Tại cuộc họp, các báo cáo viên bày tỏ quan ngại về việc số người bị ảnh hưởng bởi xung đột và mất an ninh lương thực đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây, với hơn 139 triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong năm 2021.
Các chuyên gia cho rằng hậu quả của xung đột tại Ukraine đang có tác động nghiêm trọng đối với hệ thống lương thực thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia vốn đã bị ảnh hưởng bởi xung đột như Afghanistan, Syria, Yemen, Ethiopia, Somalia, và Nam Sudan.
Nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường cam kết tài trợ cho các chương trình lương thực, cứu trợ nhân đạo; kêu gọi các bên trong xung đột tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận người dân nhanh chóng, không bị cản trở; khẳng định phát triển bền vững, chấm dứt và giải quyết xung đột là giải pháp lâu dài, toàn diện để chấm dứt nạn đói trong xung đột. Một số ý kiến kêu gọi HĐBA sớm thiết lập cơ chế Đặc phái viên của Tổng Thư ký về nạn đói và xung đột cũng như đề nghị Tổng Thư ký báo cáo định kỳ về chủ đề này.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ ghi nhận hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng bị thách thức bởi xung đột, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và thiên tai.
Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực của các quốc gia và các bối cảnh xung đột ở châu Phi, châu Âu và châu Á. Kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để giải quyết nạn đói do xung đột, Đại sứ cũng đồng thời hoan nghênh các nỗ lực gần đây của LHQ, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ, Chương trình lương thực thế giới, các đối tác nhân đạo hỗ trợ người dân tại nhiều địa bàn.
Đại sứ khuyến khích LHQ và các đối tác thúc đẩy các biện pháp xử lý vấn đề gia tăng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu hiện nay, xử lý các thách thức trong từng tình huống cụ thể, đồng thời tăng cường thông tin, cập nhật về các khu vực nảy sinh hoặc có diễn biến phức tạp về mất an ninh lương thực.
Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh trách nhiệm của các bên xung đột trong việc bảo đảm tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, không sử dụng việc bỏ đói làm công cụ phục vụ mục đích quân sự, như đã nêu tại Nghị quyết 2417 và Nghị quyết 2573 mà Việt Nam đã thúc đẩy với sự đồng bảo trợ của tất cả các nước thành viên HĐBA.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong việc thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột, qua đó giảm thiểu nguy cơ của nạn đói do xung đột.
Đại sứ cho biết ASEAN đã có những hợp tác cụ thể về bảo đảm an ninh lương thực trong những năm qua, nhấn mạnh Việt Nam coi an ninh lương thực là gốc của an ninh, ổn định, phát triển và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức về an ninh lương thực.
Nguồn: cand.com.vn