Màn tranh luận “nảy lửa” quyết định giữa hai ứng viên Tổng thống Pháp
Cập nhật ngày: 22-04-2022
Nhận định của mỗi người về “màn trình diễn” trước thềm bầu cử của ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen là khác nhau. Tuy nhiên sau 5 năm, hai ứng viên đã cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc với kinh nghiệm dày dặn về các vấn đề từ đối nội đến đối ngoại. Giới chuyên gia nhận định, dù giành được lợi thế hay không, ông Macron cũng cần tránh tỏ ra kiêu ngạo còn bà Le Pen phải giữ được sự bình tĩnh, trên hết là ôn hoà.
Những lập luận sắc bén vì lợi ích người dân
Tối 20/4 (giờ địa phương), màn tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và ứng cử viên Marine Le Pen đã diễn ra. Tại cuộc đối đầu được cho là mang tính quyết định này, một loạt các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do xung đột Nga – Ukraine, vai trò của Pháp tại châu Âu hay phúc lợi xã hội, biến đổi khí hậu đã trở thành chủ đề tranh luận chính.
Mở đầu cuộc tranh luận kéo dài 2,5 giờ là màn diễn thuyết của ứng cử viên Marine Le Pen (53 tuổi). “Người dân không nên ngần ngại trao cơ hội điều hành đất nước cho tôi. Tôi cam kết sẽ trở thành một tổng thống của sự tôn trọng và lương tri”, bà Le Pen nói.
Theo bà Le Pen, ưu tiên hàng đầu trong chính sách của bà là việc “trả lại tiền cho người Pháp” trong bối cảnh nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt – một trong những mối bận tâm số một của người dân. Với cam kết giảm thuế VAT đối với nhiên liệu và năng lượng, ứng viên 53 tuổi khẳng định các hộ gia đình sẽ có thể tiết kiệm được khoảng 150 – 250 euro/tháng.
Trong khi đó, ông Macron (44 tuổi) tiếp cận vấn đề này bằng một cách hoàn toàn khác: “Các cơ chế bình ổn giá trong thời kỳ khủng hoảng sẽ được đưa ra như một biện pháp khẩn cấp. Điều này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn việc giảm thuế VAT”. Ông Macron nhấn mạnh, ông sẽ làm mọi cách để hỗ trợ người dân trong thời kỳ khó khăn nhưng sẽ không làm ảnh hưởng tới sự phát triển về lâu dài của người Pháp.
Nếu như vấn đề chi phí sinh hoạt được hai ứng viên đưa ra một cách nhẹ nhàng, thì màn khẩu chiến chỉ thực sự bắt đầu khi vấn đề tiền lương được đề cập.
“Ông Macron đã làm tăng thêm 600 tỷ euro nợ công, trong đó 2/3 số này hoàn toàn không liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Đây là con số do chính phủ công bố. Vậy tại sao không tăng lương cho người lao động để khuyến khích họ làm việc chăm chỉ hơn nữa”, bà Le Pen nói.
Chỉ trích bà Le Pen “tô hồng” thực tế khi cam kết tăng lương tối thiểu cho người lao động thêm 10%, ông Macron nêu rõ: “Tổng thống không phải là người quyết định mức lương. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào người sử dụng lao động. Đừng khiến mọi người mong chờ vào việc lương sẽ được tăng thêm 10% trong khi bạn không đủ thẩm quyền để hiện thực hoá điều này. Cần có những giải pháp cụ thể chứ không đơn giản là nói cho hay”.
Không những vậy, Tổng thống đương nhiệm còn cho rằng việc có phần “thân Nga” của bà Le Pen có thể khiến bà ảnh hưởng đến các quyết định chính trị, trong bối cảnh bà muốn tạo ra một liên minh các quốc gia châu Âu, nhưng lại đứng ngoài Uỷ ban châu Âu. Theo ông Macron, động thái này không khác gì một “Frexit tàng hình”. Ông luôn tin tưởng vào Liên minh châu Âu (EU) và bộ đôi Pháp – Đức.
Đáp trả, bà Le Pen cho rằng điều bà mong muốn hướng tới không phải là một liên minh cục bộ, mà là một liên minh vì của sự đoàn kết với việc Pháp đóng vai trò tiên phong. Bà Le Pen viện dẫn, ngay trong việc giải quyết xung đột Nga – Ukraine, các nước EU cũng đang có những bất đồng lớn.
Một vấn đề hóc búa khác cũng được hai ứng viên tranh luận tới cùng đó là Hồi giáo. Nếu bà Le Pen ủng hộ việc cấm khăn trùm đầu Hồi giáo ở những nơi công cộng vì cho rằng đó là đồng phục của những kẻ cực đoan và nước Pháp đã chịu đựng quá đủ, thì ông Macron khẳng định bà Le Pen đã nhầm lẫn tai hại.
“Bà Le Pen đã đi quá xa, Hồi giáo không đồng nghĩa với khủng bố. Vấn đề này đang bị lẫn lộn. Cấm khăn trùm đầu ở những nơi cộng cộng có thể sẽ làm tình hình an ninh trở nên phức tạp hơn và có thể gây ra nội chiến ở những khu nhà ở có người Hồi giáo”, ông Macron khẳng định.
Cuộc đối đầu "khó đoán định"
Giới quan sát cho rằng, sau màn đối đầu có phần ít nổi trội hơn trong cuộc tranh luận bầu cử vào năm 2017, bà Le Pen đã chuẩn bị tốt hơn rất nhiều cho lần này. Còn với ông Macron, sau 5 năm, dư luận không còn tập trung quá nhiều vào đời tư của ông, mà thay vào đó họ chú ý tới những lập luận sắc bén về chính sách của Tổng thống đương nhiệm.
Sau màn tranh luận cuối cùng trước thêm bầu cử, số liệu từ cuộc thăm dò mới nhất của Ipsos cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông Macron và bà Le Pen lần lượt là 56% và 44% (sai số 1,1%) và những con số này không khác biệt quá nhiều so với tỉ lệ thăm dò trước màn tranh luận. Tuy nhiên, 13% số cử tri vẫn đắn đo chưa biết sẽ bỏ phiếu cho người nào. Trong số những cử tri nói rằng họ sẽ bỏ phiếu trắng thì 43% cho biết có thể sẽ thay đổi quyết định vào ngày tổng tuyển cử.
Giới phân tích tại Pháp đánh giá, việc ông Macron đang gia tăng cách biệt với bà Le Pen trong hơn 1 tuần qua là kết quả của chiến dịch vận động tranh cử quyết liệt hơn. Từ khi kết thúc vòng 1 cuộc bầu cử hôm 10/4, ông Macron đã thực hiện 3 cuộc mít-tinh lớn cùng 6 chuyến đi đến các địa phương để vận động, khác hẳn với việc gần như không tranh cử tại vòng 1. Trong khi đó, bà Le Pen lại bị mất điểm khi thổi bùng lên các tranh luận liên quan đến việc cấm phụ nữ hồi giáo dùng khăn trùm đầu, chủ đề khiến nhiều người nhớ lại các phát ngôn và tư tưởng cực hữu mà bà đã cố gắng giảm nhẹ trong 5 năm qua.
Trước đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex nhận định, chưa có bất cứ điều gì chắc chắn về kết quả vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 và những người ủng hộ ông Macron cần thuyết phục cử tri Pháp đến ngày cuối cùng.
Tóm lại, dù có được lợi thế từ cuộc tranh luận hay không thì ông Macron cũng phải tránh tỏ ra kiểu ngạo còn bà Le Pen cũng cần thể hiện sự bình tĩnh và trên hết là ôn hoà để có thể giành được hơn 40% sự ủng hộ từ những người chưa đứng về phía bà trong vòng bầu cử đầu tiên cách đây 10 ngày, đặc biệt là 7,7 triệu người đã bỏ phiếu cho ứng viên cánh tả cực đoan Jean-Luc Mélenchon.