CÔNG AN BẠC LIÊU
Nga - Mỹ nối lại đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân
Cập nhật ngày: 10-11-2022, lượt xem: 100
Phái đoàn Nga-Mỹ dự kiến sớm gặp gỡ để thảo luận về hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân theo khuôn khổ Hiệp ước New START, bước đi được mô tả là sẽ giúp khôi phục các cuộc đàm phán cấp cao hơn hướng tới gia hạn hoặc tìm kiếm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược mới.

Reuters ngày 9/11 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price xác nhận, Ủy ban Tham vấn Song phương (BCC), cơ quan thực thi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START hay START III) giữa Mỹ và Nga, sẽ gặp nhau "trong tương lai gần", nhưng không nêu rõ thời gian hoặc địa điểm, Reuters đưa tin. "Công việc của BCC là bí mật và chúng tôi trông đợi vào một phiên họp mang tính xây dựng", ông Price nói, nhấn mạnh thêm Washington luôn "thực tế về những kì vọng ở cuộc đối thoại giữa Mỹ-Nga và những gì có thể đạt được".

8.jpg -0
Khoảnh khắc tên lửa đạn đạo Minuteman III của Mỹ khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Military.com

Tuyên bố của ông Price được đưa ra không lâu sau khi tờ Kommersant của Nga dẫn các nguồn thạo tin nói rằng, Nga và Mỹ đã thống nhất sớm tiến hành đối thoại về New START ở một quốc gia Trung Đông. Tờ này cho biết thêm, Nga không còn coi Thụy Sĩ, nơi từng diễn ra các cuộc đàm phán trước đây giữa hai bên, là địa điểm gặp gỡ phù hợp do nước này đã áp đặt các biện pháp cấm vận nhắm vào Nga.

New START được Mỹ và Nga ký kết năm 2010, có hiệu lực 10 năm kể từ năm 2011, là thoả thuận chiến lược cuối cùng về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu, quy định mỗi nước được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân trên 700 phương tiện phóng (tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng). Ngoài ra, Hiệp ước bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn, phương tiện phóng ít nhất 2 lần mỗi năm; đồng thời yêu cầu các bên cho phép đối phương thanh sát các cơ sở liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Đầu năm 2021, không lâu sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kí sắc lệnh gia hạn văn kiện này thêm 5 năm, đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy vậy, việc thực thi New START gần đây gặp nhiều khó khăn. Do tác động của tình hình COVID-19, hoạt động thanh sát trực tiếp các cơ sở hạt nhân theo khuôn khổ New START bị đình chỉ hồi tháng 3/2020. Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hai bên đã nối lại đối thoại, bao gồm cuộc gặp gần nhất của BCC hồi tháng 10/2021 tại Geneva nhưng chưa thể tái khởi động các chuyến thanh sát.

Đến tháng 8/2022, Nga tuyên bố họ tạm thời rút khỏi hoạt động thanh sát dù vẫn "tuân thủ đầy đủ tất cả điều khoản của Hiệp ước" để đảm bảo tính công bằng, trong bối cảnh các biện pháp cấm vận khắt khe do Mỹ cùng đồng minh áp đặt chống Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến máy bay chở các đoàn thanh tra của Moscow không thể ra vào lãnh thổ Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây.

Ở chiều ngược lại, Mỹ dù ghi nhận quyết tâm của Nga trong nỗ lực tìm giải pháp gia hạn New START nhưng chỉ trích việc Moscow rút khỏi hoạt động thanh sát. Washington nhấn mạnh, các cuộc đàm phán gia hạn New START hoặc xây dựng một thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược mới sẽ chỉ được tổ chức chừng nào hoạt động thanh sát diễn ra bình thường.

Trong diễn biến liên quan, bất chấp việc quan hệ hai nước tiếp tục tuột dốc, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 8/11 xác nhận, Mỹ vẫn đang có các cuộc tiếp xúc cấp cao với quan chức Nga. "Chúng tôi có quyền trao đổi về vấn đề mà Mỹ quan tâm. Các cuộc trò chuyện tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ Mỹ-Nga", bà Jean-Pierre nói. Truyền thông Mỹ cùng thời điểm tiết lộ, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gần đây đã tham gia một số cuộc đàm phán kín với các phụ tá của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nỗ lực ngăn chặn leo thang căng thẳng hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự.

Giới quan sát bày tỏ kì vọng, việc Nga-Mỹ vẫn có thể duy trì đối thoại và sớm nối lại các cuộc đàm phán về công tác thanh sát hạt nhân sẽ mở đường để hai bên tìm kiếm những đồng thuận lớn hơn xung quanh vấn đề kiểm soát vũ khí chiến lược. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, xu thế căng thẳng địa chính trị gia tăng, cạnh tranh và nghi ngại giữa các quốc gia gần đây có dấu hiệu thay thế đối thoại và đoàn kết quốc tế, nguy cơ hạt nhân bị đẩy lên mức chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm đối đầu trong Chiến tranh Lạnh. Ông kêu gọi các nước khẩn trương đưa ra cam kết cụ thể về việc loại trừ vũ khí hạt nhân, bởi nếu một cuộc chiến hạt nhân xảy ra, nó sẽ kéo theo "sự hủy diệt của hành tinh".


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác