"Chắc chắn chúng tôi không cấp khí đốt nếu khách hàng không thanh toán bằng đồng ruble"
Cập nhật ngày: 29-03-2022
Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ không cung cấp khí đốt sang châu Âu nếu khối từ chối trả tiền mua nhiên liệu bằng đồng ruble Nga.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Nga có cắt nguồn cung cấp khí đốt sang Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này từ chối thanh toán cho Moscow bằng đồng ruble hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov ngày 28/3 nói: "Chắc chắn chúng tôi không cấp khí đốt", Interfax đưa tin.
Hôm 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới "những nước không thân thiện", bao gồm tất cả các nước thành viên EU, sau khi Moscow hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ khối do tình hình Ukraine.
Ông Putin cũng lệnh Chính phủ Nga và Ngân hàng Trung ương Nga tiến hành các biện pháp chuyển thanh toán sang đồng ruble trong vòng một tuần. Nếu kế hoạch trên diễn ra đúng hạn, các hợp đồng giao khí đốt từ tháng 4 sẽ cần được thanh toán bằng đồng nội tệ của Nga.
Sau thông điệp của ông Putin, giới lãnh đạo Đức, Pháp, Italy và nhiều quốc gia ở châu Âu đã lên tiếng cho rằng bước đi của Moscow vi phạm hợp đồng, nhưng Nga chưa phản hồi những ý kiến đó.
Theo phát ngôn viên Peskov, "quá trình giao hàng (khí đốt) là rất, rất phức tạp và nó không phải là việc mua vài thứ hàng hóa trong một cửa hàng rồi thanh toán".
"Đây là giao hàng, thanh toán và cân đối. Đây là một quá trình kéo dài. Các bộ phận đang làm việc cùng nhau, với Gazprom, sau đó, một khung thời gian sẽ được công bố", ông Peskov nói, dường như nhắc tới mốc thời gian mà Moscow bắt đầu nhận thanh toán duy nhất bằng đồng ruble.
Nga hiện xuất khẩu lượng khí đốt trị giá khoảng 10 tỷ USD mỗi tháng và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Nhà xuất khẩu năng lượng chính của Nga, tập đoàn Gazprom, có hơn 40 thỏa thuận dài hạn với các đối tác châu Âu.
Ngoài khí đốt, Nga đáp ứng khoảng 25% nhu cầu dầu mỏ của "lục địa già". Tờ Kommersant dẫn lời ông Peskov tiết lộ, các "đơn đặt hàng dầu mỏ giảm sút" từ các khách hàng châu Âu sẽ được bù đắp bằng việc bán nguyên liệu thô này cho các nước ở khu vực Đông Nam Á.
Ông nhấn mạnh rằng châu Âu không phải là thị trường duy nhất của dầu mỏ Nga.