Mexico: Người dân ủng hộ Tổng thống AMLO
Cập nhật ngày: 19-04-2022
 
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý diễn ra hôm 10-4 được xem là chưa từng có trong lịch sử Mexico. Cuộc trưng cầu dân ý này được tổ chức nhằm quyết định xem Tổng thống Andrés Manuel López Obrador (thường gọi là AMLO) tiếp tục tại vị hay phải thoái vị.
 

Kết quả cuộc bỏ phiếu theo tính toán sơ bộ của Viện Bầu cử Quốc gia Mexico (NEI) cho thấy có khoảng 90,3% đến 91,9% số người đi bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống AMLO tiếp tục tại vị. Đây là kết quả khá bất ngờ đối với những người theo dõi cuộc bỏ phiếu, bởi không ai tin vào tỉ lệ ủng hộ cao như thế dành cho Tổng thống AMLO.

Riêng bản thân Tổng thống AMLO thì vui mừng cho rằng kết quả cuộc trưng cầu này một lần nữa cho thấy sức mạnh “dân chủ” và sự ủng hộ của cử tri dành cho ông là điều có thật, nó tương đương với việc ông từng nhiều lần đánh bại các đối thủ trong các kỳ bầu cử trong quá khứ. Cuộc trưng cầu được chính Tổng thống AMLO chỉ thị tổ chức nhằm tạo điều kiện cho người dân Mexico nói lên tiếng nói dân chủ của mình, thể hiện quyền quyết định của mình đối với “sứ mệnh” đã giao cho ông.

1_image002.jpg -0
Tổng thống AMLO đi bỏ phiếu

Tổng thống AMLO cho rằng việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này không nằm ngoài mục đích tạo ra một tiền lệ tích cực để làm cho các vị tổng thống, chính phủ kế nhiệm sau này có trách nhiệm cao hơn trong điều hành đất nước, ngăn cản họ có hành vi tham nhũng gây bất bình trong dân chúng. Nhiều người cho rằng cuộc trưng cầu dân ý kiểu này sẽ khiến cho các vị Tổng thống Mexico trong tương lai phải suy nghĩ thật kỹ trước khi làm điều gì đó.

Giới phân tích cho rằng Tổng thống AMLO sẽ nắm lấy cơ hội từ kết quả trưng cầu dân ý này để tiếp tục vận động cải cách thị trường điện lực thông qua Quốc hội trong vài tuần tới. Đồng thời, ông cũng muốn nhân thắng lợi trong cuộc trưng cầu này thổi bùng ngọn lửa ủng hộ trong cử tri để hướng đến cuộc bầu cử trong tháng 6.

Từ khi lên nhậm chức vào năm 2018, Tổng thống AMLO đã không thể thực hiện được lời hứa giảm tội phạm bạo lực liên quan ma túy và cải thiện nền kinh tế. Ông cũng khiến các nhà đầu tư không an tâm với việc ký lại hợp đồng đầu tư và siết chặt kiểm soát tài nguyên thiên nhiên. Giới trung lưu và thượng lưu không thích ông bởi vì những chính sách của ông không phục vụ lợi ích cho nhóm người này, vì vậy họ đã bỏ phiếu chống lại ông trong cuộc trưng cầu.

Chống tham nhũng và minh bạch hóa, công khai hóa là một trong số những lời hứa của ông AMLO khi tranh cử tổng thống. Trong 3 năm qua, theo đánh giá của các tổ chức chống tham nhũng quốc tế thì tình trạng tham nhũng ở Mexico chỉ cải thiện được 3%. Tỉ lệ ủng hộ ông AMLO tụt giảm trong vài tuần hồi tháng 2-2022 sau khi có thông tin tiết lộ rằng con trai ông đã thuê cả một điền trang ở Houston (Mỹ) thuộc sở hữu của một nhân vật cao cấp trong một công ty dầu mỏ có quan hệ làm ăn với Chính phủ Mexico.

Nhưng, mặt được của ông chính là việc triển khai các chương trình phúc lợi xã hội và câu chuyện chính trị trong đó ông sắm vai “người hùng” bảo vệ dân nghèo, đấu tranh chống lại thành phần chính trị tham ô, nhũng nhiễu và giới thượng lưu, tinh hoa giàu có, bất công. Các chương trình phúc lợi xã hội của ông đã giúp nhiều gia đình nghèo có công ăn việc làm, trẻ em được đến trường. Những điều này giúp cho ông nhận được sự ủng hộ rất cao của dân chúng Mexico. Nhiều người nhìn nhận Tổng thống AMLO là người “hòa mình trong đại chúng”, khác hẳn các vị tổng thống trước nay tự tách mình ra khỏi đám đông quần chúng.

Một số người cho rằng thật ra không cần tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thì tỉ lệ ủng hộ ông AMLO cũng rất cao và không ai vì lý do gì đó buộc ông phải từ chức. Nhưng, cũng có người cho rằng trưng cầu là điều cần thiết để chứng minh sự trong sạch của người đứng đầu chính phủ. Trong quá khứ, một thời gian dài Mexico dưới sự điều hành của đảng PRI đã không thể có việc hỏi dân chúng xem “chúng tôi làm tốt không”. Người ta cho rằng đất nước Mexico vì thế mà đầy rẫy bạo lực, xã hội Mexico vì thế mà đầy bất công. Nếu trong quá khứ Mexico có những cuộc trưng cầu dân ý kiểu như ông AMLO làm thì người Mexico đã có thể tránh được nhiều thảm kịch, đã không có quá nhiều cái chết vì bạo lực đủ kiểu và nhiều sai lầm kinh tế đã xảy ra.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của ông AMLO, Mexico vẫn chứng kiến nhiều cái chết, bạo lực chưa hề giảm đi; đã có 100.000 người chết và mất tích do bạo lực ma túy trong năm 2021. Riêng về dịch bệnh COVID-19 thì Mexico cũng đang có tỉ lệ người tử vong cao, đến nay đã có 323,000 người chết và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tổng thống AMLO cũng bị đánh giá là đã có phản hồi kém với đại dịch và không kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết để giảm thiểu số ca tử vong.

Giới phân tích cho rằng, để cho cuộc trưng cầu có giá trị ràng buộc cao, cho dù kết quả bỏ phiếu là ủng hộ Tổng thống AMLO tiếp tục tại vị hay phải thoái vị thì cũng cần phải có tới 40% trên tổng số dân đủ độ tuổi bầu cử đi bỏ phiếu. Thế nhưng, thực tế người ta cho rằng cuộc trưng cầu dân ý đã phần nào bị phá hỏng do tỉ lệ người dân trực tiếp đi bỏ phiếu quá thấp, chỉ từ 16% đến 25% dân số. Không phải người dân chán nản và phản đối Tổng thống AMLO nên không đi bỏ phiếu. Theo truyền thông Mexico, phần lớn cử tri Mexico đã phải ở nhà, không thể hoặc không dám đi bỏ phiếu do họ bị các thế lực chống đối Tổng thống AMLO, bao gồm các đảng phái đối lập và cả bọn tội phạm ma túy dùng thủ đoạn bạo lực đe dọa để ngăn cản họ đi bỏ phiếu.

Bất chấp sự phá hoại này, cuộc bỏ phiếu vẫn được công nhận kết quả và Tổng thống AMLO vẫn sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 6 năm của mình cho đến năm 2024.



Nguồn: cand.com.vn