CÔNG AN BẠC LIÊU
Cơ hội vạch rõ quy chế trung lập của Ukraine
Cập nhật ngày: 1-04-2022, lượt xem: 83
Vòng đàm phán trực tuyến diễn ra từ hôm nay (1/4) tại Thổ Nhĩ Kỳ là cơ hội để Nga-Ukraine làm rõ quan điểm xung quanh những đề xuất cốt lõi của đối phương, hướng tới sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình, ổn định.

Reuters dẫn lời cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, đồng thời là người đứng đầu phái đoàn đàm phán với Nga của Kiev, ông David Arakhamia, thông báo, các cuộc đối thoại giữa hai bên sẽ được nối lại từ hôm nay (1/4) dưới hình thức trực tuyến.

Theo quan chức Ukraine, Kiev đề xuất một cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, song Nga phản hồi rằng cần giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề hơn nữa liên quan tới bản dự thảo hiệp ước.  

Sau cuộc gặp ngày 29/3 ở Istanbul, cả Nga và Ukraine đều phát đi tín hiệu tích cực. Dù nội dung đàm phán chi tiết chưa được công bố, ông Oleksandr Chaly, thành viên phái đoàn Ukraine, nói với báo giới rằng Kiev đồng ý duy trì quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa với điều kiện được bảo lãnh an ninh bởi một số cường quốc, bao gồm Nga, trong đó, "nội dung và hình thức" thỏa thuận phải tương tự Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tức bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Ukraine sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ các nước bảo lãnh.

Cơ hội vạch rõ quy chế trung lập của Ukraine -0
Khung cảnh đổ nát tại thành phố Kharkov của Ukraine giữa lúc chiến dịch của Nga diễn ra ác liệt. Ảnh: Getty Images.

Năm 1994, Ukraine từng kí Bản ghi nhớ Budapest với Nga, Mỹ và Anh, trong đó Kiev đồng ý từ bỏ loại khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình theo khung thời gian quy định. Đổi lại, Nga, Mỹ và Anh cam kết "tôn trọng độc lập, chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine". Tuy nhiên, do không phải một hiệp ước chính thức, nó không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, không được quốc hội các nước kí kết thông qua và không có cơ chế thực thi.

Ukraine muốn thỏa thuận hòa bình tới đây với Nga loại bỏ được những điểm trừ đó. Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Nga, thì nhận định, Ukraine về cơ bản đã nhất trí các yêu cầu về an ninh của Nga như không gia nhập NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ, từ bỏ vũ khí hủy diệt hang loạt như vũ khí hạt nhân.

"Hôm qua, lần đầu tiên, Ukraine tuyên bố không chỉ bằng lời mà còn bằng văn bản rằng họ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu quan trọng nhất nhằm xây dựng quan hệ láng giềng tốt và triển vọng với Nga trong tương lai", ông Medinsky ngày 30/3 loan báo.

Xung quanh vấn đề Crimea, vùng lãnh thổ được Nga sáp nhập từ năm 2014, Ukraine được cho là muốn tiến hành một quá trình tham vấn kéo dài 15 năm, với điều kiện hai nước đồng thuận không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề trong thời gian này. Ukraine cũng kêu gọi Nga không phản đối việc họ trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Moscow có thể đã đồng ý với đề nghị về việc để Kiev gia nhập EU, nhưng cương quyết giữ yêu cầu Ukraine cần công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của hai vùng ly khai miền Đông.

Có thể thấy, Nga và Ukraine mô tả khác nhau đôi chút về các đồng thuận sơ bộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, song không thể phủ nhận đây là lần đầu tiên hai nước công khai nhượng bộ một số nội dung nhất định để sớm đạt thỏa thuận chấm dứt giao tranh. Giới quan sát kêu gọi, Moscow và Kiev cần tận dụng các cuộc thảo luận trực tuyến để làm rõ quan điểm xung quanh những đề xuất của đối phương, nhất là quy chế trung lập của Ukraine và cách thức mà nước này được đảm bảo an ninh, hướng tới văn bản hóa các cam kết để sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng chấm dứt chiến sự.

Trên thực địa, nhằm thể hiện thiện chí để "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau" trong các cuộc đàm phán hòa bình, Bộ Quốc phòng Nga thông báo họ sẽ "giảm triệt để" hoạt động quân sự xung quanh Kiev và Chernihiv. Sáng 31/3, AFP dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên nói rằng lực lượng Nga đã bắt đầu rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cách không xa Chernihiv. Tuy nhiên, các khu vực khác ở miền Đông kraine vẫn ghi nhận nhiều đợt đụng độ, đúng theo tuyên bố trước đó của Nga về việc dồn toàn lực để giành kiểm soát khu vực Donbass.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, Ukraine và Nga vẫn đang đàm phán hòa bình, nhưng ông khẳng định "chưa có bất cứ điều gì vững chắc". Ông cũng nói Kiev không vội tin vào tuyên bố giảm quy mô chiến dịch được Nga đưa ra và rằng Moscow buộc phải hành động như vậy do vấp phải sự kháng cự của Kiev.

Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định lực lượng Nga đang tập trung về vùng Donbass và Kiev sẽ chiến đấu đến cùng tại đây. "Chúng tôi không tin ai cả, không tin những thứ được xây dựng chỉ bằng lời nói. Chúng tôi sẽ không từ bỏ bất cứ thứ gì và sẽ chiến đấu", Tổng thống Zelensky nêu quyết tâm.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người từng thu xếp thành công một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba cách đây ít tuần, ngày 31/3 tiết lộ một cuộc đàm phán cấp cao hơn giữa Nga và Ukraine có thể được sớm được tổ chức trong hai tuần tới.

"Có thể diễn ra một cuộc họp cấp cao hơn, ít nhất là ở cấp ngoại trưởng, trong khoảng một hoặc hai tuần tới", ông Cavusoglu nói. "Điều quan trọng là hai bên ngồi lại với nhau và đạt thỏa thuận về lệnh ngừng bắn lâu dài... Chúng tôi muốn tổ chức cuộc họp ngoại trưởng với tư cách bên hòa giải chân thành".

Mỹ-EU muốn gia tăng sức ép trừng phạt Nga

Sau vòng đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và châu Âu cùng quan điểm tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Interfax ngày 31/3 cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và quan chức đối ngoại cấp cao EU Enrique Mora đã thống nhất hai bên sẽ tiếp tục phối hợp cùng nhau, cũng như phối hợp với các nước thành viên G7 để thực hiện "các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chưa từng có" nhằm vào hàng hóa Nga để phản đối chiến dịch của Nga.




Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác