CÔNG AN BẠC LIÊU
Chuyến thăm Trung Đông của ông Biden
Cập nhật ngày: 18-07-2022, lượt xem: 91
Ngày 13-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Israel, chặng đầu tiên trong chuyến thăm Trung Đông, trước khi tới lãnh thổ Palestine và Saudi Arabia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đến gần và tình hình lạm phát đang ở mức cao kỷ lục. Saudi Arabia được xem là chặng dừng chân quan trọng nhất trong chuyến đi lần này của ông Biden.

Chuyến thăm Israel của Tổng thống Mỹ được coi là dấu mốc về sự tiến triển trong mối quan hệ giữa Israel và Mỹ sau nhiệm kỳ tổng thống thất thường của ông Trump. Ông Trump từng tự nhận mình là người ủng hộ nhiệt thành của Israel và là đồng minh của ông Netanyahu. Cựu Tổng thống Mỹ đã chuyển đại sứ quán đến Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan và cắt viện trợ cho Palestine. Điều này khiến Israel ngày càng trở thành một vấn đề mang tính đảng phái ở Mỹ. Trong khi đảng Cộng hòa bày tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ, các thành viên đảng Dân chủ đã ra sức chỉ trích các chính sách của nước này đối với Palestine.

Tuy nhiên, ông Biden cho biết ông muốn khôi phục sự ủng hộ truyền thống của đảng Dân chủ đối với Israel, ngay cả khi ông hy vọng nối lại vai trò trung gian hòa giải của Mỹ với Palestine. Phát biểu trước báo giới, ông Biden chỉ nhắc một câu về sự gắn bó của ông với giải pháp hai Nhà nước Israel và Nhà nước Palestin tồn tại bên nhau. Đó cũng là ý tưởng được cộng đồng quốc tế tán đồng. Bất chấp căng thẳng Israel - Palestine, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào ngày 15-7 tại Bờ Tây. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên kể từ năm 2017.

Chuyến thăm Trung Đông của ông Biden -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại sân bay Ben Gurion, Tel Aviv, Israel ngày 13-7.

Nội dung thứ hai được nói đến tại chặng Israel là vấn đề Iran. Trong lúc các cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân Iran giữa các cường quốc và Tehran dường như đang bế tắc, Israel lo ngại nước Cộng hòa Hồi giáo đang phát triển vũ khí nguyên tử. Nhà nước Do Thái mong muốn có một liên minh quân sự trong vùng. Liên minh đó có thể tập hợp tất cả các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Hiển nhiên gồm có Israel, Ai Cập, Jordani, nhưng đồng thời có cả các vương quốc Vùng Vịnh như Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrein và cả Saudi Arabia, nơi Tổng thống Biden sẽ tới thăm vào ngày 15-7. Trả lời phòng vấn kênh truyền hình 12 của Israel, Tổng thống Mỹ ưu tiên giải pháp ngoại giao với Iran. “Sử dụng vũ lực sẽ chỉ là cách cuối cùng”, ông nói.

Bên cạnh đó, chính quyền nhà nước Do Thái đang trông cậy vào chuyến thăm này của ông Biden để khởi động một quan hệ hợp tác với Saudi Arabia, phù hợp với các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước Arab. Như một biểu tượng của sự xích lại gần nhau đó, ngày 15-7, Tổng thống Mỹ bay thẳng từ Israel qua Saudi Arabia. Chuyến bay Tel Aviv-Djdda sẽ là chuyến bay trực tiếp đầu tiên trong lịch sử của hai nước.

Nhưng, chặng dừng chân tại Saudi Arabia mới được coi là quan trọng nhất trong chuyến thăm Trung Đông lần này của ông Biden. Ngày 13-7, Mỹ công bố tỉ lệ lạm phát mới 1,3% trong tháng 6-2022 so với tỉ lệ 1% hồi tháng 5. Như vậy là quá cao. Ông Biden nhắc lại đấu tranh chống lạm phát là ưu tiên hiện nay. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã không bỏ lỡ dịp này để chỉ trích Tổng thống Biden. Thượng nghị sĩ Marco Rubio tố cáo phe Dân chủ không quan tâm đến những điều quan trọng đối với tầng lớp bình dân. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình lạm phát cao tại Mỹ hiện nay là giá xăng dầu leo thang. Và, chuyến thăm Saudi Arabia của ông Biden được cho là nhằm thuyết phục Riyadh bơm thêm dầu vào thị trường nhằm giúp hạ giá dầu. Nhưng, liệu ông có thành công?

Trước khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích năng nề chính quyền Saudi Arabia liên quan đến vụ ám sát nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi. Khi lên nắm quyền, ông Biden đã hứa sẽ “điều chỉnh lại” quan hệ với đối tác chiến lược này của Mỹ.

Chiến sự ở Ukraine đã nổ ra và đẩy giá dầu thô lên mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chính điều này đủ để khuyến khích Tổng thống Mỹ nguôi ngoai mọi chuyện và gạt những lo ngại liên quan đến nhân quyền sang một bên. Đối với nhà phân tích Craig Erlam của Oanda, chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ cho thấy “sự tuyệt vọng của ông Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nên ông muốn ít nhất tạo ấn tượng rằng ông đang cố gắng giảm bớt căng thẳng trên thị trường”.

Ông Craig Erlam nhấn mạnh: “Thỏa thuận OPEC+ hết hạn vào tháng 9 sẽ tạo ra cơ hội” cho Tổng thống Mỹ. Trên thực tế, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), do Saudi Arabia lãnh đạo và 10 đối tác (OPEC+) do Nga dẫn đầu, đã giảm hàng triệu thùng dầu ở đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 để không làm tràn ngập thị trường. Khi tình trạng COVID-19 được cải thiện và nhu cầu dầu thô phục hồi, OPEC+ đã quyết đưa ra chiến lược tăng dần tổng khối lượng sản xuất vào tháng 5 năm 2022. Về lý thuyết, nếu OPEC+ đáp ứng đúng hạn ngạch đề ra, mức sản lượng sẽ trở lại trước đại dịch sau tháng 8. Do đó, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ diễn ra trước cuộc họp OPEC+ vào tháng 8, trong đó một thỏa thuận mới có thể ra đời.

Chuyến thăm Trung Đông của ông Biden -0
Tổng thống Israel Isaac Herzog (bên trái) và Thủ tướng Yair Lapid tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Stephen Innes, một nhà phân tích tại Spi Asset Management, cho biết: “Sẽ là một bất ngờ lớn nếu Saudi Arabia sản xuất nhiều dầu hơn”. Saudi Arabia đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ qua trong quý đầu tiên năm 2022, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, nhờ vào lĩnh vực dầu mỏ. Đối với Walid Koudmani, một nhà phân tích tại XTB, đây là một “động lực kinh tế đáng kể để Saudi Arabia không tăng sản lượng”. Đặc biệt là khi đất nước này dường như đã gần đạt đến khả năng sản xuất tối đa. “Vương quốc Saudi Arabia đã làm tất cả những gì có thể”, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, hoàng tử Faisal bin Farhan, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 5.

Một điểm khúc mắc khác giữa Mỹ và Saudi Arabia vẫn là Iran, kẻ thù truyền kiếp của Saudi Arabia. Saudi Arabia dẫn đầu một liên minh quân sự ở Yemen đã hỗ trợ chính quyền trung ương từ năm 2015 chống lại lực lượng Houthis, được Iran hậu thuẫn. Nhưng, Washington đang tham gia vào các cuộc đàm phán với Tehran để tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu đàm phán đạt kết quả sẽ dẫn đến việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và cho phép nước này đưa dầu trở lại thị trường dầu mỏ. Các cuộc đàm phán gián tiếp diễn ra vào cuối tháng 6 tại Doha giữa Mỹ và Iran, thông qua Liên minh châu Âu, nhằm phục hồi thỏa thuận năm 2015 nhưng không có kết quả.


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác