RiaNovosti ngày 19/12 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov chỉ trích việc Liên minh châu Âu (EU) tìm cách áp giá trần khí đốt là hành động vi phạm quy chế thị trường. "Bất cứ động thái nào liên quan đến áp giá trần đều không thể chấp nhận được", ông Peskov nhấn mạnh.
Theo quan chức Nga, Moscow sẽ cân nhắc các biện pháp trả đũa. Ông mô tả các phản ứng của Nga trước việc EU áp giá trần khí đốt sẽ giống như khi phương Tây công bố giá trần với dầu mỏ Nga, tức Moscow sẵn sàng cắt nguồn cung cho các nước không làm việc "theo điều kiện thị trường".
Trước đó cùng ngày, Cộng hòa Czech, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, thông báo 27 thành viên trong khối thống nhất giá trần khí đốt tự nhiên ở mức 180 euro (khoảng 190 USD)/megawatt giờ. Quyết định được thông qua sau cuộc họp các bộ trưởng năng lượng EU cùng ngày tại Brussels, Bỉ.
Biện pháp này dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/2 năm sau. Mức giá trần sẽ được kích hoạt nếu giá khí đốt tự nhiên giao dịch trên sàn TTF của Hà Lan, vốn được xem là mức giá tiêu chuẩn của châu Âu, vượt 180 euro/ megawatt giờ trong vòng 3 ngày.
Ngoài ra, EU cũng sẽ kích hoạt giá trần với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở mức không được phép cao hơn 35 euro so với giá khí tự nhiên vận chuyển bằng đường ống trong cùng kì giao dịch. LNG vận chuyển bằng tàu biển, nên thường có giá cao hơn. EU mua nhiều LNG từ Mỹ và một số nước vùng Vịnh.
Trong ngày 19/12, giá khí đốt hợp đồng giao tháng kế tiếp trên sàn TTF của Hà Lan được giao dịch ở 107 euro/ megawatt giờ, thấp hơn đáng kể mức trần vừa công bố, theo Reuters. Tuy nhiên, hồi tháng 8 vừa qua, giá khí đốt có lúc tăng lên 340 euro/ megawatt giờ.
Để so sánh, hồi năm ngoái, giá khí đốt giao dịch xung quanh mốc 95 euro/ megawatt giờ và khi dịch COVID-19 bùng nổ ở châu Âu năm 2020, khí đốt có lúc chỉ giao dịch ở 14-15 euro/ megawatt giờ.
Trong suốt mùa Hè và mùa Thu vừa qua, trước lo ngại Nga có thể cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt, châu Âu đã chạy đua mua và tích trữ khí đốt nhiều nhất có thể. Tính tới tháng 11, EU đã lấp đầy 95% kho dự trữ, vượt mục tiêu 85% đặt ra cho tới cuối năm.
Hiện rất khó để đánh giá tác động của việc EU áp giá trần khí đốt. Khi trần giá khí đốt có hiệu lực, mọi giao dịch ở trên mức này đều không được EU cấp phép. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực, như đe dọa nguồn cung khí đốt của lục địa.
Trên thực tế, lượng khí đốt mà Nga bơm sang châu Âu đã giảm đáng kể từ tháng 7/2022 do sự cố với tuyến đường ống chính Nord Stream chạy dưới biển Baltic. Tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói khí đốt Nga chỉ còn chiếm 7,5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.
Nga chuyển lượng khí đốt kỷ lục sang Trung Quốc
Tập đoàn Gazprom của Nga ngày 19/12 cho biết, nguồn cung khí đốt từ Nga sang Trung Quốc qua đường ống chính mang tên Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) liên tiếp phá kỉ lục mới vào các ngày 14 và 17/12 vừa qua, nhưng không nêu chi tiết khối lượng.
Nga bắt đầu chuyển khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia từ năm 2019, theo Interfax. Năm 2021, Gazprom đã bơm cho Trung Quốc 10,4 tỷ mét khối khí tự nhiên. Năm 2022, lượng khí giao dịch tăng lên khoảng 15 tỷ mét khối và năm 2023 dự kiến đạt 22 tỷ mét khối.