“Màn tái đấu” trên sân khấu bầu cử Tổng thống Pháp
Cập nhật ngày: 12-04-2022
Ngày 10/4, cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống nước này. Các điểm bỏ phiếu ở Pháp mở cửa từ 6h (giờ địa phương - 13h giờ Hà Nội). Trước đó, các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở ngoài khơi bờ biển Canada gồm Saint Pierre và Miquelon, các vùng lãnh thổ ở Caribe và các vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương đã đi bỏ phiếu trong ngày 9/4 do chênh lệch múi giờ.
Ở vòng bỏ phiếu này, khoảng 48 triệu cử tri Pháp sẽ chọn ra hai người có số phiếu cao nhất trong số 12 ứng cử viên để tranh cử tại vòng đấu trực tiếp diễn ra sau đó hai tuần, được dự báo là “màn tái đấu” giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu Marine Le Pen - đối thủ của ông trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm.
Suốt một thời gian dài, Tổng thống Macron luôn dẫn trước nhưng trong những tuần gần đây, khoảng cách giữa ông và bà Le Pen đã thu hẹp đáng kể. Từ giữa tháng 3, mức độ ủng hộ của cử tri đối với hai ứng cử viên hàng đầu này đã có những xu hướng trái ngược. Sau khi đạt được tỷ lệ ủng hộ trung bình trên 30% vào đầu tháng 3, uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron đã bất ngờ đi xuống. Trong hai tuần gần nhất, tỷ lệ ủng hộ ông giảm từ 3 đến 5% và hiện ông được dự báo sẽ chỉ nhận được khoảng 24-26% số phiếu bầu. Tỷ lệ này vẫn cao hơn kết quả 24% trong cuộc cuộc bầu cử năm 2017, nhưng đó không phải là dấu hiệu tích cực đối với ứng cử viên chưa bao giờ rời vị thế người dẫn đầu trong quá trình tranh cử.
Ngược lại, chính trị gia cực hữu kỳ cựu đã có cuộc chạy nước rút tương đối thành công. Nếu như vào giữa tháng 3, bà Le Pen vẫn còn cách đương kim tổng thống đến 14% thì hiện nay chênh lệch được rút xuống chỉ còn là 3%. Tỷ lệ ủng hộ thủ lĩnh đảng cực hữu có thể sẽ còn tăng nữa, tuy không nhanh như những ngày gần đây. Số người ủng hộ tăng vì bà giành lại một lượng lớn cử tri có xu hướng cực hữu trước đây từng quan tâm đến một ứng cử viên cực hữu khác - đó là nhà bình luận chính trị Eric Zemmour, người có quan điểm bài ngoại cực đoan và không ngần ngại tuyên truyền những thuyết âm mưu để lôi kéo lớp trẻ.
Cách đây gần nửa năm, rất nhiều người Pháp từng đặt hy vọng vào chính khách này, đến mức có thời điểm ông được đánh giá sẽ là đối thủ của Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng hai. Thế nhưng chương trình tranh cử nặng tính chất dân túy, bài ngoại của ông Eric Zemmour đã phản tác dụng.
Và do vậy, chương trình hành động vẫn mang đậm chất cực hữu của bà Le Pen nhưng có điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với mối quan tâm của cử tri Pháp như từ bỏ quan điểm đòi rút Pháp khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bỗng trở nên có sức thuyết phục hơn. Cử tri cũng đánh giá cao các giải pháp nhằm tăng sức mua của người dân trong cương lĩnh của lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia. Đây cũng chính là mối quan tâm lớn nhất của người Pháp trong cuộc bầu cử. Với ba lần tranh cử tổng thống, bà Le Pen đã trở thành một chính khách lão luyện, bền bỉ, đưa đảng Tập hợp quốc gia từ một lực lượng bên lề trở thành một thế lực đáng gờm trên bàn cờ chính trị nước Pháp.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Emmanuel Macron bị mất điểm do các động lực ban đầu như hiệu ứng sau tuyên bố tranh cử, vị thế một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà ông thể hiện giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng Ukraine không còn nữa. Trên thực tế, ông đã nhập cuộc rất muộn khi chính thức tuyên bố tranh cử ngày 25/2, ngay sát thời hạn chót nộp hồ sơ. Từ đó đến nay, ông chỉ tiến hành duy nhất một cuộc vận động lớn vào ngày 2/4 vừa qua. Chương trình tranh cử không rõ ràng, chiến dịch vận động vừa muộn màng, vừa đơn giản đến mức tối thiểu đã làm cho sự hào hứng của cử tri với đương kim tổng thống ngày càng phai nhạt.
Ông Jean-Paul Tran Thiet, chuyên gia cao cấp của Quỹ nghiên cứu Montaigne (Pháp), nhận xét: “Tổng thống Macron có quá nhiều việc phải làm do cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra đúng vào thời điểm chiến dịch tranh cử bước vào giai đoạn nước rút. Pháp còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng. Ông khó thu xếp được thời gian để tiến hành một cuộc vận động đúng nghĩa. Đó chắc chắn là một bất lợi và ảnh hưởng đến kết quả của ông trong vòng một”. Không chỉ có vậy. Tổng thống Macron còn bị chỉ trích nặng nề vì trong 4 năm qua, Chính phủ Pháp đã tăng hơn gấp đôi thù lao trả cho công ty tư vấn McKinsey, từ 379 triệu euro năm 2018 lên 893 triệu năm 2021, trong khi công ty này không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Pháp. Các đối thủ chỉ trích ông Macron ưu ái McKinsey, mặc dù không có bằng chứng cụ thể.
Truyền thông Pháp và châu Âu cũng đưa ra nhiều nhận định về cuộc bầu cử này, trong đó cho rằng bà Marine Le Pen có cơ hội chiến thắng để trở thành tân chủ nhân Điện Elysee. “Bầu cử Pháp bị chi phối bởi chủ đề sức mua” là nhan đề bài phân tích mới nhất trên nhật báo Le Monde (Thế giới) nổi tiếng của Pháp. Mối bận tâm của cử tri Pháp về chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu và thực phẩm, đã lấn át tất cả các chủ đề lớn khác như y tế, giáo dục, môi trường hay nhập cư.
Ngay cả chủ đề an ninh của nước Pháp trước khả năng cuộc xung đột Nga - Ukraine lan rộng từng thu hút sự quan tâm của người dân Pháp khi bắt đầu xảy ra và giúp đương kim Tổng thống Emmanuel Macron gia tăng cách biệt với các ứng cử viên còn lại cũng nguội dần trước sức nóng của chủ đề sức mua. “Bà Le Pen đã có một chiến dịch vận động tranh cử thành công” là nhận định của tờ nhật báo kinh tế hàng đầu Les Échos.
Theo tờ báo này, ứng cử viên đại diện cho phe cực hữu này đã có sự bứt phá ngoạn mục, giành thêm 5 điểm chỉ trong vòng 1 tuần trước vòng 1 bầu cử và tiến sát ông Emmanuel Macron hơn bao giờ hết. Sự thăng tiến của bà cũng nhờ chiến dịch tranh cử tập trung vào vấn đề cải thiện sức mua cho người dân, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập thấp. Tờ Le Point bổ sung, bà Marine Le Pen đã hưởng lợi từ sự chủ quan của ông Emmanuel Macron khi quá say sưa với cuộc chiến Ukraine mà không có một chiến dịch tranh cử thực sự. Tổng thống đương nhiệm Pháp chỉ “bắt đầu” tranh cử khi nhiều cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách với bà Marine Le Pen chỉ còn từ 2-3 điểm ở cả vòng 1 và vòng 2 bầu cử.
Tỷ lệ cử tri không đi bầu cử có thể lên đến 30% cũng là mối bận tâm của hầu hết các tờ báo lớn tại Pháp. Theo ông Xavier Bouvet, Ủy viên Hội đồng thành phố Metz, có nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, nhưng hơn hết là tâm lý thất vọng của một bộ phận cử tri Pháp.
“Sự mệt mỏi với nền dân chủ đã bám rễ sâu trong người dân Pháp. Nó xuất phát phần một phần từ việc người dân không thấu hiểu về hệ thống chính trị, về thời gian ra các quyết định hay sự phức tạp của hệ thống hành chính. Tất cả điều này đã hội tụ lại, kéo dài trong nhiều năm và dẫn đến sự rời xa của của người dân”, quan chức trên cho hay.