CÔNG AN BẠC LIÊU
Ác mộng súng đạn trên đường phố Ấn Độ
Cập nhật ngày: 10-05-2022, lượt xem: 218
Việc sở hữu súng hợp pháp tại Ấn Độ rất khó khăn. Bất kỳ người nào cũng phải trải qua nhiều vòng thủ tục giấy tờ để chứng minh nhân thân và mục đích sử dụng súng. Đấy là chưa kể giá một khẩu súng lục nhỏ cũng có thể lên tới 63.000 ringgit, vào khoảng 825 USD. Số tiền này vượt quá khả năng tài chính của nhiều người Ấn Độ.

Do vậy mà từ nhiều năm nay, cảnh sát Ấn Độ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vũ khí “nóng”. Súng đạn tự chế tràn lan trên thị trường chợ đen đang góp phần làm mất tình hình an ninh - ổn định và tiếp tay cho những đối tượng tội phạm có tổ chức.

Mua súng “dễ như mua rau”

Theo Cục Thống kê tội phạm quốc gia  Ấn Độ, 75% số vụ ngộ sát tại nước này có liên quan đến súng đạn. 30% trong số đó là do hung thủ sử dụng súng lục tự chế gọi là katta gây ra. Katta là loại súng sử dụng một lần có cấu trúc tương tự như súng bắn pháo sáng. Nhờ thiết kế đơn giản mà ngay cả những người chỉ có kiến thức sơ đẳng về gò, hàn cũng có thể chế được katta.

Chuyên gia giám định pháp y Bjamur Singh viết trên tờ Hindustan: “Người ta thường làm súng lục cho các cỡ nòng 8x50mm, và đạn hoa cải 12 ly. Họ làm katta mà lại dùng đạn súng trường vì những thứ đạn này có sẵn trên thị trường. Đổi lại, một khẩu katta chỉ có thể dùng được một lần rồi phải bỏ đi vì thân súng không chịu được sức ép  từ viên đạn. Điều này không quan trọng lắm vì dưới khoảng cách 5 m, chỉ một viên đạn súng trường cũng đủ để giết người”.

Người ta có thể chế katta từ sắt vụn. Theo lời một “chuyên gia” chuyên chế súng lậu thì: “Thân súng được làm từ thép tấm lấy từ vỏ xe ôtô rồi uốn lại thành hình. Vì nòng súng trơn, không có quét rãnh nên lấy ống nước hoặc ống trục xe hơi làm nòng cũng được. Chỉ riêng bộ cò là có phần hơi rắc rối. Chúng tôi phải tìm được loại lò xo xe đạp cỡ to bằng ngón tay cái thì mới làm được cò súng”.

không khó để những người dân ấn độ mua súng tự chế.jpg -0
Không khó để những người dân Ấn Độ mua súng tự chế.

Một khẩu katta có giá rơi vào khoảng 500-1000 ringgit (0,56-1,12 USD), mức giá ngay cả những người nghèo nhất cũng mua được. Tất nhiên là “tiền nào của ấy”. Không hiếm những người bị thương vì chính khẩu súng của mình. Bà Sumita Bhaj kể: “Con trai tôi không biết lấy tiền đâu ra mua được một khẩu katta. Nó đem súng ra đồng để thử. Vừa mới bóp cò xong thì khẩu súng nổ toang. Bác sỹ phẫu thuật sau đó gắp ra gần chục mảnh sắt khỏi mặt và tay nó. Cảnh sát nói rằng nòng súng bị gỉ, không chịu được sức ép của viên đạn nên mới nổ như vậy”.

Biết là nguy hiểm như vậy nhưng tại sao vẫn nhiều người Ấn Độ mua katta và những loại súng tự chế khác? Một phần câu trả lời nằm ở nền văn hóa của họ. Thời trước, người đàn ông Ấn Độ nào cũng cố mua lấy một thanh kiếm treo ở trong nhà. Kiếm biểu trưng cho quyền uy của người đàn ông, đồng thời cũng cho thấy anh ta sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ gia đình, làng mạc. Khi súng được du nhập vào Ấn Độ, chỉ có người giàu mới có đủ tiền mua súng, vì thế mà chúng trở thành biểu tượng cho quyền uy và sự giàu có. Ngày nay cũng có thể mua súng tự chế, nhưng ý nghĩa biểu tượng của súng cũng không giảm. Tại nhiều vùng nông thôn Ấn Độ không hiếm cảnh những người đàn ông bắn súng chỉ thiên thay pháo hoa trong các dịp hiếu hỷ.

Ác mộng súng đạn trên đường phố Ấn Độ -0
Chất lượng sản phẩm của các lò làm súng chui càng ngày được nâng cao.

Sẵn có súng đạn trong tay, nhiều người sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Chuyện hai gia đình có mối thù dai dẳng nhiều đời vì con cháu họ dùng súng giết nhau ngày nay vẫn tràn lan ở Ấn Độ. Chàng thanh niên Edwin Charles thuộc về một gia đình như thế. Anh kể với phóng viên hãng tin AFP: “Chúng tôi đang ngủ thì bất ngờ có một toán người bịt mặt phá cửa phòng trọ và bắt bố tôi đi. Họ trói tay, trói chân bố tôi lại rồi bắt ông quỳ giữa sân. Tôi tận mắt nhìn thấy cảnh họ dùng súng bắn vào đầu bố tôi!”.

Cảnh sát sau đó đã bắt giữ những kẻ gây ra cái chết của bố Charles. Họ đều là các thành viên của một gia đình có tranh chấp đất đai với họ nhà Charles. Để trả thù cái chết của một thành viên khác trong gia đình, họ lần theo ba cha con Charles khi đó sống tại thành phố Mumbai. Tuy nhiên, không phải lúc nào cảnh sát cũng may mắn như thế. Những vụ giết người gây ra bởi các loại súng tự chế rất khó tìm ra thủ phạm vì súng không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở đâu cả. Cảnh sát triệt phá cơ sở làm súng trái phép nào thì lại có cơ sở mới mọc lên.

“Bóng ma” súng đạn

Du khách quốc tế biết đến xứ Purvanchal (bang Uttar Pradesh, Đông Bắc Ấn Độ) là nơi Đức Phật trút hơi thở cuối cùng. Còn người Ấn Độ biết đến Purvanchal như “thủ đô tội phạm” của đất nước họ. Purvanchal nằm trong số những địa phương nghèo nhất Ấn Độ. Mảnh đất này lại nằm ngay sát biên giới với Nepal. Hai điều kiện trên đã khiến nhiều tổ chức tội phạm buôn lậu xuất hiện tại Purvanchal. Chúng điên cuồng tranh giành những tuyến đường vận chuyển hàng lậu của nhau bằng vũ khí nóng.

Ác mộng súng đạn trên đường phố Ấn Độ -0
Tang vật cảnh sát Ấn Độ thu giữ được sau một vụ đột kích xưởng sản xuất vũ khí trái phép.

Nhà báo chuyên viết về tội phạm Utpal Pathak đã có nhiều năm công tác tại thị trấn Mirzapur, thủ phủ của xứ Purvanchal. Ông viết trên tờ Hindustan: “Những đứa trẻ lớn lên rồi tham gia các nhóm du côn. Chúng đánh nhau bằng dây thừng hay dao cạo. Những đứa bị cảnh sát tống vào tù sẽ ngồi chung xà lim với bọn anh chị có “máu mặt”. Chúng chọn từ đám trẻ những đứa máu lạnh nhất để dạy đủ các chiêu trò giết người. Các ông trùm ở ngoài sẽ lo chuyện bảo lãnh cho đám trẻ thoát tù. Đổi lại chúng phải sẵn sàng hy sinh vì băng đảng. Đứa nào ra tù cũng được phát một khẩu katta. Chúng càng làm tốt việc, càng giết nhiều người thì càng được cấp súng tốt. Riêng khẩu AK-47 dành riêng cho những kẻ nguy hiểm nhất. Ở Purvanchal, những kẻ sát nhân gọi tiểu liên AK là “đèn pin” còn băng đạn là “cục pin”.

Trong cuộc chiến đẫm máu tại Purvanchal đã xuất hiện những cái tên “huyền thoại”, với hàm ý đình đám đầy khiếp sợ. Kripa Chaudhary là một tên tướng cướp và ông trùm buôn lậu khét tiếng vào thập niên 1990. Phải đến khoảng những năm 1991 - 1992 của thế kỷ trước thì AK-47 mới được nhập lậu từ Nepal sang Purvanchal. Kripa là một trong những tên tội phạm đầu tiên sở hữu AK-47. Điều kỳ lạ hơn nữa là hắn cụt tay nhưng lại là tay thiện xạ hiếm có. Cho dù là katta hay súng AK, hắn đều bắn một tay mà vẫn bách phát bách trúng.

Một cái tên khác xuất hiện cùng thời với Kripa Chaudhary là Munna Bajrangi. Vào thời điểm Munna trở thành gangster, ở Purvanchal vẫn còn có chuyện các ông trùm lập ra đảng chính trị của riêng mình. Munna cũng làm vậy sau khi y đã tước đi mạng sống của không dưới 20 người. Y thắng chức thị trưởng thị trấn Mau. Sau đó để củng cố quyền lực của mình, Munna dùng tiền công quỹ cắt xén được để mua AK-47 cho đám đàn em. Trong cả một thời gian dài, người dân Mau sống trong sợ hãi dưới cái bóng của Munna. Chưa hết, đứng trên y còn có ông trùm Mukhtar Ansari khi này là đại biểu quốc hội.

Vào năm 2002, anh trai Afzal Ansari của Mukhtar Ansari để mất chức thị trưởng thị trấn Mohammadabad vào tay đối thủ chính trị Krishnanand Rai. Ông Krishnanand cùng sáu người trợ lý khác bị mai phục và giết trên đường cao tốc bốn năm sau đó. Hơn 400 viên đạn bắn thủng hai chiếc xe hơi đang chở 7 nạn nhân. Kẻ trực tiếp gây ra vụ ám sát này là Munna Bajrangi.

Munna lẩn trốn nhiều năm tại Mumbai cùng với vợ và hai con trước khi bị cảnh sát bắt. Trước đêm Munna bị dẫn ra tòa để xét xử tội nhận hối lộ, y bị bạn tù bắn chết bằng một khẩu katta. Gã bạn tù này sau đó khai rằng y giết Munna vì bị hắn chê bai. Đại đa số nhà quan sát tuy vậy cho rằng đây thực chất là một vụ ám sát nhằm bịt miệng Munna. Nếu như y chịu khai trước tòa thì sẽ có rất nhiều nhân vật quyền lực ở Purvanchal chịu liên lụy.

Ác mộng súng đạn trên đường phố Ấn Độ -0
Một khẩu katta cùng hai viên đạn súng trường.

Ám sát, buôn lậu và chính trị không tách rời nhau ở Purvanchal. Các ông trùm càng ngày trở nên giàu có nhờ buôn lậu và tham nhũng, chúng lại càng đỏi hỏi vũ khí tốt hơn. Nhà báo Utpal Pathak viết: “Tại thành phố Munger thuộc bang Bihar từng có một xưởng quân khí. Nhà máy đóng cửa, những người thờ lại tự lập nên nhà máy chế súng tại chính nhà mình. Trong khi đó mạng Internet giúp cho bất kỳ người Ấn Độ nào tiếp cận bản vẽ các loại súng. Có kinh nghiệm, có bản vẽ, các tiệm vũ khí ở Munger tự chế được đủ những loại súng khác nhau. Người ta bảo là anh chỉ cần đem một khẩu súng đến gặp thợ ở Munger là họ copy được mẫu súng để sản xuất hàng loạt được ngay.”

Katta luôn được những tên tội phạm ưa dùng vì khó bị cảnh sát dùng làm bằng chứng. Vậy nhưng xu hướng tiêu dùng của chúng đang thay đổi. Ông Abhishek Singh là thanh tra cấp cao lãnh đạo đội đặc nhiệm chống tội phạm thuộc sở cảnh sát Uttar Pradesh. Ông nói với phóng viên hãng tin Vice: “Các loại tiểu liên đang được sản xuất với số lượng lớn ở Munger, sau đó tuồn vào Purvanchal. Một khẩu súng như vậy dài chỉ bằng cổ tay người nên giấu ở trong áo khoác được. So với katta chỉ bắn được một phát, súng tiểu liên bắn được 20, 30 viên đạn trong một phút. Vì vậy mà càng ngày có nhiều vụ ám sát được thực hiện bằng súng tiểu liên”.

Cảnh sát Ấn Độ đang một mặt tăng cường trấn áp tội phạm có tổ chức, mặt khác ra quân triệt phá các cơ sở chế tạo súng. Tuy vậy, họ đang tiến đến kịch tầm khả năng của mình. Các đối tượng chế tạo súng lậu biết rằng mình bị cảnh sát theo dõi nên đã nghĩ ra cách chia nhau làm từng bộ phận của súng. Những bộ phận súng rời này sau đó sẽ được chuyển cho người mua để họ tự lắp ráp. Kể cả khi hàng lậu bị cảnh sát thu giữ và xưởng chế tạo bị buộc đóng cửa, dây chuyền sản xuất súng vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Chắc chắn cảnh sát lẫn chính phủ Ấn Độ sẽ còn cần tới những biện pháp mạnh tay hơn nữa mới mong diệt trừ hoàn toàn hoạt động sản xuất và sử dụng súng tự chế.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác