Nghi Triều Tiên lại khai hoả tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc họp khẩn
Cập nhật ngày: 7-05-2022
 
Ngày 7/5, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) và Bộ Quốc phòng Nhật Bản đều nhận định rằng vật thể bay mà CHDCND Triều Tiên vừa phóng đi có khả năng là một tên lửa đạn đạo. Hàn Quốc hiện đang triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp về vụ việc này.
 

Theo Reuters, trưa 7/5, Triều Tiên đã phóng một vật thể không xác định về vùng biển phía Đông của nước này. Đây là vụ phóng thứ hai của Triều Tiên trong vòng một tuần và là vụ phóng vật thể bay thứ 15 kể từ đầu năm. 

Phía Hàn Quốc nghi ngờ đây có thể là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) được khai hỏa từ thành phố cảng miền Đông Sinpo. Đồng quan điểm với Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho rằng vật thể mà Bình Nhưỡng khai hoả là một tên lửa đạn đạo, thêm rằng quả đạn đã rơi xuống khu vực biển ngoài vùng đặc quyền kinh tế nước này.

 Nghi Triều Tiên lại khai hoả tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc họp khẩn -0
Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên từ đầu năm 2022. Ảnh: Reuters/KCNA.

Các vụ phóng mới nhất của Triều Tiên được tiến hành chỉ ít ngày trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào tuần tới. Ông Yoon được biết đến là người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, ngược lại với đường lối ngoại giao mềm dẻo của ông Moon Jae-in. 

Hiện Bình Nhưỡng chưa lên tiếng về vụ việc lần này. Trong khi đó, Hàn Quốc đang triệu tập một phiên họp an ninh, chủ trì bởi Giám đốc an ninh quốc gia Suh Hoon tại Văn phòng Tổng thống để thảo luận về vấn đề nêu trên. 

Được biết, SLBM có độ chính xác và uy lực thua kém tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể ẩn mình dưới lòng biển trong thời gian dài để tung đòn đáp trả trong trường hợp Triều Tiên bị tấn công phủ đầu. Các dòng SLBM dùng đầu đạn thông thường cũng có thể được triển khai để diệt mục tiêu chiến thuật có giá trị cao và trong hầm ngầm kiên cố.

Giới chuyên gia đánh giá, phần lớn tàu ngầm thuộc biên chế của Triều Tiên đã lạc hậu, chỉ có thể hoạt động gần bờ và khó lòng đe dọa đối phương nếu xảy ra xung đột. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ được tăng cường sức mạnh đáng kể nếu trang bị SLBM với tầm bắn hàng trăm km và đầu đạn hiện đại.

Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ tăng tốc độ phát triển kho vũ khí hạt nhân trong bối cảnh đàm phán với Mỹ đình trệ. "Lực lượng hạt nhân Triều Tiên phải luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và thể hiện năng lực răn đe vô song vào mọi thời điểm", ông Kim Jong-un nêu rõ.



Nguồn: cand.com.vn