CÔNG AN BẠC LIÊU
Ẩn số từ Hội nghị An ninh Munich 2023?
Cập nhật ngày: 16-02-2023, lượt xem: 116
Các nhà lãnh đạo thế giới, Bộ trưởng quốc phòng và nhiều quan chức an ninh, tình báo quốc tế sẽ có mặt tại Đức từ 17-19/2, để tham dự Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59. Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh đầy thách thức, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt, cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.

Một báo cáo của ban tổ chức hội nghị được công bố trước khi sự kiện diễn ra, đã nêu bật những nguy cơ từ thực tế chia rẽ ngày càng tăng giữa các thể chế, đồng thời kêu gọi tái cấu trúc một tầm nhìn an ninh mới trong cộng đồng quốc tế.

Ngày 17/2, Hội nghị An ninh Munich (MSC) diễn ra trong ba ngày, sẽ chính thức khai mạc tại khách sạn 5 sao Bayerischer Hof, Munich (Đức), dưới sự chủ trì của Đại sứ Christoph Heusgen - Chủ tịch MSC. Được tổ chức thường niên từ năm 1963 tới nay, MSC tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng lại là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.

Ẩn số từ Hội nghị An ninh Munich 2023? -0
MSC lần thứ 59 dự kiến diễn ra từ 17-19/2. Nguồn: MSC.

Theo Chủ tịch Christoph Heusgen, trung tâm của các cuộc thảo luận tại MSC lần thứ 59 sẽ xoay quanh các câu hỏi như: thế giới hiện nay ra sao sau gần một năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine? Liệu chúng ta có đang sống trong một thế giới của bùng phát bạo lực?

Đâu là chất xúc tác cho một cam kết toàn cầu hướng tới một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ? Giới chuyên gia nhận định, những chủ đề thảo luận nêu trên đều xuất phát từ thực tế, rằng chiến sự Nga - Ukraine  ngày càng khó đoán định, những khó khăn mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gặp phải trong những năm gần đây về mặt cơ cấu và đóng góp, chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á hay sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một gia tăng trên toàn cầu.

Theo tờ DW, chiến sự Nga - Ukraine là vấn đề được quan tâm hàng đầu, bởi thực tế này giáng đòn mạnh vào MSC - sự kiện vốn có nhiệm vụ góp phần giải quyết hòa bình các cuộc xung đột. Năm 2022, chỉ vài ngày sau khi MSC bế mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine với quy mô mà các cường quốc châu Âu cho là lịch sử.

Xung đột không chỉ khiến hai bên tổn thất lớn về nhân lực và vật lực mà còn đặt ra những vấn đề an ninh toàn khu vực và trên thế giới. Được biết, MSC lần thứ 58 cũng từng đặt vấn đề Ukraine là một trong các trọng tâm thảo luận. Các đại biểu ở thời điểm đó đều nhấn mạnh, đối thoại để tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine là quan điểm cốt lõi, cần được ưu tiên.

Và tại MSC năm nay, theo quan điểm của Chủ tịch Christoph Heusgen, thách thức trực tiếp mà châu Âu đang phải đối mặt là tìm lý do để tăng cường đối thoại. Thậm chí, Chủ tịch MSC Christoph Heusgen nêu đích danh trong báo cáo MSC 2023 rằng, cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động trực tiếp đến đối thoại giữa các bên, ảnh hưởng tới trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trong bài viết về MSC 2023, DW có đoạn: "Các nhà lãnh đạo thế giới có thể không đồng quan điểm về nhiều vấn đề, nhưng chắc chắn, phần lớn trong số họ sẽ đồng tình về việc thế giới đang bước vào một thập  kỷ quan trọng trong cuộc tái cấu trúc trật tự thế giới".

Về bản chất, an ninh toàn cầu gắn liền với sự thịnh vượng kinh tế, biến đổi khí hậu, xung đột lợi ích quốc gia. Vì vậy, ông Christoph Heusgen nhận định: "Nếu chúng ta không giải quyết được sự phẫn nộ mà các quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á đối với trật tự quốc tế vốn không phải lúc nào cũng phục vụ lợi ích của họ, chúng ta sẽ khó giành được sự ủng hộ, với tư cách là đồng minh trong việc bảo vệ các quy tắc và nguyên tắc chính".

DW dẫn lời chuyên gia Liana Fix, thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, D.C., chia sẻ quan điểm về tuyên bố của ông Christoph Heusgen như sau: "Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng phương Tây sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, rằng không phải tất cả các nước sẽ ngay lập tức chỉ trích Nga. Thay vì hỗ trợ các nước khác giải quyết vấn đề giá lương thực và năng lượng tăng vọt, phương Tây lại chỉ trích họ vì không thể hiện đủ tình đoàn kết với Kiev".

Từ Yemen và Syria đến Ethiopia và Mali, hay các khu vực biên giới nóng bỏng của Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc, các quốc gia từ những khu vực đó đang đặt câu hỏi, tại sao họ nên giúp phương Tây khi họ hành động rất hạn chế với các cuộc xung đột ngay trước "cửa ngõ" của nước mình.

Theo chuyên gia Fix, tái cân bằng mối quan hệ kinh tế có lẽ là ý tưởng thực chất hơn các sáng kiến ngoại giao và các chuyến công du. Điều đó không chỉ áp dụng cho những nỗ lực của phương Tây để gây sức ép lên Nga mà còn là bước đi nhằm kiềm chế một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy ở Thái Bình Dương.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác