sau đó, Nga có thể sẽ xem xét các hình thức đối thoại được đề xuất.
Theo ông, những vấn đề quan trọng và nhạy cảm như vậy mà chỉ nhìn vào những tuyên bố trên báo chí sẽ rất khó đánh giá trong bối cảnh hai bên đang trải qua sự thiếu lòng tin trầm trọng trong quan hệ song phương. Ông nêu rõ: “Tuyên bố của ông Jake Sullivan là quan trọng và tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi muốn điều đó được khẳng định qua những bước đi cụ thể bằng các kênh ngoại giao. Sau đó, khuôn khổ cho đối thoại mới có thể được cân nhắc. Nga vẫn để ngỏ đối thoại và chúng tôi cho rằng đây là điều vô cùng quan trọng”.
Ngay trước khi phát đi những tín hiệu tích cực này, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, từ ngày 1/6, họ sẽ ngừng cung cấp cho Nga một số thông báo cần thiết theo yêu cầu của New START. Cụ thể, theo bộ trên, Washington sẽ ngừng cung cấp cho Moscow thông tin gồm dữ liệu được thu thập từ xa về đường bay của tên lửa, về các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Mỹ.
Dữ liệu mà Mỹ không cung cấp cũng bao gồm các cập nhật về trạng thái hoặc vị trí của các tên lửa và bệ phóng chịu trách nhiệm theo hiệp ước. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xem xét thu hồi thị thực hiện có đối với các thanh sát viên và thành viên đoàn bay của Nga theo Hiệp ước New START. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, “các biện pháp đối phó” nói trên được áp dụng để trả đũa việc Nga tạm thời đình chỉ hiệp ước New START.
Chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin nhận định rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, việc Washington đưa ra một quyết định như vậy đang gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại. Ông đồng thời nhấn mạnh, các biện pháp đáp trả gần đây của Washington có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. “Sau khi người Mỹ từ chối cung cấp thông tin cho chúng tôi, họ cũng sẽ không có thông tin của chúng tôi theo cách tương tự. Điều này sẽ làm tăng đáng kể mức độ bất ổn và nguy hiểm của thế giới, bởi vì bây giờ cách tốt nhất chỉ là sử dụng các kênh liên lạc trực tiếp nếu một trong các bên đột nhiên hiểu sai điều gì đó hoặc nhầm lẫn điều này, điều khác”, ông giải thích. Tuy nhiên, Nga sẽ không ở vị trí bất lợi hơn người Mỹ sau khi các cuộc kiểm tra và chuyển dữ liệu nhạy cảm bị hủy bỏ, theo chuyên gia Vladislav Shurygin.
Vào ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, Moscow đang “đóng băng” việc tham gia New START. Việc đình chỉ đã được ký thành luật sau đó 1 tuần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nga xé bỏ hiệp ước: Moscow nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế định lượng đối với vũ khí tấn công chiến lược và trao đổi thông báo với Washington về các vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia Vladislav Shurygin giải thích: “Trước hết, chúng tôi đã dừng lại bởi thực tế là Mỹ hoàn toàn trốn tránh việc tuân thủ hiệp ước (New START), do thực tế là nó tạo ra những trở ngại theo mọi cách có thể cho việc thực hiện hiệp ước này. Người Mỹ thường xuyên đình chỉ thị thực đối với các thanh sát viên của chúng tôi. Người Mỹ thường xuyên chặn các nỗ lực của chúng tôi, bao gồm cả những nỗ lực liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận Bầu trời Mở trong các chuyến nghiên cứu của chúng tôi. Và do đó, Nga cũng có một danh sách toàn bộ những thứ không phù hợp với chúng tôi”.
Vị chuyên gia quân sự nói thêm rằng: “Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi người Mỹ về chủ đề này, nhưng họ đã tránh giải quyết những vấn đề này bằng mọi cách có thể. Và theo đó, trong trường hợp này, họ chỉ đơn giản sử dụng một phần của thỏa thuận có lợi cho họ, cụ thể là thu thập thông tin chiến lược về vị trí của các lực lượng hạt nhân chiến lược của chúng tôi, về các hoạt động di chuyển của chúng, về bất kỳ vụ phóng, thử nghiệm nào và những thông tin khác. Trên thực tế, họ đã diễn giải những thông tin đó và sử dụng vì lợi ích của họ. Điều này, tất nhiên, không phù hợp với chúng tôi. Chúng tôi đã cảnh báo, và cho biết tình hình trở nên trầm trọng như thế nào”.
Trước đó, trong bài phát biểu hồi tháng 2 trước Quốc hội Nga, người đứng đầu Điện Kremlin đã giải thích lý do đằng sau quyết định đình chỉ tham gia New START. Đầu tiên, ông nói đến những nỗ lực của Washington nhằm cải tổ trật tự thế giới sau Thế chiến II, được các cường quốc đồng minh thống nhất ở Yalta vào tháng 2/1945. Thứ hai, ông đề cập đến việc Mỹ đơn phương rút khỏi các hiệp ước vũ khí chiến lược quan trọng; sự mở rộng của NATO về phía biên giới của Nga bắt đầu từ cuối những năm 1990 vi phạm rõ ràng các thỏa thuận miệng trước đó; cũng như việc triển khai các cơ sở tên lửa đạn đạo khổng lồ ở châu Âu dưới vỏ bọc là “mối đe dọa hạt nhân” từ Iran.
Thứ ba, Tổng thống Vladimir Putin chỉ ra thực tế rằng, nguyên tắc có đi có lại khi tiến hành kiểm tra lẫn nhau các địa điểm hạt nhân theo New START đã không được Mỹ tuân thủ đầy đủ. Thứ tư, Tổng thống Nga đặt vấn đề tại sao hai cường quốc vũ trang hạt nhân khác của NATO là Anh và Pháp chưa bao giờ bị ràng buộc bởi New START. Cuối cùng, người đứng đầu Điện Kremlin bày tỏ quan ngại sâu sắc về cam kết của phương Tây nhằm áp đặt một thất bại chiến lược đối với Nga, làm Moscow trắng tay và khiến nước này không thể tiến hành các hành động quân sự tích cực trong bối cảnh cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine. Tóm lại, Tổng thống Vladimir Putin giải thích rằng, các tình huống nói trên đã buộc Moscow phải tạm thời ngừng tham gia New START nhưng Nga sẵn sàng đối thoại về vấn đề này.