Quỹ đạo tương lai của các phong trào hồi giáo thánh chiến
Cập nhật ngày: 5-04-2022
21 năm sau vụ khủng bố 11-9, trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Afghanistan, đại dịch COVID-19 bùng nổ khắp các châu lục, chuyển trọng tâm hướng vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các siêu cường, cuộc đấu tranh chống lại các phong trào thánh chiến của Hồi giáo cực đoan dường như không còn nằm ở vị trí ưu tiên hàng đầu như trước nữa.
Dù Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị suy yếu nhưng các chân rết của chúng vẫn hoạt động bền bỉ. Không những thế sự sụp đổ của Kabul, âm hưởng về những chiến thắng ấn tượng liên tiếp trước hai siêu cường (Liên Xô trước đây và Mỹ hiện nay) ở Afghanistan đã truyền một nguồn năng lượng bùng nổ cho phong trào thánh chiến toàn cầu.
Bất chấp những thương vong và tổn thất nặng nề trên chiến trường, hệ tư tưởng Hồi giáo thánh chiến thôi thúc những kẻ cực đoan bạo lực ở các nước phương Tây tiến hành các cuộc tấn công khủng bố man rợ khiến các cơ quan an ninh và tình báo của các nước này phải chống đỡ hết sức khó khăn.
Quỹ đạo ngắn hạn của phong trào thánh chiến
Mặc dù mối đe dọa từ các phần tử thánh chiến vẫn tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai gần, nhưng giới chính trị Mỹ dường như coi rằng họ đã “đặt dấu chấm hết cho một cuộc chiến tranh tưởng chừng không có hồi kết”. Thực chất đây chỉ là một cách nói “uyển chuyển” để gác lại cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu kéo dài hai thập niên.
Thay vì rút lui khỏi các xung đột quốc tế thế giới và gia cố chủ nghĩa biệt lập, Washington lại đang tập trung vào cuộc cạnh tranh quyền lực với một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Nga đầy oán hận. Quá trình “xoay trục” này ngay lập tức sẽ có tác động đến các hoạt động chống lại các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) và các chi nhánh hay đồng minh của chúng.
Giữa hai lựa chọn: ưu tiên tập trung vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc hay ưu tiên tập trung vào chống khủng bố, dường như Mỹ và đồng minh đã lựa chọn phương án thứ nhất. Trong quá khứ, đã có lúc chính phủ Mỹ tìm cách chuyển nguồn lực từ chống khủng bố sang một cuộc cạnh tranh cao, chẳng hạn như khi chính quyền Obama "xoay trục sang châu Á" và cắt giảm nguồn lực cho cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi.
Các chương trình hợp tác an ninh và sự hiện diện chống khủng bố của phương Tây khi bị suy giảm tại những khu vực bất ổn đã tạo cơ hội cho các nhóm thánh chiến tái tạo mạng lưới, tuyển mộ thành viên mới và mở các cuộc tấn công vượt ra ngoài biên giới của họ. Điều này thể hiện rõ ràng ở Mali và ở Somalia sau khi Pháp hay Mỹ rút quân. Khi bạo lực bùng phát ở Mozambique, phản ứng yếu ớt của nhà nước Mozambique càng tiếp thêm sức mạnh cho các chiến binh thánh chiến.
Đại dịch COVID-19 đang diễn ra chắc chắn sẽ đòi hỏi sự thay đổi các ưu tiên, đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn phục vụ cho việc chăm sóc, chữa trị sức khỏe cộng đồng và ứng phó khẩn cấp, đòi hỏi phải chuyển trọng tâm và bố trí nhân lực để hỗ trợ việc phục hồi sau đại dịch hiện tại và chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Tác động của COVID-19 sẽ được cảm nhận trong cả ngắn hạn và dài hạn, và gần như chắc chắn sẽ là một nhân tố chính tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các chiến binh thánh chiến ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thế giới. Ở Lebanon, Hezbollah đã lấp đầy khoảng trống về quản trị và giành được sự ủng hộ của công chúng bằng cách hoàn thành vai trò y tế cộng đồng trong bối cảnh đại dịch.
Tại Pakistan, Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Muhammad đã hỗ trợ thiết yếu cho những công dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trên khắp thế giới, những kẻ khủng bố, quân nổi dậy và các phần tử bạo lực phi nhà nước khác đang lợi dụng đại dịch COVID-19 để làm mất uy tín của các chính phủ, tuyển mộ thành viên mới và tuyên truyền. Khi thế giới trỗi dậy và thoát khỏi cơn khủng hoảng tồi tệ nhất của đại dịch, các phần tử khủng bố đã có thế và lực để tổ chức các cuộc tấn công trở lại.
Quỹ đạo dài hạn của phong trào thánh chiến
Việc không giải quyết được các cuộc xung đột kéo dài ở Syria, Yemen, Somalia, Libya và Mali sẽ thúc đẩy việc tuyển mộ các chiến binh thánh chiến trong tương lai, đặc biệt là trong dài hạn. Các cuộc nội chiến và chủ nghĩa phe phái tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều vùng rộng lớn của thế giới Arập và Hồi giáo, dẫn đến việc thiếu hụt các dịch vụ xã hội, mức độ nghèo đói cao, thiếu giáo dục, tham nhũng và quản trị yếu kém, tất cả các yếu tố cực đoan hóa này sẽ tạo điều kiện có thể thúc đẩy tư tưởng thánh chiến và thúc đẩy mọi người tham gia các nhóm cực đoan bạo lực. Nếu cuộc xung đột khu vực giữa Saudi Arabia và Iran tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa bè phái, các nhóm thánh chiến cực đoan nhất sẽ là những người được hưởng lợi.
Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tận dụng hệ tư tưởng giáo phái thâm độc của mình để tuyển mộ các thành viên mới vào hàng ngũ của mình và thu hút những chiến binh cứng rắn. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2014, “chính sách thân hữu theo giáo phái ” của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã khiến cộng đồng người Sunni của Iraq trở nên xa lánh và góp phần giúp cho Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy.
Trong sự trỗi dậy này, các điểm nóng ở Trung Đông và Bắc Phi đã trở thành trung tâm tuyển dụng các chiến binh nước ngoài thánh chiến, những con số thống kê cho thấy 3/4 số chiến binh nước ngoài được tuyển dụng của Nhà nước Hồi giáo đến từ các khu vực có chưa đến 11% lực lượng của nó.
Về lâu dài, tương lai của phong trào thánh chiến toàn cầu phụ thuộc vào kết quả của cuộc đấu tranh đang diễn ra trong nội bộ Hồi giáo giữa những người Hồi giáo ôn hòa và cực đoan, bao gồm các chiến binh thánh chiến và những người ủng hộ họ. Đây là một cuộc đấu tranh đã diễn ra trong nhiều thập niên, và có thể còn nhiều thập niên nữa trước khi tìm ra giải pháp.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo đã tạo ra những ảnh hưởng bất lợi cho những kẻ cực đoan. Caliphate (vương quốc) này được đặc trưng bởi bạo lực được sử dụng bừa bãi, hãm hiếp, nô lệ và sử dụng binh lính trẻ em trong chiến đấu, nên đã tạo ra một phản ứng dữ dội chống đối trong thế giới Hồi giáo.
Ngoài ra còn có một cuộc chiến nữa đang diễn ra trong nội bộ các nhóm chiến binh thánh chiến, và cách mà những cuộc đấu đá nội bộ này diễn ra cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của những kẻ cực đoan. Trong vài năm qua, Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo IS đã liên tục gây hấn với nhau và cáo buộc nhau về nhiều vấn đề, bao gồm tính hợp pháp của việc nhắm vào người Shiite như là những mục tiêu để tấn công và tính hợp pháp để tuyên bố về một caliphate.
Sự cạnh tranh này đã vượt ra khuôn khổ của sự khoa trương đơn thuần và đã trở thành những xung đột đầy bạo lực trên các chiến trường khác nhau trải dài khắp thế giới. Ở Đông Phi, Nhà nước Hồi giáo và Al-Shabaab đã tử chiến trong vài năm, với phần thắng thuộc về Al-Shabaab.
Tại Bán đảo Arập, AQAP và Nhà nước Hồi giáo Yemen đã nhiều lần đụng độ, tranh giành lãnh thổ và tuyển mộ tân binh. Liên minh Taliban-Al-Qaeda ở Afghanistan đã liên tục chiến đấu với ISK, mặc dù việc Mỹ rút khỏi Afghanistan đã làm thay đổi căn bản các động lực thánh chiến bên trong đường biên giới của quốc gia đó.
Trong bài xã luận số 300 của Al Naba, được xuất bản sau khi Taliban tiến vào Kabul, Nhà nước Hồi giáo cáo buộc Taliban là một “nhóm Hồi giáo giả mạo”. Nhà nước Hồi giáo từ lâu đã coi hệ tư tưởng Deobandi của Taliban là sai lầm, nhưng cuộc chiến ngôn từ mới nhất đã làm gia tăng mức độ cạnh tranh.
Nhà nước Hồi giáo tại nước này cũng cho biết họ đang chuẩn bị cho một giai đoạn thánh chiến mới, báo hiệu một kế hoạch tăng cường hoạt động tại Afghanistan trong những tháng tới. Trong ngắn hạn, một mối quan hệ hợp tác giữa Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo dường như khó xảy ra, nhưng nếu xảy ra, sự hợp tác này sẽ là một cú huých mạnh mẽ cho phong trào thánh chiến toàn cầu và cải thiện đáng kể cơ hội thành công trong cuộc chiến chống lại những người Hồi giáo ôn hòa.
Cuối cùng, những tác động của biến đổi khí hậu đối với tương lai của phong trào thánh chiến toàn cầu sẽ là một xu hướng quan trọng cần theo dõi. Các thảm họa nhân đạo, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và nhiều vấn đề khác liên quan đến khí hậu có khả năng dẫn đến dòng người di cư không thường xuyên liên tục xuyên qua các biên giới và gây ra biến động trong khu vực.
Sự bất ổn này có thể biểu hiện ở những quốc gia vốn đã dễ bị tổn thương, thiếu cơ sở hạ tầng để bảo vệ người dân khỏi những tác động khắc nghiệt nhất của biến đổi khí hậu. Khủng hoảng kinh tế và những căng thẳng về nguồn lực hạn chế có thể gây mất ổn định hơn nữa đối với một số quốc gia mong manh, tạo cơ hội cho những phong trào khủng bố phát triển mạnh.
Thất bại của các thể chế nhà nước và những cuộc nội chiến dai dẳng sẽ cung cấp cho các chiến binh thánh chiến rất nhiều lựa chọn. Các chiến binh thánh chiến cũng đã nhiều lần tỏ ra không hề nao núng khi các quốc gia ủng hộ, nuôi dưỡng họ bị phá hủy.
Trong ba thập kỷ qua, các chiến binh thánh chiến đã đe dọa nhiều lần sự hình thành trong tương lai của các tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan, Pakistan, Caucasus, Yemen, Somalia, Iraq, Gaza, Sinai, Cairo, Libya, Syria và ở phía bắc Mali. Dẫu rằng cho đến nay không có quốc gia nào công khai ủng hộ các nhóm khủng bố lại có thể tồn tại được lâu dài, nhưng hệ tư tưởng thánh chiến đã tỏ ra thích nghi với những tổn thất, thể hiện một sự linh hoạt khi đối mặt với hoàn cảnh mới.
Lãnh thổ vật chất bị thu hồi, nhưng hệ tư tưởng của chúng vẫn kiên cường bám trụ. Với việc Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan, phong trào thánh chiến toàn cầu dường như đã được hồi sinh với những cơ hội tự tái tạo và phát triển mạnh trở lại.