Vai trò và nỗ lực duy trì đối thoại của Pháp trong cuộc chiến Nga - Ukraine đã giúp cải thiện đáng kể uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron, song lượng ủng hộ không ít của các cử tri đối với các đối thủ của ông cũng khiến kết quả của cuộc bầu cử sắp tới, ngày 10-4, chưa thể đảm bảo một điều gì chắc chắn.
Mọi cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông Macron có khả năng sẽ tái đắc cử trong cuộc đua sắp tới. Tuy nhiên, có vẻ như nếu có kết quả đó thật thì nó cũng chưa hẳn thể hiện hoàn toàn ý nguyện của người dân, đặc biệt là những nơi như La Ricamarie, một thị trấn hậu công nghiệp vốn có quá nhiều vấn đề còn tồn tại từ sau hệ quả của việc đóng cửa mỏ than và các nhà máy chủ chốt từ cách đây nhiều thập kỷ gây ra.
Chiến sự Nga - Ukraine nổ ra đã "biến" ông Macron, người thường xuyên đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin với mục đích theo đuổi một giải pháp ngoại giao, trở thành nhà lãnh đạo thời chiến và tăng cường không ít vai trò đầu tàu trong các cuộc thăm dò quốc gia. Các vấn đề chính trị khác, vốn được các đối thủ của ông Macron nêu bật trong chiến dịch tranh cử - như vấn đề nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo và tội phạm - đột nhiên trở nên ít quan trọng hơn so với tình hình chiến sự. Những thách thức nảy sinh từ cuộc xung đột cũng khiến đương kim Tổng thống Pháp có cớ để không tranh luận với các đối thủ của mình về các chính sách kinh tế hay xã hội trước tình hình chi phí sinh hoạt ngày càng cao.
Tuy nhiên, sự chia rẽ ở Pháp không chỉ đơn giản giữa một bên là các chính trị gia nhiều ảnh hưởng với một bên là phe cực hữu. Các cuộc biểu tình "áo vàng" từ cuối năm 2018, đã từng làm rung chuyển chính quyền của ông Macron trước khi đuối dần và chìm nghỉm trong đại dịch. Bất chấp những khác biệt về ý thức hệ, phe cực tả và cực hữu ở Pháp đã "tìm thấy" nhiều điểm chung: tức giận với giới lãnh đạo nhà nước, kích động chủ nghĩa dân tộc Pháp, không tin tưởng vào toàn cầu hóa cũng như NATO và EU; xa lánh chính trị truyền thống và cảm giác bị loại khỏi hoạt động kinh tế.
Bởi thế, có nhiều dự đoán được đưa ra về những khó khăn của ông Macron có thể gặp phải, ngay cả khi ông giành được chiến thắng một cách thuyết phục trong cuộc bầu cử lần này như dự đoán của các cuộc thăm dò dư luận. Thách thức đầu tiên sẽ là cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới, khi đó những chính trị gia ủng hộ ông sẽ phải giành chiến thắng nếu ông muốn điều hành nước Pháp một cách hiệu quả.
Nếu ông Macron tái đắc cử mà không có tranh luận thực chất về các vấn đề kinh tế và xã hội thì giai đoạn sau bầu cử có thể rất khó khăn đối với ông. Như thường thấy ở Pháp, bất ổn là khả năng có thể xảy ra, nhất là khi có những xáo trộn trong xã hội. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây với khoảng 8 nghìn thanh niên Pháp trong độ tuổi 18 đến 24 đề xuất cho tổ chức nghiên cứu Institut Montaigne cho thấy 22% ưa dùng bạo lực để thể hiện sự phản đối hoặc bảo vệ quan điểm của mình. 37% số người được hỏi cho biết việc xông vào tòa nhà của một bộ của chính phủ bằng vũ lực là điều có thể chấp nhận được hoặc có thể hiểu được.
Nicholas Dungan, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức chính trị chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, cho biết: "Những người phản đối có thể ở ngoài đường phố chứ không phải trong nghị viện và đó là một vấn đề", mặc dù ông cho rằng "một cuộc nổi dậy chống lại các thể chế dân chủ" là điều khó có thể xảy ra. Ông này nói: "Người Pháp có học thức cao và yêu nước. Nhiều cử tri Pháp sẽ không muốn trở thành những người tham gia vào việc phá hủy nền dân chủ của nước Pháp".
Rõ ràng, ông Macron cùng những cộng sự trong chiến dịch tranh cử của ông không được phép tự mãn trước những kết quả thăm dò khả quan được công bố. Brexit và ông Trump đã khiến Anh và Mỹ phân cực sâu sắc. "Chúng tôi không muốn điều tương tự xảy ra ở Pháp. Nếu Pháp lâm vào bất ổn thì cả lục địa châu Âu sẽ bất ổn theo", một thành viên thân tín trong chiến dịch tranh cử của ông Macron nói.
Một lần nữa nhìn lại những cuộc biểu tình áo vàng, vốn bắt đầu bằng những cuộc biểu tình của những tài xế có tư tưởng bảo thủ tại các bùng binh ngoại ô để phản đối thuế nhiên liệu xanh, trong một thời gian ngắn đã thu hút những người ủng hộ cực hữu rồi đến cánh tả và cuối cùng biến thành các cuộc tuần hành đường phố với sự tham gia của những người chủ trương vô chính phủ chống lại cảnh sát chống bạo động Pháp.
Việc ông Macron phá bỏ hệ thống đảng truyền thống, đặc biệt là các đảng Cộng hòa bảo thủ và những người theo chủ nghĩa xã hội trung tả, đã tạo ra "hoang mạc trong đó cánh hữu thông thường và cánh tả thông thường bị hút vào trung tâm của ông. Nó để lại một khoảng trống tồi tệ mà ở đó những lời lẽ dân túy mãnh liệt này có thể tự lan truyền", Julian Jackson, nhà sử học và người viết tiểu sử của tướng Charles de Gaulle phân tích.