Bà Aung San Suu Kyi lãnh thêm án tù vì tội tham nhũng
Cập nhật ngày: 28-04-2022
Một tòa án quân sự tại Myanmar ngày 27/4 tuyên án 5 năm tù với bà Aung San Suu Kyi, trong vụ xét xử đầu tiên liên quan tới 11 cáo buộc tham nhũng nhằm vào bà, Reuters đưa tin.
Theo Reuters, đây là vụ xét xử đầu tiên trong số 11 cáo buộc tham nhũng chống lại bà Aung San Suu Kyi. Bà đối mặt với ít nhất 18 tội danh, với tổng số năm tù có thể lên tới 190 năm. Án phạt tối đa cho mỗi cáo buộc tham nhũng là 15 năm tù giam.
Nguồn tin của Reuters cho biết, thẩm phán ở thủ đô Naypyitaw đã đưa ra phán quyết ngay sau khi tòa triệu tập bà Suu Kyi và không đưa ra lời giải thích nào. Bà Suu Kyi, người đã tham dự tất cả các phiên điều trần, được cho là sẽ kháng cáo.
Ba Aung San Suu Kyi, 76 tuổi, bị bắt hồi tháng 2/2021, sau khi quân đội Myanmar tiến hành bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) với cáo buộc có hành vi gian lận bầu cử.
Quân đội Myanmar sau đó đã lên nắm quyền điều hành đất nước và ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm. Tuy nhiên, chính quyền quân đội cam kết sẽ sớm tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực sau khi có kết quả bỏ phiếu.
Vụ án mới nhất tập trung vào cáo buộc rằng bà Suu Kyi đã nhận 11,4 kg vàng và tiền mặt với tổng trị giá 600.000 USD từ người đứng đầu thành phố Yangon Phyo Min Thein.
Trước đó, hôm 10/1, một tòa án quân sự tại Myanmar đã kết án 4 năm tù đối với bà Aung San Suu Kyi do phạm 3 tội danh gồm nhập khẩu, sở hữu bất hợp pháp các máy thu, phát vô tuyến cũng như vi phạm quy định phòng dịch COVID-19.
Bà Suu Kyi đã gọi các cáo buộc này là "vô lý" và phủ nhận mọi cáo buộc chống lại bà, bao gồm cáo buộc vi phạm luật bầu cử, vi phạm bí mật nhà nước và tham nhũng.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau chính biến, với các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc và các cuộc đụng độ liên tiếp giữa quân đội và người dân. Hàng chục nghìn người đã bị bắt và thiệt mạng kể từ khi chính biến xảy ra.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar thúc đẩy những điều kiện thuận lợi để tiến hành đối thoại mang tính xây dựng nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở đất nước này.