Cục diện chiến trường ra sao khi phương Tây “bơm” vũ khí cho Ukraine?
Cập nhật ngày: 1-05-2022
Mỹ và phương Tây đã từ bỏ thái độ dè dặt ban đầu để “chuyển trạng thái” sang quyết liệt cung cấp vũ khí cho Ukraine, kể cả các loại vũ khí hạng nặng để chống lại Nga. Cuộc chiến vì thế có nguy cơ kéo dài và thiệt hại càng lớn hơn.
Phương Tây cấp tập chuyển vũ khí cho Ukraine
Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ là 2 quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến gặp trực tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong chuyến thăm mới nhất đến Ukraine hôm 24-4. Tại chuyến thăm này, 2 bộ trưởng Mỹ đã có các cuộc hội đàm và bày tỏ sự “đoàn kết” ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Hai quan chức cấp cao Mỹ đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ cung cấp thêm hơn 300 triệu USD kinh phí quân sự trong khi Washington cũng đã chấp thuận bán số lượng đạn dược trị giá 165 triệu USD, nâng tổng số viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine lên 3,7 tỉ USD kể từ đầu chiến dịch quân sự. Thêm hơn 400 triệu USD cũng sẽ được 15 nước Trung và Đông Âu chia nhau hỗ trợ Ukraine.
Những lời động viên có cánh đã được Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói ra tại cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Zelenskiy như liều thuốc tinh thần “bơm” vào “chiến binh” Ukraine hiện đang được phương Tây xem là kẻ đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến giữa họ với nước Nga.
Dường như phương Tây đã không còn sự dè dặt ban đầu khi cung cấp các loại vũ khí hạng nhẹ cho Ukraine nữa. Sự dè chừng trước chiến thuật tốc chiến tốc thắng của quân đội Nga đã thay đổi sau khi Nga chuyển trang giai đoạn 2 của chiến dịch, tập trung vào mặt trận miền Đông Ukraine.
Mỹ đã thông báo gói viện trợ mới nhất cho Ukraine vào hôm 13-4, cung cấp hàng trăm xe bọc thép và máy bay trực thăng Mi-17 cùng các loại khí tài khác như tàu bảo vệ bờ biển không người lái, rađa chống pháo và phòng không và máy bay không người lái đảo cánh. Gói viện trợ cũng bao gồm 18 khẩu pháo 155 ly cùng 40.000 quả đạn pháo.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, việc cung cấp các loại khí tài này là nhằm đáp ứng yêu cầu của Ukraine trong giai đoạn mới của cuộc chiến tại vùng Donbas, với địa hình bằng phẳng thích hợp với loại pháo này hơn. Ông Kirby cũng cho biết thêm, quân đội Mỹ đã tiến hành huấn luyện cách thức vận hành pháo 155 ly cho một số binh sĩ Uraine và sau đó những người này sẽ về huấn luyện lại cho những binh sĩ khác của Ukraine.
Sự đòi hỏi không có điểm dừng của Tổng thống Ukraine Zelenskiy đang dần dần kéo Mỹ và các nước châu Âu lún sâu hơn vào cuộc chiến. Trong tháng 4, các quốc gia châu Âu cũng cam kết sẽ viện trợ thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm xe tăng, các hệ thống tên lửa phòng không và bảo vệ bờ biển hiện đại, phức tạp.
Sau Mỹ, Anh là quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, với trên dưới 1 tỉ USD khí tài và tài chính quân sự kể từ khi chiến dịch quân sự nổ ra. Trong chuyến thăm Ukraine ngày 9-4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo gói viện trợ bổ sung, bao gồm 120 xe bọc thép và các hệ thống tên lửa chống hạm. Trước đó, Anh cũng đã viện trợ nhiều hệ thống tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraine.
Vài ngày trước chuyến thăm của Thủ tướng Anh Johnson, Cộng hòa Séc cũng đã gửi cho Ukraine nhiều xe tăng, súng phóng tên lửa, pháo hạng nặng và xe bộ binh. Slovakia đã trở thành quốc gia đầu tiên chuyển giao cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không S-300. Hà Lan cũng tuyên bố sẽ gửi khí tài hạng nặng cho Ukraine, kể cả xe bọc thép.
Giới chức châu Âu cho rằng các gói viện trợ vũ khí cho Ukraine đã bắt đầu gia tăng mạnh kể từ khi Nga chuyển địa bàn chiến lược sang miền Đông Ukraine. Sự thay đổi này buộc Ukraine phải có sự thích ứng nhất định và yêu cầu về vũ khí mới cũng được đặt ra nhiều hơn. Người Ukraine đã kháng cự mạnh mẽ và chứng tỏ họ có “khả năng” đóng vai “chiến binh thay thế” cho phương Tây trong cuộc đối đầu quyết liệt với Nga.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 21-4 đã cam kết sẽ gửi 200 tấn đạn dược và khí tài quân sự mới cho Ukraine, tăng gấp đôi số viện trợ quân sự mà nước này đã chuyển cho Kiev. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng cho biết nước này sẽ tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine thêm 87,6 triệu USD, nâng tổng viện trợ lên 145,2 triệu USD. Bên cạnh đó, Na Uy cũng tuyên bố viện trợ 2.000 vũ khí chống tăng M72, Thụy Điển sẽ đóng góp 5.000 vũ khí chống tăng AT4, Phần Lan cung cấp 1.500 vũ khí chống tăng, 2.500 súng trường cùng 150.000 viên đạn.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu vẫn tỏ ra dè dặt trong việc thông báo gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine vì lo ngại phản ứng từ phía Nga. Một quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Pháp cho biết “điều quan trọng là chúng ta đừng quá lộ liễu” trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine và cũng không nên làm “quá trớn” việc này. Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho rằng Đức cung cấp các loại tên lửa chống tăng và phòng không, nhưng không bao giờ công bố công khai nhằm đảm bảo việc cung cấp khí tài được thực hiện nhanh chóng và trót lọt.
Hầu hết các khí tài, vũ khí Mỹ chuyển giao cho Ukraine đều xuất phát từ các kho ở châu Âu và được vận chuyển cực nhanh ngay sau khi yêu cầu được duyệt. Dù là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, nhưng Mỹ cũng tỏ ra thận trọng, không đáp ứng hoàn toàn các đòi hỏi của Tổng thống Zelenskiy. Mỹ hiện vẫn dừng lại ở việc cung cấp các loại khí tài cơ bản, không cung cấp máy bay chiến đấu và các dạng hỗ trợ khác, như lập vùng cấm bay,… Hiện châu Âu và NATO cũng đang thiết kế gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine và sẽ triển khai trong thời gian tới. Điều này cho thấy cuộc chiến sẽ không dễ dàng chấm dứt trong thời gian trước mắt.
Nguy cơ cuộc chiến kéo dài
Nga đã tuyên bố coi việc viện trợ quân sự là một sự can dự vào cuộc chiến, vì vậy các chuyến vận chuyển vũ khí có thể trở thành mục tiêu tấn công bất cứ lúc nào. “NATO thực chất đã tham gia vào một cuộc chiến tranh với Nga thông qua một kẻ đại diện và đang trang bị vũ khí cho kẻ đại diện này.
Chiến tranh có nghĩa là chiến tranh”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên truyền hình nhà nước Nga hôm 25-4. Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo, với việc tham gia chiến tranh như thế, NATO đang tạo ra nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 3, cho dù đàm phán vẫn đang là lựa chọn ưu tiên. Nhưng đàm phán có thực chất hay không, có dẫn đến việc ký kết hiệp ước hòa bình hay không còn tùy thuộc vào cục diện chiến trường thực tế phản ánh như thế nào.
Nga đã bố trí lại lực lượng tập hợp ở miền Đông và chuyển mục tiêu chiến dịch sang đánh chiếm thêm lãnh thổ ở khu vực Donbas. Đồng thời để cho các lãnh đạo phương Tây đến thăm Kiev và một số quốc gia phương Tây nối lại sự hiện diện ngoại giao ở phía Tây Ukraine. Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì những đợt tấn công lẻ tẻ vào các mục tiêu ở miền Tây Ukraine, như Lviv, Kiev, và điều này khiến Mỹ và phương Tây phải dè chừng khi quyết định đưa các nhà ngoại giao quay trở lại Kiev.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Mỹ sẽ tiến hành từng bước, trước tiên là bố trí Tổng lãnh sự tại Lviv, rồi sau đó tùy tình hình thực tế mới đưa Đại sứ trở lại Kiev. Ngày 25-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức đề cử nhà ngoại giao kỳ cựu Bridget Brink làm Đại sứ tại Ukraine. Thời gian bà Brink chính thức nhiệm sở chưa được công bố.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Mỹ và đồng minh đang củng cố thêm sự tham gia chắc chắn trên mặt trận ngoại giao đứng về phía Ukraine, cô lập Nga. Ông Blinken cho rằng xét về mục tiêu chiến tranh thì Nga đang thất bại, còn Ukraine thì đang thành công với sức kháng cự mạnh mẽ được hậu thuẫn bởi khí tài hiện đại của các nước phương Tây.
Sự hậu thuẫn này đang giúp cho Ukraine tiếp cận với các hệ thống vũ khí hiện đại hơn, tiên tiến hơn và tiến gần hơn đến tiêu chuẩn quân sự của NATO. Đây cũng là động thái có thể được xem như hỗ trợ Ukraine về lâu dài và không loại trừ khả năng NATO sẽ tiến tới việc kết nạp thành viên cho Ukraine bất chấp sự phản đối của Nga.
Cục diện cuộc chiến trong thời gian sắp tới ở vùng Donbas được giới phân tích chiến tranh dự báo sẽ gia tăng khốc liệt hơn. Do những mục tiêu chiến tranh ban đầu chưa đạt được một cách trọn vẹn, Nga sẽ đẩy mạnh chiến dịch ở miền Đông nhằm thâu tóm các vùng lãnh thổ trọng yếu tại đây. Nga mong muốn sớm đạt được các mục tiêu để sớm kết thúc chiến dịch quân sự tốn kém này, nhưng việc phương Tây gia tăng viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine đã giúp cho Kiev gia tăng năng lực chiến đấu và tăng khả năng chống cự các đợt tấn công của Nga.
Điều đó sẽ tạo ra thế giằng co làm cho cuộc chiến khó chấm dứt, có khả năng kéo dài gây tốn kém hơn nữa. Đô đốc James G. Stavridis, cựu Tư lệnh quân Mỹ ở châu Âu, đánh giá ông Putin đang muốn chia cắt Ukraine, dồn sức đánh chiếm các mục tiêu trong vùng Donbas và xác lập khu vực kiểm soát ở Đông Nam Ukraine, đưa toàn bộ người nói tiếng Nga về khu vực này sinh sống, phần còn lại của Ukraine sẽ do người Ukraine kiểm soát.
Hiện nay, khả năng tiến hành các cuộc đàm phán để tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn còn nhưng khó khăn sẽ nhiều hơn, nhất là sau sự kiện soái hạm Moscow bị đánh chìm trên Biển Đen. Tổng thống Putin hiện được cho là không còn mặn mà với đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Ukraine và đang chú tâm vào thực hiện mục tiêu trên chiến trường miền Đông Ukraine. Mục tiêu chiến tranh đã thay đổi từ “lật đổ chính quyền”, “phi quân sự hóa Ukraine” sang đánh chiếm lãnh thổ miền Đông giúp cho khả năng đạt mục tiêu cao hơn, và như thế chiến dịch quân sự sẽ có khả năng kết thúc sớm hơn.