Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình này, vốn đang gặp bế tắc, trong đó đặc biệt là chuyến thăm tới đây của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Guterres tới Nga và Ukraine. Song song với đó, ngày 24/4 (giờ địa phương), Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tới hai quốc gia này để bàn về những cam kết đảm bảo an ninh hậu chiến tranh nếu Kiev đạt được thỏa thuận với Moscow về một quốc gia trung lập.
Nước Nga không thể bị cô lập
Tại cuộc họp báo hôm 23/4 (giờ địa phương) ở Thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự kỳ vọng về sự hỗ trợ hơn nữa của Mỹ và các nước phương Tây với nước này. Theo ông, nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ông sẽ thảo luận chi tiết về số vũ khí Ukraine cần, số lượng và thời điểm giao hàng.
Ngoài ra, ông cho rằng, đã đến lúc bàn về việc đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai: "Về vấn đề đảm bảo an ninh, đã đến lúc phải bàn chi tiết, cụ thể vì Mỹ sẽ là một trong những quốc gia hàng đầu đảm bảo an ninh cho đất nước chúng tôi".
Hiện Ukraine đang thảo luận về việc bảo đảm an ninh với các nước đối tác. Theo Tổng thống Zelensky, Mỹ, Anh, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sẵn sàng thiết lập hệ thống bảo trợ an ninh cho Kiev. Ngoài ra, cố vấn của lãnh đạo các nước Đức, Pháp, Ba Lan và Israel cũng thể hiện sẵn sàng thảo luận về danh sách bảo đảm an ninh cho quốc gia này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23/4 khẳng định, Moscow chưa tiến hành đàm phán với bất cứ bên nào về việc bảo trợ an ninh cho Ukraine. Thậm chí, ông còn cho rằng, các cuộc đàm phán với Ukraine đã đình trệ do những phản ứng chậm chạp từ phía Kiev. Nga sẽ không chấp nhận bất cứ tối hậu thư nào từ Ukraine về các cuộc đàm phán giữa hai bên, nhằm ám chỉ cảnh báo của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng Kiev sẽ ngừng đàm phán nếu các lực lượng quân sự Nga đánh bật các tay súng Ukraine khỏi thành phố cảng chiến lược Mariupol, hay như xảy ra các cuộc trung cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga tại các nước cộng hòa ly khai Donbass.
Giữa lúc chiến sự Ukraine chưa thể hạ nhiệt, Tổng thư ký Antonio Guterres lên kế hoạch thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine từ ngày 25/4. Chặng dừng chân đầu tiên của ông chính là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia trung gian cho các cuộc đàm phán Nga - Ukraine, để nắm bắt về những kết quả đàm phán đạt được tính tới thời điểm hiện tại.
Theo Người phát ngôn của LHQ Eri Kaneko, ngày 26/4, ông Antonio Guterres sẽ đến Nga và có lịch trình làm việc với Tổng thống Vladimir Putin: "Hiện tại, tất cả những gì chúng tôi có trong chương trình nghị sự là bữa trưa làm việc của Tổng thư ký với Ngoại trưởng Nga, sau đó cùng ngày là với Tổng thống Vladimir Putin. Như Tổng Thư ký đã nói, ông ấy hy vọng sẽ nói về những gì có thể làm để mang lại hòa bình cho Ukraine và tương lai của chủ nghĩa đa phương, vì cả hai nước đều là thành viên sáng lập của LHQ". Sau 2 ngày thăm Nga, Tổng Thư ký LHQ dự kiến sẽ tới Ukraine để thảo luận về các giải pháp hòa bình cũng như những hỗ trợ nhân đạo quốc tế trước mắt.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder hôm 23/4 nhấn mạnh rằng, một nước như Nga là không thể bị cô lập được. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, hòa bình và thịnh vượng ở Đức và châu Âu sẽ luôn phụ thuộc vào đối thoại với Nga.
Bản thân đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nói với tuần báo Der Spiegel của Đức vào hôm 22/4 như sau: "Tôi không hề thấy một lệnh cấm vận khí đốt sẽ chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi muốn tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, tình trạng mất hàng triệu việc làm và tình trạng các nhà máy sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Điều này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho đất nước chúng ta, cho toàn thể châu Âu và cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp tài chính cho tái thiết Ukraine".
Giới công nghiệp Đức cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Đức đã tuyên bố rằng việc cấm vận khí đốt Nga sẽ gây ra sự "sụp đổ các mạng lưới công nghiệp của chúng tôi".
Tăng cường giám sát lẫn nhau
Xung đột Ukraine đã khiến Nga và Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Địa Trung Hải lên mức chưa từng thấy trong hơn một thập niên qua. Ông Thibault Lavernhe, quan chức truyền thông của quân đội Pháp tại Địa Trung Hải, cho biết: "Chiến sự Ukraine đã thay đổi mọi thứ. Người Mỹ đã trở lại. Điều này đã không xảy ra kể từ thời Chiến tranh Lạnh".
Ông nói thêm rằng: "Nga cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần, năng lực quân sự của họ trong khu vực" với việc triển khai các tàu khu trục, khinh hạm và tàu ngầm. Theo vị chuyên gia này, hiện có khoảng 20 tàu chiến Nga trên biển Địa Trung Hải. Những con tàu này được điều động tới đây sau cuộc xung đột tại Syria. Hải quân Nga hiện đang mở rộng phạm vi hoạt động về phía Tây Bắc, đến tận Peloponnese của Hy Lạp, cửa ngõ vịnh Dardanelles - con đường dẫn vào Biển Đen. Trong khi Mỹ đã tăng gấp đôi sự hiện diện của nước này bằng cách điều chuẩn các tàu từ Đại Tây Dương. "Ở đâu có lực lượng Mỹ, ở đó cũng có lực lượng Nga", ông Thibault Lavernhe nói. "Tàu của Nga được bố trí để giám sát hoạt động của các thành viên trong khối NATO", quan chức này nhấn mạnh.
Nga đã tăng cường sự hiện diện hải quân tại Địa Trung Hải nhiều hơn so với trước kia. Đây có thể coi là lớp phòng thủ bên ngoài cho hoạt động của hải quân Nga tại Biển Đen, ở ngoài khơi Ukraine. Đặc biệt để đối phó với mối đe dọa từ các tàu sân bay của Mỹ và Pháp. Hai tuần dương hạm lớp Slava hiện có của Nga ở Địa Trung Hải cùng với các tàu hỗ trợ và tàu hộ tồng đều đi theo đội hình san sát nhau. Sự tập trung lực lượng hải quân của Nga tại Địa Trung Hải rất đáng chú ý vì thông thường các con tàu sẽ hoạt động theo từng nhóm riêng biệt. Điều này gây ra mối lo ngại đáng kể cho NATO.
Các tàu tuần dương lớp Slava chủ yếu là tàu chống hạm. Mỗi chiếc được trang bị 16 tên lửa siêu thanh P-1000 Vulkan. Họ cũng cung cấp năng lực phòng không đáng kể với 64 tên lửa S-300F Rif. Ngoài ra, Nga cũng có hai tàu khu trục chống ngầm Udaloy Class và hai khinh hạm đa năng. Các tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống lớp Buyan-M đều có thể mang tên lửa hành trình Kalibr, loại vũ khí từng được Nga sử dụng trong cuộc tấn công Ukraine.
Về phần mình, NATO đăng tăng cường triển khai máy bay giám sát các hoạt động tại Địa Trung Hải, chẳng hạn như máy bay trinh sát tầm xa Atlantique 2 ở căn cứ Souda trên đảo Crete. Đây là máy bay do hãng Dassault của Pháp chế tạo, được trang bị radar, camera tiên tiến cùng các hệ thống có khả năng phát hiện từ trường và thu tín hiệu radar ở xung quanh.
Điều phối viên chiến thuật của máy bay Laurent giải thích rằng, máy bay sẽ thu thập thông tin các con tàu quan sát được trong chuyến bay của nó và xác định nhiệm vụ liên quan. "Tất cả các con tàu cao trên 12m đều phải được đăng ký và có đèn hiệu giao thông. Nếu không chúng tôi sẽ xem xét đó có phải là tàu buôn lậu hoặc thực hiện hoạt động bất hợp pháp khác hay không". Thông tin sau đó được chia sẻ với bộ tổng tham mưu Pháp và bộ chỉ huy NATO.
Trung úy Johann, sĩ quan chỉ huy máy bay do thám của NATO, cho biết, máy bay có khả năng bay xa đến tận Biển Đen nhưng điều đó chắc chắn sẽ gây quan ngại với Nga. "Chúng tôi không muốn rơi vào tình trạng khủng hoảng trong khu vực này. Mục tiêu của chúng tôi đơn giản chỉ là bảo vệ an ninh châu Âu".