Vụ tham nhũng từng chấn động chính trường Mỹ
Cập nhật ngày: 27-04-2022
 
Bắt đầu từ năm 1909, Hải quân Mỹ quyết định tất cả các tàu chiến đều phải chuyển đổi động cơ chạy bằng than sang chạy dầu. Điều này đã dẫn đến vụ tham nhũng tai tiếng nhất lịch sử nước Mỹ mà người chủ mưu là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Albert Fall, trong đó có sự góp phần của Tổng thống Mỹ Warren G. Harding…
 

Mỏ dầu Teapot Dome

Năm 1909, với mục đích hiện đại hóa các hạm đội, Hải quân Mỹ quyết định chuyển đổi tất cả tàu chiến chạy than sang động cơ chạy dầu. Và để đảm bảo đủ nguồn dầu dự trữ nếu chiến tranh xảy ra, các nhà lãnh đạo Hải quân trình lên Quốc hội một dự án khai thác mỏ dầu ở 3 địa điểm, gồm Teapot Dome, bang Wyoming, Elk Hill và Buena Vista, bang California rồi được Quốc hội chấp thuận.

Năm 1920, với sự hỗ trợ của các công ty dầu mỏ trong chiến dịch vận động tranh cử, Warren G. Harding, thượng nghị sĩ bang Ohio chiến thắng rồi trở thành tổng thống Mỹ. Đến năm 1921, Tổng thống Harding bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Albert Fall, bang New Mexico làm Bộ trưởng Nội vụ. Không lâu sau đó, Albert Fall thuyết phục Tổng thống Harding ký sắc lệnh chuyển giao quyền kiểm soát 3 mỏ dầu Teapot Dome, Elk Hill và Buena Vista từ Hải quân sang Bộ Nội vụ dù gặp phải nhiều phản đối của các tướng lĩnh Hải quân.

Sau khi nắm quyền kiểm soát 3 mỏ dầu này, Albert Fall tiến hành “đi đêm” với hai người bạn thân là Harry Sinclair, Tổng giám đốc Công ty dầu Mammoth và Edward Doheny, Tổng giám đốc Công ty dầu khí Doheny. Theo đó, Công ty Mammoth được độc quyền khai thác mỏ Teapot Dome còn Công ty Doheny khai thác 2 mỏ Elk Hill và Buena Vista mà không cần phải đấu thầu công khai. Chưa hết, việc giao quyền khai thác cho 2 công ty nói trên được Albert Fall giữ kín với cả Quốc hội Mỹ.

Dựa vào thỏa thuận của những cuộc “đi đêm”, 2 công ty Mammoth và Doheny chỉ phải thực hiện một nghĩa vụ được xem là rất nhỏ với chính phủ liên bang, gồm xây dựng một cơ sở chứa dầu tại căn cứ hải quân Trân Châu Cảng, bang Hawaii và một đường ống dẫn dầu từ mỏ Teapot Dome, bang Wyoming đến thành phố Kansas. Theo đánh giá của các nhà địa chất, 3 khu mỏ nói trên có trữ lượng khoảng 2,1 tỉ thùng.

tea1.jpg -0
Bộ trưởng Nội vụ Albert Fall (áo đen) và Edward Doheny, chủ tịch công ty dầu khí Doheny.

Đầu tháng 4-1922, công nhân làm việc tại mỏ Teapot Dome nhìn thấy những chiếc xe tải có dán logo của Harry Sinclair, Tổng giám đốc Công ty Mammoth chở thiết bị khai thác đến mỏ. Điều này làm dấy lên tin đồn về một thỏa thuận mờ ám giữa Bộ Nội vụ và Công ty Mammoth bởi lẽ dư luận vẫn cho rằng Bộ Nội vụ chỉ đứng ra quản lý về mặt hành chính dựa theo sắc lệnh của Tổng thống Harding, còn khai thác là việc của Hải quân.

Ngày 14-4-1922, trên tờ Wall Street Journal xuất hiện một bài điều tra, nói về mối quan hệ giữa Albert Fall, Bộ trưởng Nội vụ với Harry Sinclair, Tổng giám đốc Công ty dầu Mammoth. Những chứng cứ trong bài báo do  Đại tá Hải quân James G. Darden cung cấp. Theo Đại tá Darden, khi Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ quyết định chuyển đổi nhiên liệu cho tàu chiến, ông là người đầu tiên đến mỏ Teapot Dome để lập kế hoạch khai thác, vận chuyển. Đại tá Darden nói: “Sắc lệnh của Tổng thống Harding nói rõ Bộ Nội vụ chỉ quản lý số lượng dầu thu được đồng thời lập kế hoạch phân bổ dựa trên nhu cầu của Hải quân, còn việc khai thác thì phải được công khai đấu thầu”.

Ngay sau khi bài báo nói về sự mờ ám ở mỏ Teapot Dome xuất hiện trên tờ Wall Street Journal, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Wyoming là ông John Kendrick lập tức trình lên Thượng viện một nghị quyết, yêu cầu mở cuộc điều tra về cái liên doanh này. Theo tờ Wall Street Journal: “Đây là cuộc điều tra tội phạm quan trọng nhất trong lịch sử Thượng viện”.

Trước những diễn biến bất lợi ấy, Bộ trưởng Nội vụ Albert Fall thuyết phục Tổng thống Harding điều động thủy quân lục chiến Mỹ đến mỏ Teapot Dome để tập trận nhằm ngăn cản những hoạt động của Đại tá Darden! Thừa nước đục thả câu, tờ Denver Post đe dọa sẽ tung ra những bài điều tra nảy lửa về Công ty Mammoth, dẫn đến việc Tổng giám đốc Harry Sinclair  phải “bịt miệng” Denver Post bằng 1 triệu USD!

Tháng 1-1923, cảm thấy khó ngồi yên được, Albert Fall từ chức Bộ trưởng Nội vụ rồi quay sang làm môi giới cho những hợp đồng khai thác dầu của Công ty Mammoth ở Liên Xô và Mexico. Thời điểm đó, Tổng thống Harding cũng cảm thấy bất an vì dù  Albert Fall đã không còn là bộ trưởng, nhưng cuộc điều tra của Thượng viện vẫn tiếp tục và khả năng ông phải điều trần trước Quốc hội là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Trong cuộc nói chuyện với nhà báo William Allen White của tờ Wall Street Journal, Tổng thống Harding không che giấu suy nghĩ của mình: “Với những kẻ thù của tôi, tôi chẳng gặp khó khăn gì khi xử lý họ nhưng với những người bạn chết tiệt, họ đã đẩy tôi vào một cuộc du hành trong bóng tối”.

tea3.jpg -0
Thượng viện Mỹ nghe điều trần về vụ tham nhũng ở mỏ dầu Teapot Dome.

Sóng gió chính trường

Tháng 6-1923, Tổng thống Harding bắt đầu chuyến công du xuyên quốc gia mà điểm đến đầu tiên là bang Alaska. Trên chiếc du thuyền, ông hỏi Bộ trưởng Thương mại Herbert Hoover: “Nếu anh biết về một vụ bê bối lớn trong chính quyền của tôi, anh có vì lợi ích đất nước mà phơi bày một cách công khai hay anh sẽ chôn nó? ”. Theo Hoover, ông đã trả lời rằng nên công khai nó nhưng Tổng thống Harding từ chối vì lo sợ bản thân mình sẽ vướng vào một cơn bão chính trị. Chưa hết, ngay trước chuyến đi, Harry Sinclair, Tổng giám đốc Công ty Mammoth còn đề nghị Tổng thống Harding mua lại tờ báo Ngôi sao Marion để làm cơ quan ngôn luận của riêng mình và được Harding đồng ý! Trong lúc nói chuyện với những bạn bè thân quen, Tổng thống Harding và vợ là bà Florence còn khoe rằng sau khi nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông kết thúc, vợ chồng ông sẽ thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới kéo dài 1 năm trên chiếc du thuyền sang trọng của Sinclair.

Thế nhưng sau khi trở về từ Alaska, Tổng thống Harding bắt đầu xuất hiện những cơn đau do bị chuột rút và khó thở. Ngày 2-8-1923, Harding qua đời ở tuổi 57 tại khách sạn Palace, thành phố San Francisco, bang California.  Nguyên nhân tử vong của ông được thông báo chính thức là đột quỵ nhưng một số bác sĩ tin rằng ông chết vì nhồi máu cơ tim. Người kế nhiệm ông là Tổng thống Calvin Coolidge.

Với quyết tâm làm trong sạch bộ máy, Tổng thống Calvin Coolidge ký quyết định bổ nhiệm hai công tố viên đặc biệt, một thuộc đảng Dân chủ và một thuộc đảng Cộng hòa, phối hợp cùng Thượng viện điều tra về các thương vụ dầu mỏ dưới thời Bộ trưởng Nội vụ Albert Fall. Kết quả cho thấy Công ty Doheny đã cho Albert Fall vay 100.000 USD (tương đương 1.700.000 USD hiện nay) không tính lãi và từ số tiền này, Albert Fall đã mua một trang trại khổng lồ ở New Mexico.Cuộc điều tra cũng cho thấy sau khi Albert Fall mua trang trại, Harry Sinclair, Tổng giám đốc Công ty Mammoth đã chuyển đến cho Fall một đàn gia súc lớn, đồng thời sai con rể mình đưa cho con rể Fall 300.000 USD trái phiếu (5,1 triệu USD hiện nay). Và mặc dù nó là số tiền rất lớn vào thời điểm những năm 1920 nhưng theo Ủy ban Điều tra Thượng viện, nó chỉ là “một chấm nhỏ” trong hàng trăm triệu USD mà Công ty Mamoth và Công ty Doheny thu được từ các mỏ ở Wyoming và California.

Và trong khi cuộc điều tra của Thượng viện vẫn đang tiến hành thì con rể của Harry Sinclair bị bắn chết trong một trường hợp được cho là ẩu đả. Cái chết ấy đã khiến việc xác minh 300.000 USD trái phiếu đi vào ngõ cụt. Chả thế mà khi Quốc hội Mỹ gọi Harry Sinclair ra điều trần, ông ta đã từ chối với lý do Ủy ban Điều tra Thượng viện  không có quyền can thiệp vào những chuyện riêng tư của ông ta. Sự từ chối ấy được xem như một lời thách thức nên Ủy ban Điều tra khởi kiện Sinclair lên Tòa án Tối cao. Trong phán quyết ban hành vào tháng 9-1929, Tòa tối cao xác định “Quốc hội có quyền điều tra đầy đủ các trường hợp mà luật pháp đất nước bị vi phạm”, và Sinclair bị tuyên 6 tháng tù giam bởi tội danh “khinh thường Quốc hội”.

tea2.jpg -0
Giàn khoan của Công ty Mammoth ở mỏ Teapot Dome.

Với Albert Fall, khi điều trần trước Thượng viện, ông ta khai rằng sở dĩ mình giữ bí mật về các hợp đồng với Công ty Mammoth và Công ty Doheny là nhằm mục đích bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý báu của quốc gia, chống lại sự dòm ngó và thao túng của các tập đoàn dầu khí ở các nước “không thân thiện” với Mỹ, đồng thời ngăn chặn việc thất thoát thông qua chuỗi hoạt động sản xuất liền kề. Tuy nhiên, Ủy ban điều tra Thương viện đã bác bỏ những lập luận của Albert Fall. Theo các luật sư của Fall, ông ta hợp đồng với các công ty khai thác dầu khí dựa trên quyết định của Tổng thống Harding, và Fall không nhận hối lộ từ các công ty này bởi lẽ sau khi từ chức Bộ trưởng Nội vụ, Công ty Doheny đã nhanh chóng cho người đến thu hồi cái trang trại mà Fall mua bằng tiền vay của Doheny với lý do “không trả được nợ”. Tương tự như vậy, đàn gia súc của Harry Sinclair, Tổng giám đốc Công ty Mammoth tặng cho trang trại cũng được Mammoth thu hồi vì “chỉ gửi nuôi nhờ”.

Cuối cùng, Tòa tối cao kết tội Albert Fall “nhận hối lộ 100.000 USD dưới hình thức vay mượn”. Hình phạt dành cho ông ta là 1 năm tù đồng thời phải nộp lại số tiền nêu trên. Bên cạnh đó, Tòa còn tuyên hủy hợp đồng khai thác dầu tại 3 mỏ ở bang Wyoming và California, ký giữa Bộ Nội vụ và hai công ty Doheny, Mammoth.

Sau khi ra tù, Albert Fall trắng tay, ngay cả lương hưu cũng bị cắt. Fall mất năm 1944 sau một thời gian dài bị bệnh. Khi Thế chiến 2 bùng nổ, việc khai thác 3 mỏ dầu được giao lại cho Hải quân, kéo dài cho đến khi cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra trong những năm 1970.

Năm 1995, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Quốc hội Mỹ đồng ý bán mỏ dầu Elk Hills cho người trả giá cao nhất trong nỗ lực rộng lớn nhằm chuyển đổi một số vai trò của liên bang sang công nghiệp tư nhân. Đến năm 1998, Công ty dầu khí Occidental tiếp quản mỏ dầu này.

Tháng 1-2015, Bộ Năng lượng Mỹ bán tiếp mỏ dầu Teapot Dome theo hình thức đấu thầu cạnh tranh.Tính đến thời điểm ấy, Teapot Dome đã sản xuất được 22 triệu thùng dầu và thu về 569 triệu USD cho chính phủ Mỹ. Công ty trúng thầu mỏ Teapot Dome là Stranded Oil Resources Corporation, một đơn vị thuộc Tập đoàn Alleghany với giá 45,2 triệu USD.

Theo tờ Wall Street Journal, mặc dù số tiền tham nhũng trong vụ này không lớn, nhưng sự lũng đoạn chính trị bởi các đại gia trong ngành dầu khí với quan chức chính phủ là chuyện lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử nước Mỹ. Nó đã dẫn đến việc cải tổ luật pháp một cách sâu rộng nhằm ngăn chặn những “liên minh ma quỷ” xuất hiện trên chính trường…



Nguồn: cand.com.vn