CÔNG AN BẠC LIÊU
Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang đi vào ngõ cụt
Cập nhật ngày: 15-04-2022, lượt xem: 91
Cả Kiev và Moscow đều bày tỏ không mấy lạc quan về triển vọng của các cuộc đàm phán hòa bình sau cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đã trải qua gần 2 tháng với nhiều diễn biến mới phức tạp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/4 (giờ địa phương) cho biết các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine đã đi vào ngõ cụt. Ông Putin đưa ra nhận định này khi đến thăm sân bay vũ trụ Vostochny, thuộc vùng viễn đông của Nga, cách Moscow hơn 5.500km. Tại đây, ông có cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko. Đây là lần đầu tiên ông Putin đưa ra bình luận công khai về cuộc xung đột trong hơn một tuần qua, sau khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực miền Bắc Ukraine.

8.jpg -0
Chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ảnh minh họa AP.

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của một nhân viên tại sân bay vũ trụ Vostochny về việc liệu chiến dịch tại Ukraine có đạt được mục đích không, Tổng thống Nga khẳng định "chắc chắn" và "không có gì phải nghi ngờ" về điều này. Ông Putin nhấn mạnh, Nga sẽ "nhịp nhàng và uyển chuyển" tiếp tục chiến dịch và như một dấu hiệu rõ ràng nhất từ trước đến nay rằng cuộc chiến vẫn sẽ còn kéo dài, Tổng thống Nga cho biết Kiev đã "làm trật bánh" các cuộc đàm phán hòa bình với việc đưa ra các tuyên bố không đúng sự thật về hành động của Nga; đi ngược lại các thỏa thuận được thảo luận giữa các đoàn đàm phán của hai nước tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3 vừa qua.

Ngoài ra, theo ông Putin, một nguyên nhân khác khiến các cuộc đàm phán hòa bình rơi vào tình trạng bế tắc là bởi Ukraine đã từ chối công nhận Crimea thuộc Nga và sự độc lập của khu vực Donbass.

Những tín hiệu từ phía Ukraine cũng cho thấy Kiev không mấy lạc quan về các cuộc hòa đàm giữa hai nước. Mới đây, ông Mykhaylo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán của nước này, đã lên tiếng bác bỏ cáo cuộc của Nga rằng Kiev cố tình làm chậm trễ thảo luận bằng cách thay đổi các yêu cầu của mình.

"Nga tiếp tục các chiến thuật truyền thống là gây sức ép dư luận đối với quá trình đàm phán, bao gồm cả việc thông qua một số tuyên bố công khai", ông Mykhaylo Podolyak cho biết, nhấn mạnh thêm "lập trường của Ukraine sẽ không thay đổi" và Kiev "sẽ tuân thủ những đề xuất đã đưa ra tại cuộc đàm phán với Nga ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ".

Như vậy, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine cho đến thời điểm này vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng. Vấn đề lớn nhất mà các bên đang gặp phải hiện nay là Nga yêu cầu Ukraine chính thức công nhận Crimea là một phần của Nga và các khu vực ở Donbass là các quốc gia độc lập.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống các nước Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia ngày 13/4 đã đi tàu tới Ukraine. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tư nhân Polsat News, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ba Lan, ông Pawel Szrot nêu rõ, trong chuyến thăm mang tính biểu tượng này sẽ có các cuộc đối thoại chi tiết về vấn đề hỗ trợ Ukraine. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda khẳng định chuyến thăm Kiev "mang theo thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ chính trị và hỗ trợ quân sự".

Văn phòng Tổng thống của 4 quốc gia trên từ chối cung cấp thêm chi tiết về chuyến thăm vì lý do an ninh. Trước đó một ngày, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier xác nhận ông cũng có kế hoạch tới Kiev để gửi đi thông điệp châu Âu đoàn kết với Ukraine, song không nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Zelensky.

Đáng chú ý, chuyến thăm này diễn ra sau khi các quan chức quốc phòng tại Washington cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều khả năng công bố gói viện trợ quân sự trị giá 750 triệu USD cho Ukraine trong thời gian sớm nhất. Các thiết bị nằm trong gói hỗ trợ bổ sung này có thể bao gồm các hệ thống pháo mặt đất hạng nặng cho Ukraine, trong đó có cả pháo phản lực. Một số chuyên gia cảnh báo rằng động thái này có thể khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine thêm trầm trọng.

Trước đó, Mỹ cũng từng cung cấp hơn 1,7 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Kiev kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Các lô vũ khí được chuyển đi bao gồm tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin cũng như đạn dược và áo giáp. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong thời gian qua liên tục kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cung cấp vũ khí và thiết bị hạng nặng để đói phó với chiến dịch quân sự của Nga. Mỹ và các đồng minh NATO khác đã hỗ trợ Ukraine thông qua nhiều hình thức nhưng đến nay vẫn loại trừ khả năng trực tiếp tham chiến. Giới chuyên gia nhận định, cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ còn kéo dài thêm khi cả Moscow và Kiev chưa tìm được tiếng nói chung và chưa dung hòa được lợi ích.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác