"Tôi không tin rằng điều đó (đạt thỏa thuận với Iran) sắp xảy ra… (Dù) vài tháng trước, chúng tôi từng nghĩ mình đã rất gần điều đó rồi", Reuters dẫn lời đặc phái viên Robert Malley hôm nay (27/3) phát biểu tại Hội nghị Doha ở Qatar, nhắc tới khả năng đạt thỏa thuận hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran.
Quan chức Mỹ không nêu chi tiết những trở ngại trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). "Trong bất cứ cuộc đàm phán nào, sẽ có những vấn đề rất khó để thu hẹp khoảng cách", ông nói thêm.
Đánh giá của đặc phái viên Mỹ đã hạ thấp triển vọng cứu vãn JCPOA, nhất là sau khi đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, ngày 26/3 nói tại Hội nghị Doha rằng các cường quốc và Iran "đang tiến rất gần đến một thỏa thuận mới".
Từ Tehran, ông Kamal Kharrazi, cố vấn cấp cao của lãnh tụ tinh thần Iran Iran Ayatollah Ali Khamenei, cũng nêu quan điểm tích cực rằng, một thỏa thuận cứu vãn JCPOA giữa Tehran và các cường quốc sắp ra đời và mọi thứ chỉ còn "phụ thuộc vào ý chí chính trị của Mỹ".
Ông Kharrazi thông tin, để hồi sinh JCPOA, Mỹ phải đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO). IRGC được Washington liệt vào FTO vào năm 2019, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
"IRGC là quân đội quốc gia và việc một lực lượng quân đội quốc gia bị liệt vào danh sách các nhóm khủng bố chắc chắn là không thể chấp nhận được", quan chức Iran nhấn mạnh.
Khi được hỏi về khả năng đưa IRGC khỏi FTO, đặc phái viên Mỹ Malley trả lời, các cuộc đàm phán hiện nay không được tổ chức để giải quyết vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt nhắm vào IRGC. "Quan điểm của chúng tôi là nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau đối với IRGC sẽ vẫn duy trì", ông nói.
Một trong những khúc mắc khác giữa Mỹ với Iran là đòi hỏi của Tehran về việc Washington phải đảm bảo bằng văn bản rằng, mọi Tổng thống Mỹ trong tương lai sẽ không rút khỏi văn kiện một lần nữa. Giới quan sát đánh giá, Washington gần như không thể đưa ra cam kết này do các rào cản về chính sách.
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), trong đó quy định Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận quốc tế.
Thỏa thuận này đã tiến sát bờ vực đổ vỡ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018 rồi tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Iran, còn Tehran trả đũa bằng cách từ bỏ nhiều cam kết trong JCPOA, bao gồm việc thúc đẩy chương trình hạt nhân, khiến thế giới lo lắng.
Sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ và phát tín hiệu muốn khôi phục JCPOA, từ tháng 4/2021, các bên đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna, Áo. Tiến trình đàm phán được đánh giá là đang đi đến giai đoạn cuối và một dự thảo thỏa thuận nối lại JCPOA đã được phác thảo sơ bộ.
Theo Reuters, nếu nỗ lực cứu vãn JCPOA thất bại, khu vực Trung Đông có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang mới. Ngoài ra, nó cũng kéo theo các biện pháp cấm vận khắt khe nhắm vào Iran từ phương Tây, từ đó gia tăng hơn nữa áp lực lên giá dầu thế giới vốn đang ở vùng đỉnh lịch sử.
Nguồn: cand.com.vn