Ukraine mô tả tình hình chiến sự với Nga đã bước vào "giai đoạn kéo dài", không lâu sau khi giới chức cả hai nước cùng xác nhận các cuộc đàm phán hòa bình không còn được tiến hành dưới bất cứ định dạng nào.
Reuters ngày 17/5 dẫn lời ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời là thành viên phái đoàn đàm phán của Ukraine với Nga, thông báo, tiến trình đối thoại giữa hai nước "đang trong trạng thái ngưng trệ". Quan chức Ukraine cho biết thêm, phía Nga mang quan điểm quá cứng rắn tới bàn đàm phán.
"Mục tiêu chiến lược của Nga là: Có tất cả hoặc không có gì", ông mô tả. Theo lời ông Podolyak, tình hình xung đột ở Ukraine hiện "không còn diễn ra theo các quy tắc, thời gian biểu hay kế hoạch" của Nga, còn Kiev sẽ không đặt bút kí thỏa thuận hòa bình nào cho tới khi Moscow rút hết lực lượng. "Chúng tôi sẽ không nhượng bộ lãnh thổ. Điều đó là không thể chấp nhận được đối với Ukraine và nó sẽ không được xã hội Ukraine chấp thuận", ông Podolyak nhấn mạnh.
Vài giờ sau, hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko xác nhận, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine hiện không còn được tiến hành cả theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. "Ukraine trên thực tế đã rút khỏi quá trình đàm phán", ông Rudenko phát biểu.
Trong khi đó, một thành viên nhóm đàm phán của Nga, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cáo buộc Mỹ là một phần nguyên nhân khiến tiến trình đối thoại Nga-Ukraine bế tắc. Ông Slutsky cũng cho rằng Washington không muốn lập lại hòa bình ở Ukraine và đang trong một "cuộc chiến hỗn hợp" với Moscow, nhưng không nêu thêm chi tiết.
Đây là lần đầu tiên Nga-Ukraine thông báo về sự ngưng trệ trong nỗ lực đi đến một thỏa thuận chấm dứt giao tranh kể từ khi chiến sự nổ ra hôm 24/2. Gần 3 tháng qua, hai bên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán bằng hình thức trực tiếp và qua video. Sau vòng đối thoại trực tiếp được mô tả là hiệu quả ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3, phía Nga đã rút lực lượng khỏi vùng Kiev và các đô thị phía Bắc Ukraine.
Tuy nhiên, Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút khỏi các cam kết do chính họ đưa ra, đồng thời tuyên bố khởi động giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự là với mục tiêu là "giải phóng có hệ thống hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk", hai thực thể do phe ly khai lập ra ở Donbass, hiện mới chỉ được Nga công nhận.
Giữa tháng 4, phía Nga nói rằng nước này đã chuyển một dự thảo thỏa thuận hòa bình, trong đó "bao gồm những điều khoản rõ ràng, được trau chuốt kĩ lưỡng" cho Ukraine. Quan chức cấp cao của Ukraine xác nhận đã nhận bản dự thảo. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky lại nói ông chưa từng thấy bản dự thảo nói trên. Đến nay, phía Nga vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức nào từ Kiev.
Trên thực địa, sau gần 3 tháng giao tranh, ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine hứng chịu nhiều thiệt hại không thể bù đắp, song Kiev đã nhận được nhiều tỷ USD vũ khí viện trợ từ phương Tây. Về lãnh thổ, Ukraine mất kiểm soát tỉnh Kherson, một số khu vực phía Nam và phần lớn vùng Donbass ở phía Đông.
Từ ngày 16/5 đến 18/5, gần 1.000 binh sĩ Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol đã ra đầu hàng lực lượng Nga, đánh dấu thời khắc Nga kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược bên bờ biển Azov thuộc tỉnh Donetsk.
Giới quan sát mô tả việc kiểm soát Mariupol giúp Nga thiết lập hành lang thông suốt trên bộ từ bán đảo Crimea qua vùng duyên hải phía Nam Ukraine tới lãnh thổ Nga. Điều này cũng mở đường để Moscow rút bớt lực lượng vây hãm nhà máy Azovstal để chuyển sang hoạt động tại các khu vực khác trong trung tâm công nghiệp ở Đông và Nam Ukraine.
Từ Kiev, trong tuyên bố hôm 17/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov mô tả cuộc chiến với Nga đã bước sang "giai đoạn kéo dài". "Nga đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự dài hạn", ông nói. Theo ông Reznikov, quân đội Nga đang xây dựng các công sự ở khu vực Zaporizhzhia và Kherson để "chuyển sang phòng thủ nếu cần thiết".
Ông Reznikov cũng cho biết, các nỗ lực chính của Nga hiện tập trung vào việc "bao vây và tiêu diệt các đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine ở các khu vực Donetsk và Lugansk, thiết lập và duy trì một hành lang trên bộ từ Nga đến bán đảo Crimea, đồng thời hoàn thành việc kiểm soát miền Nam Ukraine". Tuy nhiên, ông Reznikov khẳng định phía Ukraine sẽ kháng cự bằng vũ khí do phương Tây viện trợ, đồng thời hối thúc phương Tây tiếp tục gửi nhiều vũ khí hơn nữa cho Kiev.
Đáp lại lời kêu gọi nói trên, quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tuyên bố, "EU sẽ không để Ukraine cạn kiệt khí tài"."Chúng ta đang sống trong giai đoạn chưa từng xảy ra, cuộc chiến này đòi hỏi chúng ta phải hỗ trợ quân đội Ukraine", ông nói. Tuần trước, Borrell đã công bố thêm một gói viện trợ vũ khí sát thương trị giá 526 triệu USD của EU dành cho Ukraine, nâng tổng viện trợ quân sự cho nước này lên 2,11 tỷ USD chỉ trong vòng vài tháng.