CÔNG AN BẠC LIÊU
Bão tố trên chính trường Peru
Cập nhật ngày: 4-05-2022, lượt xem: 77
Tổng thống Pedro Castillo bị phải thoái vị sớm vào năm tới, trở thành vị tổng thống thứ 4 của Peru bị quốc hội buộc thôi chức trong vòng 3 năm.

Bước lùi chưa từng có tiền lệ

Ngày 28-4, các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền Peru Libre đã trình ra quốc hội dự luật cắt giảm nhiệm kỳ Tổng thống của ông Pedro Castillo từ 5 năm xuống còn 2 năm, với cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào năm 2023. Việc Tổng thống Castillo bị chính đảng của mình có động thái buộc phải rời ghế sớm được xem là một bước lùi chưa từng có tiền lệ trong chính trường.

 
Bão tố trên chính trường Peru -0
Tổng thống Peru Pedro Castillo

Cả nhiệm kỳ của tổng thống và quốc hội hiện tại đều dự kiến sẽ kết thúc cùng lúc vào tháng 7-2026, tuy nhiên theo dự luật đề xuất, nhiệm kỳ của cả Tổng thống Castillo và quốc hội đều sẽ kết thúc vào tháng 7-2023. Dự luật cho biết: “Do sự không tán thành của tổng thống và quốc hội đều ở mức cao và đang gia tăng, một cách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng thể chế và chính trị này là bằng cách kêu gọi các cuộc tổng tuyển cử mới”.

Dự luật đề xuất nêu trên do 8 nhà lập pháp thuộc đảng Peru Libre ký, trong số đó có cả nghị sĩ Waldemar Cerron, anh trai của Chủ tịch đảng Peru Libre Vladimir Cerron. Peru Libre là một chính đảng thiên tả, tự xem mình là một đảng theo chủ nghĩa Mác-Lê nin. Quốc hội đơn viện của Peru bị phân tán sâu sắc với 10 đảng phái chính trị và hiếm khi có thể đạt được bất kỳ đồng thuận nào về việc thông qua luật. Đảng của Castillo là đảng lớn nhất nhưng cũng chỉ chiếm có 37 ghế và các thành viên đối lập lãnh đạo các ủy ban chủ chốt.

Các nhà lập pháp muốn loại bỏ Tổng thống Castillo đã lưu ý rằng ông đang là đối tượng của 3 cuộc điều tra sơ bộ về tham nhũng, mà theo luật của Peru không thể tiến hành điều tra chính thức nếu ông vẫn còn tại nhiệm. Ngoài ra, còn có cáo buộc từ cộng tác viên cho rằng ông có dính líu đến một nhóm nhận tiền để đổi lấy các công trình công cộng. Các nhà lập pháp cáo buộc Castillo là “mất năng lực đạo đức vĩnh viễn”, một thuật ngữ được đưa vào luật hiến pháp Peru mà các chuyên gia cho rằng không có định nghĩa khách quan và quốc hội đã sử dụng điều luật này 6 lần kể từ năm 2017 để phế truất các tổng thống.

Trong khi đó, trên đường phố, người dân Peru tiếp tục cuộc biểu tình rầm rộ phản đối giá cả tăng vọt và kêu gọi Tổng thống Castillo từ chức. Cuộc biểu tình, bãi công lan rộng khắp đất nước Peru do Geovani Rafael Diez Villegas, lãnh đạo tổ chức Liên đoàn Vận tải đa phương thức (Union of Multimodal Transport Guilds of Peru - UGTRANM) tổ chức nhằm mục tiêu lật đổ chính phủ. Villegas là một thủ lĩnh công đoàn có quyền lực rất lớn, được xem là đối trọng của chính phủ.

Đầu tiên, Villegas cho tổ chức bãi công trong ngành vận tải để phản đối giá nhiên liệu tăng cao, bắt đầu nổ ra từ đầu tháng 4-2022, gây ra ách tắc trong vận chuyển hàng hóa, làm trầm trọng thêm tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm vốn đã khó khăn do đại dịch COVID-19. Chính phủ Peru đã phản ứng bằng cách cắt giảm thuế nhiên liệu 30% nhưng các doanh nghiệp đầu mối nhiên liệu không chịu hạ giá bán khiến tình hình không được cải thiện mà còn trầm trọng thêm. Từ đó dẫn đến cuộc biểu tình phản đối của dân chúng, có cả bạo loạn do những thành phần cực đoan, có tổ chức gây ra.

9 tháng tại vị đầy bất an

Ông Castillo là một chính khách thiên tả, là người mới hoàn toàn trong chính trường. Trước khi bước chân vào chính trị, ông từng là một giáo viên và lãnh đạo công đoàn ở vùng nghèo khó trên dãy núi Andean. Ông được bầu lên thay ông Francisco Sagasti, người trước đó đã được quốc hội bầu trong vòng xoáy khủng hoảng chính trị vào năm 2020.

Chỉ trong 1 tuần lễ, Peru thời điểm đó đã thay đổi đến 3 vị tổng thống, là một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử chính trị ở Peru và cả khu vực Mỹ Latinh. Ông Castillo được người dân Peru bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2021, đánh bại bà Keiko, con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori, với số phiếu rất sít sao, 40.000 phiếu. Chiến thắng của ông đã gây cú sốc trong giới chính trị Peru thời điểm đó, bởi không ai nghĩ rằng một thầy giáo miền núi, chưa từng trải kinh nghiệm chính trường lại có thể đánh bại một chính khách kỳ cựu như bà Keiko Fujimori.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 7-2021, ông Castillo liên tục trải qua những bất ổn chính trị chưa từng có, đã thay đổi 4 nội các và “sống sót” sau 2 lần bị luận tội chỉ trong 9 tháng tại vị. Hơn 60% người Peru muốn ông từ chức và kêu gọi tổng tuyển cử, theo các cuộc thăm dò. Những cáo buộc ông liên quan đến các tổ chức công đoàn của các cựu thành viên Con đường sáng (Shining Path) cũng bắt đầu được khui ra nhằm hạ uy tín ông.

Tháng 10-2021, trang báo điện tử El Foco đã công bố đoạn ghi âm trong đó lãnh đạo UGTRANM Geovani Rafael Diez Villegas cùng các lãnh đạo ngành công nghiệp, doanh nhân giàu có và lãnh đạo chính trị đối lập bàn bạc, lên kế hoạch nhiều hành động chống phá để gây bất ổn và cuộc ông phải từ chức. Một trong những hành động đó là cuộc bãi công toàn quốc của ngành vận tải diễn ra vào tháng 11-2021, tương tự cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ngày 19-11-2021, bà Keiko Fujimori thông báo đảng của bà đang vận động quốc hội tổ chức một cuộc luận tội ông Castillo, cáo buộc ông “đạo đức không phù hợp với chức vụ”. Cuộc luận tội sau đó thất bại nhưng bà Keiko Fujimori không bỏ cuộc. Tháng 2-2022, bà cùng nhóm chính khách đối lập, có cả Chủ tịch Quốc hội Peru Maricarmen Alva tiếp tục bàn bạc kế sách phế truất Tổng thống Castillo. Cuối tháng 3-2022, cuộc luận tội thứ hai đã được tiến hành và ông Castillo lại vượt qua với khoảng cách chỉ 1 phiếu.

Từ cuộc bãi công tháng 10-2021 đến cuộc tổng bãi công tháng 4-2022 đều do cùng một người đứng ra tổ chức - đó là lãnh đạo UGTRANM Geovani Rafael Diez Villegas. Cùng song hành với người này còn có bà Keiko Fujimori, với “nỗi hận” thua cuộc tháng 7 năm ngoái chưa bao giờ nguôi. Hai người này đã góp phần chính tạo ra cục diện chính trị bất ổn suốt thời gian 9 tháng cầm quyền của ông Castillo.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác