CÔNG AN BẠC LIÊU
Thách thức của G7 với “mục tiêu xanh”
Cập nhật ngày: 27-05-2022, lượt xem: 91
Quan chức cấp cao đến từ 7 nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhóm họp tại Berlin, Đức trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 26/5, tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong việc chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giúp hạn chế biến đổi khí hậu.

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng các vấn đề kinh tế và khí hậu Đức Robert Habeck ngày 26/5 bày tỏ kỳ vọng G7 có thể đóng vai trò tiên phong nhất định “nhằm thúc đẩy việc chấm dứt sử dụng than trong sản xuất điện cũng như quá trình khử carbon trong các hoạt động giao thông vận tải”. Ngoài ra, ông Habeck cũng cho biết vấn đề này có thể được chuyển tới Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7, dự kiến tổ chức vào tháng tới tại Elmau, Đức, và sau đó là cuộc họp của quan chức cấp cao nhóm G20 vào cuối năm nay. Giới quan sát nhận định, việc đưa các nước G20 tham gia vào các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng sẽ mang ý nghĩa quan trọng bởi một số nền kinh tế lớn, mới nổi hiện nay như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

8-1.jpg -0
Đại diện nước chủ nhà Đức tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường. Ảnh: AP.

Nhiều nguồn tin cho thấy các bộ trưởng nhóm G7 dự kiến sẽ xem xét cam kết từ bỏ việc sử dụng than đá vào năm 2030, một động thái có thể sẽ hứng chịu sự phản đối từ hai nước quan trọng là Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận về tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo trong đối phó với biến đổi khí hậu, bổ sung quỹ tài trợ cho các chương trình bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ đại dương và giảm ô nhiễm chất thải nhựa. Thêm nữa, các bộ trưởng cũng muốn tái khẳng định cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Cuộc họp các bộ trưởng năng lượng và môi trường của G7 diễn ra trong một thời điểm “nhạy cảm”, khi biến đổi khí hậu được cho là tác nhân gây ra những kiểu hình thời tiết cực đoan tại nhiều khu vực trên thế giới, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản trong thời gian gần đây. Ngoài ra, châu Âu cũng đang đối mặt với thách thức lớn đến từ cuộc xung đột tại Ukraine. Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga hứng chịu trừng phạt của phương Tây dẫn đến việc Moscow đáp trả bằng cách cắt nguồn cung khí đốt đến nhiều nước. Cuộc xung đột dẫn đến việc nhiều nước phải vật lộn để tìm nguồn cung nhiên liệu khác ngoài Nga, khiến nhiều người lo ngại cuộc khủng hoảng hiện nay có thể làm suy yếu các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Các nhóm vận động vì môi trường cảnh báo những quốc gia như Đức đang có nguy cơ làm đổ bể “mục tiêu xanh” của chính mình.

Đáp lại những quan ngại này, ông Robert Habeck ngày 26/5 nhận định, việc tìm nguồn nhiên liệu hóa thạch thay thế sẽ không ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo vệ môi trường. Thay vào đó, tình trạng khẩn cấp về năng lượng và lạm phát cao sẽ trở thành “bước đệm đầu tiên để nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”. Đồng quan điểm này, Đặc phái viên của Mỹ về khí hậu John Kerry nhận định, các nước “cần nhanh chóng tăng tốc”, không nên lấy việc cuộc chiến leo thang tại Ukraine làm lý do để “tăng cường chuyển hướng xây dựng một hệ thống trạm bơm nhiên liệu hóa thạch mới”.

Các nhà vận động vì môi trường cũng kêu gọi các nước nhóm G7 đưa ra cam kết rõ ràng rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ không “làm chệch hướng” mục tiêu xanh của họ. David Ryfisch, chuyên gia về chính sách khí hậu tại tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch, cho biết, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có xung đột và chiến tranh, “các nước G7 buộc phải ứng phó nhưng nên thông qua các biện pháp, nguồn năng lượng tái tạo, chứ không phải xây dựng cơ sở vật chất để khai thác nhiên liệu hóa thạch”. Bà Kadri Simson, Ủy viên châu Âu về năng lượng, nhấn mạnh: “Với tư cách là bộ trưởng phụ trách năng lượng và môi trường của các nước G7, chúng tôi có mặt tại Berlin ngày hôm nay để gửi đi thông điệp rõ ràng rằng quá trình chuyển đổi xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác