Nga tuyên bố sẽ hàn gắn với EU khi khối này "tỉnh rượu"
Cập nhật ngày: 4-04-2022
 
Dù thừa nhận quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) khó có thể cải thiện trong tương lai gần, song Moscow vẫn hy vọng hai bên sẽ sớm hàn gắn nhưng kèm một điều kiện tiên quyết.
 
Nga tuyên bố hàn gắn với EU khi khối này
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RT.

RT ngày 3/4 dẫn lời Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, bất cứ sự đối đầu hay  nút thắt trong quan hệ nào cũng đều có những giải pháp để tháo gỡ. Nhưng điều quan trọng là mỗi bên cần biết mình đang ở đâu và phải tự chịu trách nhiệm với quyết định để không làm tuột mất cơ hội hợp tác. 

“Khi người châu Âu tỉnh táo hơn một chút sau cơn say rượu whiskey của Mỹ và khi họ nhận ra thực tế phải tự lo cho số phận lục địa châu Âu, thậm chí là Âu-Á, khi đó các bước hàn gắn quan hệ sẽ dần hình thành. Đó không phải là vấn đề trong tương lai gần nhất, nhưng sẽ đến lúc hai bên cần phải đánh giá lại quan hệ ”, ông Peskov nói.

Trước đó, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga, ông Nikolay Kobrinets cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga đang ảnh hưởng tiêu cực đến chính cuộc sống của người dân châu Âu. Nga hy vọng rằng, Brussels sẽ sớm nhận ra sự đối đầu trong quan hệ song phương không mang lại lợi ích cho họ.

Ông Kobrinets nêu rõ: “Các hành động của EU sẽ không bị bỏ qua mà không có phản ứng. Hy vọng rằng, các nước EU hiểu ra sự đối đầu không mang lại lợi lích cho họ. Các biện pháp trừng phạt vô trách nhiệm của Brussels đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của những người châu Âu bình thường”.

Được biết, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và EU đã liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay với nước này như loại Moscow khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đóng băng tài sản, cấm vận hàng không... 

Nhà phân tích địa chính trị độc lập Max Parry ở Mỹ nhận định, không chỉ Nga mà Mỹ và EU - tác giả của các lệnh cấm vận cũng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực. Châu Âu có khả năng rơi vào khủng hoảng với việc thiếu năng lượng, khoáng chất và lương thực. Washington cũng sẽ sớm cảm nhận được ảnh hưởng tài chính từ việc trừng phạt Nga và tác động của chúng lên nền kinh tế vốn đã chịu thiệt hại bởi đại dịch COVID-19. Mỹ hiện chứng kiến mức lạm phát chưa từng thấy kể từ những năm 1980. 

"Các lệnh trừng phạt hiếm khi dẫn đến những kết quả như mong muốn. Rõ ràng, lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga năm 2014 vẫn thất bại trong việc đảo ngược thực tế Crimea sáp nhập vào Nga. Hay chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ với Iran hay cấm vận dầu mỏ với Venezuela cũng không giúp nước này đạt được các mục tiêu đề ra", chuyên gia Max Parry nhấn mạnh. 



Nguồn: cand.com.vn