CÔNG AN BẠC LIÊU
Cấp tập cuộc đua chức Thủ tướng Anh
Cập nhật ngày: 27-07-2022, lượt xem: 157
Cuộc bầu chọn người lãnh đạo đảng Bảo thủ để từ đó đứng ra thành lập chính phủ mới, thay thế ông Borris Jonson vừa từ chức, đã qua giai đoạn 1. Theo quy trình bầu chọn, sau giai đoạn 1, số lượng ứng cử viên chỉ còn lại 2 người bước vào vòng bầu chọn sau cùng. Hai người cuối cùng đã được xác định là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss, được giới quan sát đánh giá là “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

“Bà đầm thép” mới?

Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss là một người trung thành với cựu Thủ tướng Borriss Johnson. Khi ông Johnson buộc phải tuyên bố từ chức, bà Truss đang bận đi công tác ở Indonesia, không có mặt ở nhà để giúp ngăn chặn “dòng thác” từ chức của các bộ trưởng nội các. Tuy vậy, bà cũng đã kịp tập hợp lực lượng để mở chiến dịch tranh chức lãnh đạo đảng với tốc độ nhanh chóng mặt. Dù phải làm việc từ xa, bà Truss vẫn khởi đầu chiến dịch của mình sớm hơn đối thủ - cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak.

Xét về trình độ công nghệ thì lực lượng của bà Truss được đánh giá không sánh bằng đội ngũ của ông Sunak, nhưng tính chuyên nghiệp về chính trị thì có vẻ nhỉnh hơn. Ông Sunak còn có lợi thế là không bận bịu công việc nội các trong khi bà Truss vừa phải lo cáng đáng công việc nội các chính phủ, vừa phải lo vận động tranh cử. Đây có vẻ như là một sự mất cân bằng, nhưng bà Truss đang lấy lại cán cân, với việc được hỗ trợ bởi các đồng minh thân cận trong quốc hội và một nhóm các nhà vận động chuyên nghiệp làm việc tại trụ sở gần đó.

Cấp tập cuộc đua chức Thủ tướng Anh -0
Bà Liz Truss.

Phần đầu cuộc đua chứng kiến các nghị sĩ bỏ phiếu để chọn ra 2 ứng cử viên cuối cùng, trách nhiệm thúc đẩy sự ủng hộ và thu thập các con số đã được giao cho các chuyên gia kỳ cựu như Graham Stuart và Wendy Morton, được hỗ trợ bởi cố vấn đặc biệt của bà Truss, Sophie Jarvis, từng làm việc cho Viện Adam Smith.

Giờ đây, sự chú ý đã chuyển sang cuộc chiến giành phiếu bầu của các đảng viên. Ruth Porter, cố vấn của bà Truss trong thời gian bà làm Bộ trưởng Tư pháp, hiện được giao trông coi việc điều hành chiến dịch hằng ngày.

Porter có nhiều kinh nghiệm điều hành các chiến dịch lớn, đến từ công ty quan hệ công chúng FGS Global và trước đây là người đứng đầu các vấn đề quốc tế và quan hệ chính phủ tại Sở Giao dịch chứng khoán London. Bà cũng có mối quan hệ với các thành viên chính sách với tư cách là cựu giám đốc truyền thông của Viện Các vấn đề kinh tế.

Truyền thông chiến lược đang được chỉ đạo bởi Adam Jones, một trong những trợ lý chính trị của Bộ Ngoại giao và Jason Stein, cựu cố vấn truyền thông cho Hoàng tử Andrew và các bộ trưởng cấp cao của chính phủ như Amber Rudd. Trong khi đó, việc xử lý thường trực với các phương tiện truyền thông được dẫn dắt bởi Sarah Ludlow, một cố vấn đặc biệt khác, người đã tìm cách duy trì đà phát triển của bà Truss bằng một dòng chia sẻ cho các nhà báo về những người ủng hộ mới, các cuộc thăm dò dư luận thuận lợi và các trích dẫn phản hồi.

Mặc dù nhận được sự ủng hộ cao trong các đảng viên của đảng Bao thủ, bộ sậu phụ tá của bà Truss vẫn luôn cố gắng giành được nhiều lá phiếu nghị sĩ càng tốt - bao gồm hơn 100 người đã bỏ phiếu cho ông Penny Mordaunt tạ cuộc bỏ phiếu vừa qua. Do bị đối thủ Sunak vượt mặt về số lượng ủng hộ từ các đồng nghiệp, đội ngũ cố vấn của bà Truss muốn đảm bảo duy trì động lực bằng cách tìm kiếm những người ủng hộ mới.

Trong số những người mới ủng hộ bà Truss có những người từng phục vụ cho ông Sunak, như Simon Clarke, cựu Trưởng ngân khố quốc gia; hay như Nadine Dorries, Thérèse Coffey và James Cleverly, những người tiềm năng có thể phục vụ dưới trướng bà Truss nếu bà giành chiến thắng. Ngoài ra, cũng phải kể đến những cái tên đình dám trong chiến dịch vận động ủng hộ Brexit như Jacob Rees-Mogg, Hugh Bennett, trước từng làm phụ tá cho nhà đàm phán Brexit David Frost,...

Rishi Sunak và giấc mơ của người thiểu số

Rishi Sunak là một tỉ phú Anh gốc Ấn Độ, từng nắm giữ chức Bộ trưởng Tài chính, nhưng đã tham gia làn sóng từ chức khiến ông Johnson mất ghế thủ tướng.

Đội ngũ cố vấn và giúp việc cho chiến dịch vận động của ông Sunak được đánh giá vượt trội hơn hẳn đội ngũ của bà Truss về trình độ công nghệ và sự sành sỏi về mạng xã hội và truyền thông số. Đây được xem là lợi thế không nhỏ đối với các chính trị gia trong thời buổi công nghệ phát triển vượt bậc hiện nay. Tuy bị bà Truss bỏ lại phía sau trong các cuộc thăm dò cử tri, nhưng bù lại ông Sunak giành được nhiều phiếu nghị sĩ hơn.

Thế mạnh lớn nhất của ông Sunak chính là khả năng trình diễn trước ống kính truyền thông, mặc dù đôi lúc ông cũng có chút e dè. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình vừa qua, ông Sunak được cho là thoải mái hơn bà Truss ở khâu tra cứu tài liệu để tranh luận. Giới phân tích cho rằng sự lúng túng của bà Truss có thể sẽ trở thành nhược điểm chết người khiến bà mất điểm trước đối thủ trong cuộc tranh luận sắp tới.

Có người cho rằng “gót chân Achilles” của ông Sunak chính là việc ông là một tỷ phú nên khó có thể tiếp xúc gần gũi với dân lao động. Việc này có thể được đối thủ của ông khai thác triệt để nhằm giành lấy ưu thế trước ông.

Tuy nhiên, ông Sunak đã nói với các phụ tá của mình rằng ông muốn nói chuyện cởi mở về kinh nghiệm của mình với tư cách là một người nhập cư thế hệ thứ hai và rao giảng ý tưởng về nước Anh như một nơi mà mọi người có thể khao khát làm thay đổi vận mệnh của mình.

Ông dự kiến sẽ dựa vào sự ủng hộ của những cái tên nặng ký trong nội các như Dominic Raab và Steve Barclay, nhưng các trợ lý cũng chỉ ra sự hậu thuẫn của các nữ bộ trưởng thế hệ tiếp theo như Vicky Atkins, Helen Whatley và Gillian Keegan.

Nói chung, khi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên chưa diễn ra, khả năng chiến thắng vẫn còn chia đều cho cả hai.


Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác