Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt xung đột tại Ukraine
Cập nhật ngày: 7-05-2022
 
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hôm 5/5 (giờ địa phương), Tổng Thư ký Antonio Guterres đã kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine vì lợi ích của người dân Ukraine, Nga và toàn thế giới.
 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Italy, ông Luigi Di Maio, đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có hành động chung mới để giúp khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ giữa Nga và Ukraine.Thông báo ngắn gọn về các hoạt động ngoại giao con thoi tại Nga và Ukraine hồi tuần trước, Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết LHQ đã phối hợp với Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế tiến hành 2 đợt sơ tán dân thường ở Ukraine. Đợt thứ nhất vào ngày 3/5 đã đưa được 101 dân thường ra khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol và đợt thứ hai vào ngày 4/5 đưa được 320 dân thường ra khỏi Mariupol và vùng phụ cận.

Theo người đứng đầu LHQ, tổ chức này đang tiến hành đợt sơ tán dân thường thứ ba ở Ukraine và các chi tiết liên quan sẽ được công bố sau khi công việc hoàn tất, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động nhân đạo. Ông bày tỏ hy vọng, sau các cuộc gặp gỡ của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hai nước này sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ để LHQ sơ tán được thêm nhiều người dân ra khỏi vùng chiến sự nguy hiểm và kịp thời cứu trợ cho những người đang cần. Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi một giải pháp có ý nghĩa đối với an ninh lương thực toàn cầu bằng cách nối lại nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine cũng như lương thực - thực phẩm, phân bón của Nga và Belarus cho thị trường thế giới bất chấp xung đột xảy ra.

Cùng ngày, phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ, Ngoại trưởng Luigi Di Maio cho biết Italy đã nỗ lực kể từ phút đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine vì hòa bình và ổn định, ủng hộ việc mở các hành lang nhân đạo và ngừng bắn. Song, theo ông, cam kết của một quốc gia là không đủ và EU cần có hành động hợp lý để tạo điều kiện cho việc đạt được lệnh ngừng bắn ở phạm vi các địa phương, một thỏa thuận ngừng bắn chung và sau đó là một hiệp định hòa bình.

Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt xung đột tại Ukraine -0
Khói bốc lên từ khu vực nhà máy thép Azovstal. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Italy khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực để hồi sinh một cuộc đàm phán đã bị dừng lại vào thời điểm này… chúng ta phải hồi sinh bằng hành động chung của EU và tất cả các đồng minh”. Cũng trong nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo, hội nghị các nhà tài trợ quốc tế do Ba Lan và Thụy Điển đăng cai ngày 5/5 ở Warszawa đã gây quỹ 6,5 tỷ USD dành cho Ukraine. Ủy ban châu Âu (EC) cũng cam kết dành 200 triệu euro viện trợ cho người dân phải sơ tán ở Ukraine.

Trong bài phát biểu qua video gửi tới hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này sẽ tăng cường viện trợ tài chính toàn diện cho Ukraine trong năm 2022, từ 1,7 tỷ USD lên 2 tỷ USD. Theo Thủ tướng Mateusz Morawiecki, các quốc gia như Phần Lan, Cộng hòa Czech, Croatia và nhiều nước khác cam kết tài trợ nhiều triệu euro cho viện trợ nhân đạo và các nỗ lực quân sự ở Ukraine. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết từ khi xảy ra xung đột, nước này đã nhận được tổng cộng hơn 12 tỷ USD tiền viện trợ vũ khí và tài chính.

Trong khi đó, cũng trong ngày 5/5, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng liên tục có các cuộc điện đàm riêng rẽ với lãnh đạo các nước về xung đột tại Ukraine.Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Israel, hai nhà lãnh đạo tập trung vào vấn đề nhân đạo, trong đó có hoạt động sơ tán người dân khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol của Ukraine.

Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh các lực lượng Nga sẵn sàng bảo đảm an toàn cho hoạt động sơ tán người dân, còn giới chức Kiev cần yêu cầu lực lượng của họ tại nhà máy thép Azovstal hạ vũ khí. Về phần mình, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

Cũng tại phiên họp của HĐBA LHQ, Đặc phái viên Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng, thế giới đang đối mặt với một cuộc chiến tranh về kinh tế do các biện pháp trừng phạt Nga nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.

Ông nhấn mạnh: “Đây không phải là cuộc chiến ở Ukraine, trái ngược với những gì các bạn nói, đây là cuộc chiến ủy nhiệm. Dường như phương Tây đã chờ đợi thời điểm này để mở ra một cuộc chiến chống lại Nga.Nếu nói về chiến tranh thế giới, không còn nghi ngờ gì nữa, nó đang diễn ra ở khía cạnh kinh tế”. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố, Moscow không đe dọa Washington hay các đồng minh châu Âu của Mỹ và đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề lên Moscow. Liên quan tới vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã ảnh hưởng đến chính nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU), đẩy lạm phát lên cao và làm tăng giá năng lượng. Theo ông, đối với các công dân châu Âu, “chi phí” cho các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ tăng theo từng ngày.

Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng Moscow đã theo dõi sát sao các kế hoạch của EU áp một lệnh cấm hoàn toàn lên các mặt hàng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Ông nói: “Hiện chúng tôi đang có các kế hoạch, mọi thứ đang được thảo luận. Chúng ta đang tính nhiều phương án. Nói chung, nếu chúng ta nói về lĩnh vực trừng phạt, mong muốn trừng phạt, của Mỹ, châu Âu và các nước khác, thì đây là con dao 2 lưỡi, khi cố gắng gây tổn hại cho chúng tôi, họ cũng phải trả một cái giá đắt”.

Trước đó, hôm 4/5, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã công bố đề xuất gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó tất cả các mặt hàng dầu mỏ của Nga (gồm dầu thô và dầu tinh chế, vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường ống) đều bị cấm. Bà cho biết, EU sẽ loại bỏ dần dầu thô Nga trong 6 tháng và dầu tinh chế vào cuối năm 2022. Phản ứng trước động thái này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gửi tới Chủ tịch EC một bức thư trong đó ông viết có thể thông qua gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga sẽ là một thất bại lịch sử. Theo ông, gói trừng phạt mới sẽ dẫn đến việc gia tăng thêm gánh nặng đối với những người dễ bị tổn thương nhất nếu EU không có bất kỳ nỗ lực đáng kể nào để giảm thiểu tác động.



Nguồn: cand.com.vn