CÔNG AN BẠC LIÊU
Vì sao Phần Lan và Thuỵ Điển “cân nhắc” từ bỏ trung lập để gia nhập NATO?
Cập nhật ngày: 30-04-2022, lượt xem: 80
Trong nhiều thập kỷ qua, trung lập về mặt quân sự đã trở thành bản sắc của hai nước Bắc Âu là Phần Lan và Thuỵ Điển. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hai quốc gia này đang xem xét việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để có được những đảm bảo an ninh nhất định.

NATO “bật đèn xanh”

"Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ được chào đón nồng nhiệt và có thể nhanh chóng gia nhập NATO nếu hai nước này quyết định trở thành một phần của chúng tôi", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenbergs nhấn mạnh hôm 28/4. Đặc biệt, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng ngày khẳng định, Mỹ sẽ “ủng hộ mạnh mẽ” Thụy Điển và Phần Lan nếu hai nước này quyết định theo đuổi tư cách thành viên NATO.  

Giới chuyên gia nhận định, việc tổ chức này mở đường mời hai nước trên gia nhập sẽ gửi đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ, trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Vì sao Phần Lan và Thuỵ Điển “cân nhắc” từ bỏ trung lập để gia nhập NATO? -0
Trong tương lai, việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO sẽ được coi là bước đi lịch sử. Ảnh: Thenortheastaffairs.

Theo Tổng thư ký Jens Stoltenberg, cả Phần Lan và Thuỵ Điển trên thực tế có mối quan hệ mật thiết với tổ chức này bởi họ thường xuyên tập trận chung với lực lượng của NATO. Do vậy, việc mời hai nước gia nhập tổ chức là không có gì bất thường. “Về cơ bản, đây là quyền lợi của mỗi quốc gia châu Âu trong việc quyết định tương lai của chính mình”, ông Stoltenberg nêu rõ.

Tuyên bố của ông Jens Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh Điện Kremlin mới đây khẳng định, châu Âu sẽ trở nên bất ổn nếu NATO tiếp tục mở rộng và kết nạp hai quốc gia trung lập Phần Lan và Thuỵ Điển. Để đảm bảo an ninh, phía Moscow sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp phòng vệ nếu điều này xảy ra.

Được biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã buộc Thụy Điển và Phần Lan xem xét lại niềm tin bấy lâu nay trong việc coi trung lập về mặt quân sự là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh quốc gia.

Theo Reuters, các cuộc khảo sát dư luận ở thời điểm trước năm 2022 đều chỉ ra rằng người dân Phần Lan không thực sự hứng thú với việc gia nhập NATO. Thậm chí, ngay cả khi lực lượng quân đội Nga áp sát biên giới Ukraine hồi đầu năm thì chỉ số này tại Phần Lan cũng chỉ đạt 28%. Trong khi đó, sau khi Moscow tiến hành chiến dịch tại Ukraine, số người Phần Lan muốn gia nhập NATO đã lên tới 60% và tỉ lệ này ở Thụy Điển cũng đạt 51%.

Lo ngại chiến dịch của Nga tại Ukraine thành tiền lệ

Giới quan sát phân tích, cả Thụy Điển và Phần Lan đều lo ngại xung đột tại Ukraine có thể trở thành một tiền lệ nguy hiểm và hai quốc gia này trong tương lai có nguy cơ rơi vào tình thế như Ukraine hiện nay, bởi cả hai đều có vị trí địa lý gần với Nga và có những vướng mắc lịch sử nhất định với Moscow.

Cụ thể, Phần Lan có chung biên giới phía Đông với Nga dài hơn 1.300 km. Trong quá khứ, hai nước từng xảy ra xung đột. Sau Thế chiến II, để giữ được sự trung lập thì Phần Lan đã cam kết hạn chế phát triển năng lực quốc phòng, không tham gia liên minh quân sự và chấp nhận cả việc đã mất một phần lãnh thổ lịch sử cho Nga.

Đổi lại, Phần Lan tự do theo đuổi mô hình phát triển kinh tế thị trường phương Tây. Việc chọn trung lập đã giúp Phần Lan thành một vùng đệm có giá trị giữa Liên Xô cũ hay Nga hiện nay với phương Tây và được hai phía coi trọng.

Vì sao Phần Lan và Thuỵ Điển “cân nhắc” từ bỏ trung lập để gia nhập NATO? -0
Theo tờ Iltalehti (Phần Lan), Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin dự kiến gặp nhau vào ngày 16/5 và sau đó công khai ý định xin gia nhập NATO. Ảnh: Reuters.

The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho rằng, có ba nguyên nhân chính khiến vấn đề gia nhập NATO hiện trở nên cấp bách hơn với Phần Lan. Một là, Nga ngày nay có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn trong chính sách đối ngoại-an ninh. Hai là, Nga có khả năng nhanh chóng tập trung được một lực lượng lên đến 100.000 quân tại một khu vực. Ba là, cơ chế kiểm soát ngày càng lỏng lẻo đối với việc sử dụng các loại vũ khí phi quy ước, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật hay vũ khí hoá học.

Do vậy, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, nước này sẽ đưa ra quyết định rất nhanh, có thể chỉ trong vài tuần tới và sớm nhất Phần Lan có thể sẽ nộp đơn gia nhập NATO khi khối quân sự này tổ chức Thượng đỉnh vào đầu tháng 6/2022 tại Madrid, Tây Ban Nha.

Về phía Thuỵ Điển, dù không có đường biên giới chung với Nga, nhưng việc Moscow ngày càng tăng cường các hoạt động trên biển Baltic cũng khiến nước này thận trọng hơn. Gotland - đảo tiền tiêu của Thuỵ Điển chỉ nằm cách vùng Kaliningrad - khu vực được quân sự hóa và là trụ sở của Hạm đội Baltic của Hải quân Nga, chỉ khoảng 320 km về phía Tây Bắc.

Theo Thủ tướng Magdalena Andersson, Thuỵ Điển đã thay đổi tư duy từ việc tuyên bố giữ trạng thái trung lập sang “không loại bỏ khả năng gia nhập NATO”. Gần nhất, Quốc hội Thụy Điển đang xem xét lại chính sách an ninh và dự kiến đưa ra một báo cáo vào giữa tháng 5.

Điều gì xảy ra nếu Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO?

Vì sao Phần Lan và Thuỵ Điển “cân nhắc” từ bỏ trung lập để gia nhập NATO? -0
Xe tăng của Thụy Điển và Phần Lan trong cuộc tập trận chung với NATO ở Na Uy hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Nếu Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO thì sức mạnh của tổ chức quân sự này sẽ tăng lên đáng kể ở sườn Đông Bắc. Cụ thể, về bản chất, tư cách thành viên của hai nước này sẽ giúp NATO mở rộng sự hiện diện về an ninh tại khu vực Baltic. Hơn nữa, việc thường xuyên tập trận chung trong khuôn khổ quan hệ đối tác giữa NATO và hai nước này trước đây sẽ giúp Stockholm và Helsinki nhanh chóng hòa nhập và đóng góp tích cực cho khối, thay vì chỉ nhận sự bảo vệ mang tính một chiều.

Việc gia nhập đồng thời khiến biên giới giữa khối và Nga được nối liền từ Bắc Băng Dương tới biển Baltic và Belarus. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến nguy cơ đối đầu trực diện giữa khối và Nga ngày càng gia tăng bởi khi không còn vùng đệm thì phạm vi đối mặt trực tiếp giữa lực lượng quân đội hai bên trải rộng, không bó hẹp ở khu vực biên giới giữa Nga và Latvia, Estonia ở Baltic như hiện nay.

Phía Nga trước đó đã liên tục lên tiếng cảnh báo rằng việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO sẽ phá vỡ thế cân bằng trong khu vực và Nga sẽ đáp trả bằng các biện pháp kỹ thuật-quân sự, bao gồm cả bố trí vũ khí hạt nhân đến khu vực Baltic, gia tăng hoạt động của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ở biển Baltic và biển Bắc. Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố của Nga đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ xung đột và huỷ diệt tại châu Âu, và khi đó ở vị trí tiền đồn thì Phần Lan, Thụy Điển sẽ là các nước gánh chịu hậu quả đầu tiên.

Katharine Wright, chuyên gia chính trị quốc tế tại Đại học Newcastle, cho rằng Nga đang tìm cách gây ảnh hưởng đến quyết định xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, nhưng chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine lại đang thúc đẩy quá trình này.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic hôm 26/4 cho rằng, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là “điều rất nguy hiểm” và có thể khiêu khích Nga. Do đó, Croatia có khả năng sẽ từ chối phê chuẩn tư cách thành viên của hai quốc gia này. Theo nguyên tắc chung, NATO không thể kết nạp các thành viên mới nếu không có sự chấp thuận của tất cả các thành viên hiện tại.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác