Thúc đẩy đối thoại vấn đề nhân đạo giữa Nga và Ukraine
Cập nhật ngày: 20-04-2022
Phát biểu ngày 18/4 (giờ địa phương) với báo giới về chuyến công du mới đây tới Nga và Ukraine, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nêu rõ ông đã kêu gọi Moscow và Kiev thống nhất để sắp xếp cuộc gặp giữa giới chức hai nước, một cuộc họp do LHQ triệu tập (có bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp) vào bất cứ thời điểm nào, thảo luận về các vấn đề nhân đạo.
Quan chức LHQ đồng thời cho biết ông dự kiến sẽ tiếp tục trở lại Nga để thảo luận về tình hình Ukraine sau khi ông có chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông dự định thúc đẩy thành lập một “nhóm tiếp xúc nhân đạo”, trong đó có sự tham gia của cả Nga và Ukraine.
Theo thông báo của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), đã có hơn 4,8 triệu người Ukraine phải rời khỏi nước này kể từ khi xảy ra xung đột vào cuối tháng 2. Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết gần 215.000 công dân nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Ukraine cũng đã sơ tán khỏi nước này.
Tổng số người rời khỏi Ukraine hiện là hơn 5 triệu người kể từ khi xung đột nổ ra. Trong số những người sơ tán khỏi Ukraine có hơn 2,75 triệu người đến Ba Lan, gần 740.000 người đến Romania. Phụ nữ và trẻ em chiếm đến 90% số người rời khỏi Ukraine. Ngoài ra, IOM ước tính còn 7,1 triệu người khác cũng đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán ở trong nước Ukraine.
Cũng trong ngày 18/4, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 do xung đột giữa Nga và Ukraine. Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ bị hạ từ mức 4,1% xuống còn 3,2%. WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do việc giảm triển vọng tăng trưởng của các khu vực châu Âu và Trung Á, bao gồm Nga và Ukraine.
Kinh tế khu vực này hiện dự kiến sẽ giảm 4,1% năm 2022. Chủ tịch WB cho rằng, xung đột ở Ukraine và việc ngừng hoạt động liên quan đến đại dịch COVID-19 của Trung Quốc đang đẩy tốc độ tăng trưởng toàn cầu xuống thấp hơn và tỷ lệ nghèo đói cao hơn.
Người dân các nước đang phải đối mặt với sự đảo ngược trong phát triển giáo dục, y tế và bình đẳng giới cũng như việc suy giảm hoạt động thương mại và buôn bán. Ngoài ra, các cuộc khủng hoảng nợ và mất giá tiền tệ cũng là một trong những gánh nặng gây áp lực lên cuộc sống của người lao động thu nhập thấp.