Trong "Báo cáo công tác Chính phủ" trình bày tại phiên khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổng kết công tác chính phủ trong 5 năm qua mà ông gọi là "rất phi thường" với những thành tựu nổi bật như giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đói nghèo và xây dựng xã hội khá giả toàn diện đúng hạn, hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ nhất và hướng tới mục tiêu 100 năm thứ hai... Trong đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân 5,2%/năm trong 5 năm. Ông cũng khẳng định những thành tựu mới mà nước này đạt được trong năm 2022 là "rất không dễ gì có được", mặc dù kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% mức thấp nhất kể từ những năm 1970 và thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra là 5,5%.
Trong báo cáo, chính phủ Trung Quốc tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là khoảng 5%, tạo được khoảng 12 triệu việc làm ở thành thị, tăng so với mục tiêu ít nhất 11 triệu của năm ngoái; duy trì bội chi ngân sách ở mức 3% GDP, lớn hơn mức khoảng 2,8% đề ra năm 2022.
Đề cập đến những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải trong năm 2023, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết: "Vấn đề phát triển mất cân đối, không đầy đủ vẫn nổi cộm. Sự phát triển hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tính bất định của môi trường bên ngoài gia tăng, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, đà tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới suy yếu, sự chèn ép và kìm hãm từ bên ngoài liên tục gia tăng. Nền tảng tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn cần được củng cố, nhu cầu yếu vẫn là mâu thuẫn nổi cộm, kỳ vọng của đầu tư tư nhân và doanh nghiệp tư nhân chưa ổn định, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ cùng hộ cá thể gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ ổn định việc làm còn nhiều gian nan...".
Trước thực trạng trên, trong 8 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm 2023, báo cáo nêu rõ Trung Quốc sẽ tập trung vào các chuỗi công nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực sản xuất, phân chia các nguồn lực chất lượng và thực hiện những biện pháp cụ thể để đạt được đột phá trong các ngành công nghệ cốt lõi thuộc những lĩnh vực then chốt. Báo cáo nhấn mạnh, Trung Quốc nên tiếp tục nỗ lực khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản; tăng tốc số hóa các ngành nghề truyền thống cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm cho chúng trở nên thông minh và thân thiện với môi trường hơn. Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ mới, cải thiện hệ thống logistic hiện đại.
Cũng theo báo cáo, chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ ủng hộ Hong Kong và Macau phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân, đồng thời duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài ở hai đặc khu hành chính này. Chính quyền trung ương sẽ duy trì sự quản trị dựa trên luật pháp đã được cam kết ở Hong Kong và Macau, đảm bảo rằng trật tự hiến pháp ở hai khu vực này được giữ vững như đã được quy định trong Hiến pháp Trung Quốc và các luật cơ bản của hai khu vực này. Văn kiện khẳng định Trung Quốc thúc đẩy thống nhất hòa bình và kiên quyết phản đối "Đài Loan độc lập".
Theo dự thảo ngân sách được công bố tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2023 là 1.553,7 tỷ nhân dân tệ (gần 225 tỷ USD), tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm thứ ba liên tiếp chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng kể từ năm 2021, cũng là năm thứ 8 liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức một con số. Năm 2016, ngân sách quốc phòng của nước này lần đầu tiên tăng một con số sau 5 năm, ghi nhận ở mức 7,6%. Từ năm 2011 đến 2015, con số này lần lượt là 12,7%, 11,2%, 10,7%, 12,2% và 10,1%. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,6% trong năm 2020, mức thấp nhất trong vòng 32 năm. Số liệu này đã dần tăng nhẹ trong hai năm qua. Trong đó, năm 2021 tăng 6,8%, đạt 1.355,343 tỷ nhân dân tệ; năm 2022 là 1.450,45 tỷ nhân dân tệ, tăng 7,1%. Đây cũng là lần đầu tiên chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng trên 7% kể từ năm 2019.
Trong báo cáo công tác do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày tại kỳ họp Quốc hội, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu quân đội nước này "đẩy mạnh toàn diện công tác huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược quân sự, chú trọng huấn luyện quân sự thực chiến, lập kế hoạch tổng thể đấu tranh quân sự trên các hướng, các lĩnh vực".
Về quan hệ quốc tế, báo cáo nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với cộng đồng quốc tế để đưa Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) đi vào hoạt động nhằm thúc đẩy những giá trị chung của nhân loại. Báo cáo cũng cho biết trong 5 năm qua, ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc đã được thực hiện trên tất cả các mặt. Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo của Đảng, nhà nước Trung Quốc đã đi thăm nhiều quốc gia, tham dự trực tuyến hoặc trực tiếp nhiều sự kiện ngoại giao lớn và Trung Quốc đã chủ trì một số sự kiện đối ngoại lớn. Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này sẽ kéo dài 8 ngày và bế mạc vào sáng 13/3. Hội nghị có 9 nội dung chính, bao gồm xem xét 6 báo cáo, trong đó có Báo cáo công tác Chính phủ, dự thảo "Luật Lập pháp" (sửa đổi), kế hoạch cải cách bộ máy Quốc vụ viện, bầu cử và phê chuẩn nhân sự cấp cao các cơ quan nhà nước, trong đó có các chức danh quan trọng, như Chủ tịch nước và Ủy viên trưởng Nhân đại (Chủ tịch Quốc hội) sẽ được bầu vào sáng ngày 10/3, nhân sự Thủ tướng sẽ được quyết định sau đó một ngày, tức sáng 11/3. "Lưỡng hội", tức hai kỳ họp Chính hiệp và Nhân đại là hai sự kiện chính trị trọng đại của Trung Quốc trong năm 2023. Hai kỳ họp này càng quan trọng hơn khi là sự kiện lớn tiếp theo được tổ chức sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bầu ra ban lãnh đạo mới của các cơ quan Nhà nước, cải cách bộ máy Chính phủ, đưa ra những quyết sách thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc, nhất là vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với áp lực phục hồi tăng trưởng hậu COVID-19 và giải quyết các vấn đề nóng trong xã hội sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp Quốc hội năm nay.
Nguồn: cand.com.vn