Rạn nứt trong Mercosur
Động thái của thành viên với dân số ít nhất nhưng giàu có nhất của Mercosur đánh dấu sự rạn nứt sau nhiều năm Uruguay thúc đẩy khối Mercosur theo đuổi cách tiếp cận cởi mở hơn đối với thương mại quốc tế. Mercosur dường như đã chuyển hướng khỏi chủ nghĩa bảo hộ khi khối này hoàn tất đàm phán một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019. Tuy nhiên, sự phản đối của châu Âu đối với các chính sách môi trường của Brazil cùng các vấn đề khác đã khiến việc ký kết và phê chuẩn hiệp định bị trì hoãn.
Các cuộc họp cấp tổng thống của liên minh Mercosur thường diễn ra rất “nhẹ nhàng”, cho đến khi Uruguay quyết định “mở cửa với thế giới” dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Luis Lacalle Pou. Những căng thẳng đó đã được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh Mercosur ở thủ đô Montevideo của Uruguay vào tháng 12/2022. Các nước trong Mercosur đã chỉ trích Uruguay vì độc lập nộp đơn xin tham gia CPTPP, một liên minh thương mại gồm 11 thành viên.
Phát biểu với tờ “Financial Times” bên lề hội nghị thượng đỉnh hồi đầu tháng 12/2022, trong đó Uruguay chuyển giao chức Chủ tịch Mercosur cho Argentina, Ngoại trưởng Argentina Santiago Cafiero nói: “Uruguay cần phải lựa chọn nếu họ vẫn còn trong liên minh Mercosur. Nếu bất kỳ bên nào xác định điều gì đó mà không có sự đồng thuận thì họ đang vi phạm quy tắc cơ bản của Mercosur”.
Mercosur, một liên minh thuế quan đã tồn tại 3 thập kỷ, trong đó bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, quy định không một quốc gia riêng lẻ nào được phép đàm phán các thỏa thuận ưu đãi với bên thứ ba. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Mercosur đang hoạt động không mấy hiệu quả, cả về thương mại giữa các thành viên và với các đối tác bên ngoài. Mercosur cũng đang phải vật lộn để hoàn tất hiệp định thương mại tự do với EU, một quá trình đang bước sang năm thứ 24.
Tham vọng mở cửa thương mại của Uruguay
Những sự chậm trễ và thất vọng đó là một trong những yếu tố thúc đẩy sứ mệnh của Montevideo là khám phá việc mở cửa ra thị trường nước ngoài. Lacalle Pou khẳng định: “Mercosur không còn có thể lãnh đạo với tư duy đầu những năm 1990”. Chile, Colombia, Peru và Mexico đều đang hướng tới Thái Bình Dương để mở rộng thương mại với châu Á. Tất cả đều đã tham gia hiệp định TPP, ngoại trừ Colombia, trong khi Mercosur vẫn hành động “chậm”.
Ngoại trưởng Uruguay Francisco Bustillo khẳng định rằng đất nước muốn hiện đại hóa chứ không phải tách khỏi khối Mercosur - vốn chiếm khoảng một phần ba tổng thương mại của Uruguay vào năm 2022. Theo dữ liệu của chính phủ, Uruguay đã xuất khẩu khoảng 27% hàng hóa sang khối Mercosur trong 10 tháng đầu năm 2022. Brazil là thị trường trọng điểm đối với các sản phẩm sữa và xe cộ của Uruguay, trong khi hàng chục nghìn công việc sản xuất phụ thuộc vào thương mại với Argentina.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Mercosur, ông Francisco Bustillo nói: “Không một hành động nào của đất nước tôi có thể được hiểu là Uruguay đang thúc đẩy việc chấm dứt Mercosur”. Về phần mình, Lacalle Pou đã bảo vệ hành động của quốc gia mình. Ông lập luận rằng quyết định giảm thuế quan chung bên ngoài áp dụng cho hàng hóa từ bên ngoài khối vào tháng 9/2022 cũng được Brazil và Argentina đưa ra mà không có sự đồng thuận giữa các đối tác.
Đầu năm 2022, Lacalle Pou cũng bắt đầu đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc. Ông cũng thể hiện sự sẵn sàng đàm phán thỏa thuận với các quốc gia khác đồng thời giữ Uruguay ở lại Mercosur. Tuần trước, Phòng Thương mại Uruguay - Trung Quốc đã nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với các bước đi mà Chính phủ Uruguay thực hiện nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế. Phòng Thương mại khẳng định việc “thúc đẩy” Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc là “trọng tâm” trong chiến lược của họ.
Tờ “Finanacial Times” đăng tải bình luận của Ignacio Bartesaghi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Công giáo của Uruguay, cho rằng sai lầm của Chính phủ Uruguay là “thực hiện quá nhiều thỏa thuận cùng một lúc”. Điều này khiến các thành viên Mercosur lo lắng vào thời điểm xảy ra sự thay đổi chính trị ở Brazil chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự năng động của nhóm. Từ tháng 1/2023, nhà lãnh đạo cánh tả Luiz Inácio Lula da Silva sẽ tiếp quản chức Tổng thống Brazil.
Nhà lãnh đạo mãn nhiệm Brazil Jair Bolsonaro từng là đồng minh của Lacalle Pou và cả Tổng thống Paraguay Mario Abdo Benítez. Bolsonaro không ưu tiên hợp tác trong khu vực. Trong khi đó, Lula có thể có những ý tưởng khác. Ông đã nhấn mạnh rằng sự hội nhập và chủ nghĩa đa phương lớn hơn của Mỹ Latinh sẽ rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của chính quyền ông. Nhiệm kỳ của ông cũng đánh dấu lần đầu tiên sau 4 năm các thành viên lớn nhất của Mercosur - Brazil và Argentina - đều nằm dưới sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo cánh tả.
Nhà phân tích khu vực người Uruguay Nicolás Saldías của Cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit cho rằng, việc Montevideo xúc tiến các thỏa thuận quốc tế là một “động thái mạo hiểm” trong bối cảnh bất ổn chính trị ngày càng cao. Ông nói: “Họ vẫn chưa biết ông Lula sẽ làm gì”. Ông Lula rất ủng hộ việc thúc đẩy thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc, hiện vẫn là người mua hàng lớn nhất của Brazil. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống trước đây của Lula vào đầu những năm 2000, Brazil đã trở thành thành viên của khối BRICS cùng với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, trở thành một công cụ quan trọng cho hợp tác toàn cầu. Giáo sư Bartesaghi nói: “Lula có thể muốn tự mình dẫn dắt các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Bây giờ, Lacalle phải thuyết phục ông ta làm điều đó cho Mercosur”.
Nguồn: cand.com.vn