CÔNG AN BẠC LIÊU
Điểm lại những cái “nhất” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Cập nhật ngày: 27-04-2022, lượt xem: 95
Dù chưa thể hiện thực hoá toàn bộ cam kết cải tổ vì nước Pháp, nhưng ông Macron đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong 5 năm qua, để một lần nữa được người dân nước này lựa chọn là người tiếp tục nắm giữ chìa khoá của Điện Élysée.

Từ một người tự coi mình là vô danh nhưng đại diện cho những ai đã vỡ mộng về sự phân chia tả hữu truyền thống trên chính trường Pháp, ông Emmanuel Macron đã từng bước chiếm được niềm tin của phần lớn cử tri nước này trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017, trở thành Tổng thống Pháp trẻ nhất khi mới 39 tuổi. Dù chưa thể hiện thực hoá toàn bộ cam kết cải tổ vì nước Pháp, nhưng ông Macron đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong 5 năm qua, để một lần nữa được người dân nước này lựa chọn là người tiếp tục nắm giữ chìa khoá của Điện Élysée.

Điểm lại những cái “nhất” của Tổng thống Pháp Emmanuel -0
Ông Macron sẽ nhận kết quả chiến thắng chính thức từ Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp vào ngày 27/4.  Nguồn: Getty

Đài phát thanh France Inter mới đây dẫn lời ông Bertrand Delano, cựu Đô trưởng Paris thuộc đảng Xã hội cánh tả nhận định: “Trong nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng thống Macron đã chứng tỏ mình là một vị Tổng thống có tầm cỡ. Ông bảo vệ rất tốt người dân Pháp giữa lúc đất nước trải qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chẳng những Tổng thống đã đề ra những biện pháp hiệu quả để cứu nguy kinh tế mà ông còn có những biện pháp xã hội vượt trội. Điều quan trọng nhất là đẩy lui thất nghiệp và thành quả của ông Macron trong lĩnh vực này quá rõ ràng. Đó là một điểm then chốt về mặt công bằng xã hội".

Đồng quan điểm với cựu Đô trưởng Paris, giới chuyên gia nhận định, thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Macron là tạo ra một thị trường lao động linh hoạt hơn. Giới quan sát cho rằng tỷ lệ thất nghiệp là một trong những mối lo của hầu hết các đời Tổng thống Pháp kể từ những năm 1980. Trong khi đó, bằng những cải cách ngay từ những ngày đầu nhậm chức, ông Macron đã giúp tỷ lệ này giảm 2,1% xuống còn 7,4% - mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Đã nói đến thành công lớn nhất thì cũng cần đề cập đến thất bại lớn nhất. Chính phủ của ông Macron cũng thừa nhận rằng, cam kết về cải cách lương hưu chính là thất bại lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu. Ông Macron cùng các cộng sự  muốn cải cách lại hệ thống lương hưu không công bằng và bãi bỏ các đặc quyền dành cho một số nhóm nghề nghiệp  nhất định. Nhưng dự án vấp phải sự phản đối quyết liệt chưa từng thấy.

Vào mùa Đông năm 2019, các công nhân đường sắt và nhân viên của hệ thống giao thông công cộng ở Paris đã đình công trong nhiều tuần. Truyền thông Pháp cho biết, đây là cuộc đình công dài nhất mà Pháp từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ. Sau những nhượng bộ ban đầu để làm dịu tình hình, dự án này lại tiếp tục gặp phải cản trở bởi đại dịch COVID-19. Mặc dù ông Macron đã tuyên bố nhiều lần rằng sẽ đưa vấn đề này trở lại chương trình nghị sự, nhưng từ đó đến hết nhiệm kỳ 1 vẫn chưa có thêm động thái mới. Phải tới khi tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo, ông Macron mới tuyên bố khởi động lại kế hoạch này và sẽ nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65.

Theo tờ NZZ của Đức, “bài kiểm tra” lớn nhất mà ông Macron phải đối mặt đó chính là cuộc biểu tình của phong trào “Áo ghile vàng”. Ngày 17/11/2018, hơn 280.000 người Pháp khoác áo ghile vàng đã đổ ra các đường phố để phản đối việc tăng thuế nhiên liệu. Các cuộc biểu tình này đã nhanh chóng trở thành tụ điểm của những ai muốn “trút giận” lên Tổng thống. Dần dần, đi kèm biểu tình là bạo động, tuần này qua tuần khác, những hình ảnh về việc các cửa hàng bị đập phá và đốt cháy ngập tràn trên các mặt báo.

Cuối cùng, ông Macron đã lùi một bước để làm dịu tình hình và đưa ra một số nhượng bộ tài chính. Nhưng cũng chính từ sự việc này mà người dân Pháp nhận ra được ưu điểm mạnh nhất của vị chính khách trẻ tuổi chính là tính linh hoạt và sức bền. Hình ảnh ông Macron với đôi mắt tập trung, tay áo sơ mi xắn lên và chiếc micro trên tay đối thoại với người lao động được đánh giá rất cao. Để giải quyết các cuộc bạo động của phong trào “Áo ghile vàng”, ông đã dành ra hơn nửa tháng để lắng nghe nhưng mối quan tâm và nhu cầu của người dân Pháp.

Theo đài truyền hình BFMTV, ông Macron đã có 92 giờ đối thoại trực tiếp với người dân. Ông Macron trên thực tế đã chứng minh được mình là người kiên trì, nhạy bén, dễ gần chứ không như những lời đồn về việc ông là “Tổng thống của người giàu”. Ngoài ra, khả năng thích ứng cũng được phản ánh trong các chính sách của ông. Theo giới chuyên gia, các quyết định của ông Macron không theo một hệ tư tưởng nào mà hầu hết đều dựa vào thực tế và tạo cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, điều mà ông Macron cần cải thiện nhất là việc chính đảng của ông còn khá non trẻ và chưa thực sự có một mối liên hệ chặt chẽ với người dân. Điều này thể hiện rõ trong các cuộc bầu cử địa phương và khu vực, nơi đảng của ông chỉ đạt được tỉ lệ ủng hộ khiêm tốn. Đây cũng có thể trở thành rào cản đối với “tân” Tổng thống trong cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Ngoài ra, giới quan sát còn nhận định, tính toán được cho là sai lầm nhất của ông Macron trong nhiệm kỳ đầu chính là việc chủ quan về vấn đề Nga – Ukraine.

Bất chấp sự khác biệt về tuổi tác và quan điểm chính trị, ông Macron đã điện đàm 19 lần với Tổng thống Nga Putin kể từ tháng 12/2021 khi lực lượng quân đội Nga thường xuyên tập trận ở khu vực biên giới giáp Ukraine. Tuy nhiên, ông đã không thể ngăn việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine dù tuyên bố rằng sức mạnh của ngoại giao sẽ hoá giải tất cả. Vào thời điểm ông Macron nhậm chức năm 2017, quan hệ giữa phương Tây và Nga vốn đã rất căng thẳng.

Ông Macron tin tưởng vào việc có thể giúp hạ nhiệt tình hình với tư cách là đối tác có cách tiếp cận mới. Tổng thống Pháp đã cùng Tổng thống Nga gặp thân mật ở Versailles và tại cung điện Mùa Hè. Qua những cuộc gặp đó, ông Macron không quên nhấn mạnh rằng Nga đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu, thông qua một thoả thuận về các quy tắc chung. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đã phá vỡ hoàn toàn ý tưởng tâm huyết này.

The Guardian dẫn lời của nhiều nhà quan sát chính trị quốc tế xếp hạng cuộc đàm phán thành công nhất từ trước đến nay của ông Macron là việc thuyết phục được Thủ tướng Đức Angela Markel hồi năm 2020 ủng hộ ý tưởng thành lập quỹ tái thiết châu Âu hậu COVID-19. Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ huy động 750 tỷ euro từ thị trường và giải ngân cho các nước thành viên để hỗ trợ các công ty chịu ảnh hưởng đặc biệt từ việc đóng cửa, đồng thời thúc đẩy số hoá và các biện pháp bảo vệ môi trường. Đây là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử bởi khối này chưa từng đề xuất vấn đề nợ chung quy mô lớn như vậy ở châu Âu, trong bối cảnh trước đó Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch kịch liệt phản đối.

Cuối cùng, ông Macron đã củng cố vị thế nước Pháp bằng một dấu ấn đối ngoại “khó đoán định nhất”. Rõ ràng, ông Macron đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế không chỉ bởi ông là vị Tổng thống trẻ tuổi muốn cải cách mọi thứ mà bởi đường lối đối ngoại phân cực, khiến các đối tác châu Âu phải đoàn già đoán non. Những sự đón tiếp nồng nhiệt với ông Trump, ông Putin hay việc tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "chết não" cũng như mời Ngoại trưởng Iran tới cuộc họp G7, đã tô đậm thêm chính sách đối ngoại của nước Pháp sau thời của ông Francois Hollande và trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia “lục địa già” cũng như với đồng minh phía bên kia Đại Tây Dương.

Kết quả là nửa cuối nhiệm kỳ, dấu ấn của Pháp trong các quyết định của Brussels ngày càng rõ ràng, bao gồm việc đánh giá lại nguồn năng lượng hạt nhân đến các phản ứng nhanh chóng sau động thái của Nga tại Ukraine. 

Ông Emmanuel Macron sinh ngày 21/12/1977 tại thành phố Amiens, miền Bắc nước Pháp. Ông là con cả trong một gia đình có ba anh em và là người duy nhất không nối nghiệp y khoa từ bố mẹ. Ông Macron có bằng về triết học và các vấn đề công tại Paris rồi tiếp tục học trường Hành chính Quốc gia, ngôi trường ông Francois Hollande từng theo học. Sau khi tốt nghiệp, ông Macron trở thành nhân viên ngân hàng đầu tư tại Rotschild & Cie. Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Dữ liệu số Pháp trong chính quyền của Tổng thống Francois Hollande. Tháng 8/2016, ông Macron từ chức và quyết định tranh cử Tổng thống Pháp. 




Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác