Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu. Hiện xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với lương thực thế giới, đặc biệt là những quốc gia nghèo và kém phát triển.
Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) ngày 11-3 cảnh báo các kịch bản mới về an ninh lương thực toàn cầu do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Một thách thức đáng kể khác khi Nga và Ukraine đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp lương thực toàn cầu.
Theo số liệu thống kê do FAO công bố ngày 4-3, chỉ số giá lương thực tháng 2-2022 của FAO đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 140,7 điểm, tăng 3,9% so với tháng trước đó và 20,7% so với cùng kỳ.
Chông chênh lương thực toàn cầu
Do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh và nhiều nhân tố khác, giá lương thực thế giới vốn đã ở mức cao trong một thời gian dài. Chẳng hạn, mất mùa ở Nam Mỹ và tắc nghẽn chuỗi cung ứng dẫn đến dự trữ hạt có dầu toàn cầu sụt giảm. Indonesia, nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu khiến cho giá dầu cọ tăng mạnh.
Đồng thời, giá dầu thô quốc tế leo thang đã kích thích hoạt động sản xuất dầu diesel sinh học, dẫn đến khối lượng sử dụng dầu cọ và dầu đậu nành làm nguyên liệu đã tăng mạnh. Đây cũng là một nguyên nhân khác khiến giá dầu thực vật tăng lên mức kỷ lục. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào của các ngành thâm dụng năng lượng then chốt như nhiên liệu, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu… cũng tiệm cận mức kỷ lục.
FAO dự báo khối lượng tiêu thụ ngũ cốc của thế giới niên vụ 2021-2022 đạt mức kỷ lục. Cụ thể, khối lượng tiêu thụ ngũ cốc dự kiến đạt 2.805 tỷ tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong nhiều năm liên tục khối lượng tiêu thụ đều lớn hơn khối lượng sản xuất.
Hiện nay, xung đột Nga-Ukraine mang đến cú sốc mới cho giá lương thực. Những người sản xuất lương thực nay đã trở thành người nhận cứu trợ, điều này sẽ làm trầm trọng thêm tâm lý bất an của thị trường, khiến thị trường lương thực toàn cầu vốn đã căng cứng trở nên mong manh hơn.
Trong chỉ số giá lương thực tháng 2 của FAO, chỉ số giá ngũ cốc đạt 144,8 điểm, tăng 3% so với tháng trước đó và 14,8% so với cùng kỳ; chỉ số giá các sản phẩm từ sữa của FAO đạt 141,1 điểm, tăng 6,4% so với tháng trước đó và 24,8% so với cùng kỳ; chỉ số giá dầu thực vật của FAO tăng lên 201,7 điểm, tăng 8,5% so với tháng trước đó và 36,8% so với cùng kỳ, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay.
Các kho lương thực của thế giới
Nga là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới và Ukraine là nước lớn thứ năm. Theo số liệu thống kê của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Nga và Ukraine là các cường quốc xuất khẩu nhiều loại ngũ cốc và hạt có dầu quan trọng, trong đó khối lượng xuất khẩu lúa mỳ, đại mạch, hạt hướng dương và ngô đều thuộc top 5 thế giới. Bên cạnh đó, hai nước còn là những quốc gia xuất khẩu quan trọng về dầu hướng dương, Ukraine chiếm 49,6% và Nga chiếm 23,1% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu.
Ukraine còn sở hữu 23% diện tích đất đen trên toàn thế giới. Đây là loại đất màu mỡ và có thể tạo ra năng suất nông nghiệp vượt trội. Dựa vào tài nguyên đất đai phì nhiêu, Ukraine trở thành một trong những nước xuất khẩu nông nghiệp quan trọng trên toàn cầu, được mệnh danh là “kho lương thực của châu Âu”.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực. Có khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mỳ từ 30% trở lên. Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Đông. Chẳng hạn, trên 50% nhu cầu ngũ cốc của Bắc Phi và Trung Đông đều phải nhập khẩu từ Ukraine và Nga để đáp ứng. Ngoài ra, Ukraine còn là nước cung ứng ngô chủ yếu cho Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và nhiều quốc gia Bắc Phi, bao gồm Ai Cập và Libya.
Luhansk và Donetsk chiếm khoảng 5% sản lượng đại mạch, 8% sản lượng lúa mỳ, 9% sản lượng hạt hướng dương của Ukraine. Ở miền Đông, miền Bắc Ukraine còn có khu vực rộng lớn tiếp giáp với Nga và Belarus, những khu vực này chiếm 25%-30% sản lượng ngô và hạt hướng dương, 10%-15% sản lượng đại mạch, 20%-25% sản lượng lúa mỳ của Ukraine. Những khu vực này phần lớn đều đang bị cuộc xung đột tàn phá.
Do đó, cuộc xung đột hiện tại có thể dẫn đến việc xuất khẩu lúa mỳ từ cả Nga và Ukraine đều giảm mạnh và đột ngột. Vẫn chưa rõ liệu các nhà xuất khẩu khác có thể lấp đầy khoảng trống này hay không. Tồn kho lúa mỳ hiện đang ở mức thấp ở Canada và xuất khẩu từ Mỹ, Argentina và các nước khác có thể bị hạn chế do chính phủ sẽ cố gắng đảm bảo nguồn cung trong nước.
Thương mại ngô toàn cầu có khả năng thu hẹp. Triển vọng xuất khẩu dầu hướng dương và các loại dầu thay thế khác cũng không chắc chắn. Các nhà nhập khẩu dầu hướng dương lớn, bao gồm Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ phải tìm các nhà cung cấp khác hoặc các loại dầu thực vật khác, tạo ra tác động dây chuyền về cán cân cung cầu đối với các sản phẩm thay thế như dầu cọ, đậu nành hay hạt cải dầu.
Những yếu tố rủi ro khác
Xung đột Nga-Ukraine hiện nay sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất lượng thực của Ukraine và Nga. Hầu hết lúa mỳ và đại mạch của hai nước này được thu hoạch vào mùa Hè, bắt đầu xuất khẩu vào mùa Thu. Tuy nhiên, liệu nông dân ở Ukraine có thể thu hoạch và đưa ra thị trường hay không vẫn chưa rõ ràng. Việc tiếp cận các cánh đồng nông nghiệp trong điều kiện chiến sự sẽ rất khó khăn. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất rau quả cũng sẽ bị hạn chế.
Ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine cần phải vận chuyển từ các cảng ở Odessa và phía Tây Biển Đen. Các cảng của Ukraine trên Biển Đen đã đóng cửa. Ngay cả khi cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nội địa vẫn còn nguyên vẹn, việc vận chuyển ngũ cốc bằng đường sắt sẽ không thể thực hiện được vì thiếu hệ thống đường sắt hoạt động. Chi phí vận chuyển tăng cao sẽ làm tăng thêm chi phí nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trữ và chế biến có còn nguyên vẹn hay không cũng vẫn chưa rõ.
Nếu việc thu hoạch bị trì hoãn, hoặc việc vận chuyển bị ảnh hưởng, thị trường lúa mỳ toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh. Ngoài ra, nếu xung đột kéo dài, hoạt động sản xuất nông nghiệp của vụ mùa canh tác tiếp theo sẽ đối diện nguy cơ bất ổn cao, kéo theo nguy cơ lương thực trong dài hạn.
Mỹ, EU và các nước khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc đối với Nga, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên và phân bón hóa học của Nga. Lệnh trừng phạt có thể sẽ đẩy giá khí đốt tự nhiên lên cao hơn, trong ngắn hạn khó giảm đáng kể. Nông nghiệp đòi hỏi năng lượng thông qua sử dụng nhiên liệu, khí đốt, điện cũng như phân bón, thuốc trừ sâu. Sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi cũng cần năng lượng. Xung đột hiện nay đã khiến giá năng lượng tăng cao, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với ngành nông nghiệp.
Khí đốt tự nhiên là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân đạm như amoniac, ure… Nga là nước cung ứng quan trọng phân đạm và phân kali, chiếm 15% và 17% thị phần thương mại phân đạm và phân kali toàn cầu. Trong khi đó, Belarus – quốc gia cũng đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế - chiếm 16% thị phần xuất khẩu phân kali toàn cầu. Việc trừng phạt đối với hai quốc gia này sẽ làm hạn chế hơn nữa nguồn cung toàn cầu, từ đó đẩy giá phân bón hóa học toàn cầu lên cao.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), giá ure ở châu Âu đã tăng vọt từ 317,6 USD/tấn đầu năm 2021 lên 890 USD/tấn vào cuối năm 2021, trong cùng thời điểm đó, giá diammonium photphat cũng tăng từ 494,8 USD/tấn lên 745 USD/tấn.
Thiếu hụt phân bón hóa học sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với toàn cầu. Đặc biệt nhiều nước đang phát triển có mức độ phụ thuộc cao vào nhập khẩu phân bón hóa học từ Nga và Belarus, chẳng hạn Cộng hòa Trung Phi, Mông Cổ phụ thuộc hơn 90% vào phân đạm của Nga và Belarus, mức độ phụ thuộc của Moldova, Azerbaijan, Kazakhstan… cũng trên 80%. Ở mức độ lớn, giá phân bón hóa học cao sẽ khiến các nước đang phát triển cắt giảm sử dụng, từ đó làm gia tăng khả năng mất mùa.
Ảnh hưởng tới người nghèo nhất
Xung đột Nga-Ukraine hiện nay gây ra mối đe dọa lớn đối với an ninh lương thực toàn cầu. Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu cảnh báo khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của hai nước xuất khẩu chủ yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu có thể tăng thêm từ 8-đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022-2023.
Để ứng phó với vấn đề giá dầu leo thang do xung đột Nga-Ukraine, một số quốc gia đã áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu nông sản, chẳng hạn như thực hiện chế độ giấy phép xuất khẩu, cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu… Nhưng những chính sách này sẽ gây nên ảnh hưởng bất lợi đối với các nước nhập khẩu lương thực và dầu mỏ, đặc biệt là những nước châu Phi dễ bị tổn thương.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là giữ cho thương mại lương thực và phân bón toàn cầu được mở. Chuỗi cung ứng phải tiếp tục vận động, có nghĩa là bảo vệ cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng chế biến thực phẩm và tất cả các hệ thống hậu cần. Ngoài ra, các nước cũng cần tìm nhà cung cấp thực phẩm mới và đa dạng hơn. Các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm từ Nga và Ukraine nên tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế để chống đỡ cú sốc. Họ cũng nên dựa vào nguồn dự trữ lương thực hiện có và đa dạng hóa sản xuất trong nước. Quốc tế cũng nên chú ý hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương.
Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liệp hiệp quốc cảnh báo rằng giá lương thực tăng sẽ làm gia tăng tình trạng nghèo đói, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định toàn cầu. Theo IFAD, tác động của căng thẳng Nga-Ukraine hiện cũng bắt đầu ảnh hưởng tới giá lương thực bán lẻ ở một số nước nghèo nhất thế giới.
Chủ tịch IFAD Gilbert F.Houngbo nêu rõ: “Căng thẳng ở Ukraine, đã là thảm họa đối với những người có liên quan trực tiếp, cũng sẽ là thảm họa đối với những người nghèo nhất thế giới sinh sống ở những vùng nông thôn”. Theo IFAD, để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng mà người nghèo ở nông thôn đang phải đối mặt, cơ quan này sẽ tập trung vào các biện pháp can thiệp như chuyển tiền mặt, thiết lập các nhóm tiết kiệm và cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp.