Liệu thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết vào năm 2015 và bị Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ vào năm 2018, sẽ được hồi sinh? Các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục giữa Iran, Đức, Trung Quốc, Pháp, Anh và Nga. Mỹ, vốn đang nỗ lực khép vòng vây cấm vận với Nga và tìm một nguồn cung nhiên liệu mới cho nền kinh tế khổng lồ của mình, hiện mới chỉ tham gia các cuộc đàm phán một cách gián tiếp.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký năm 2015 dựa trên chính sách ngoại giao đa phương của Mỹ và bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Israel, được coi là thành tựu lớn nhất trong chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Obama.
Thỏa thuận nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa các cường quốc khi các lợi ích quốc gia hội tụ ở mức độ đủ để hỗ trợ việc theo đuổi lợi ích của khu vực và toàn cầu. Việc Iran sẵn sàng cắt giảm chương trình hạt nhân mà không đòi hỏi các biện pháp đền bù từ Israel là một bất ngờ. Dường như hợp lý khi Iran thể hiện sự sẵn sàng cam kết hướng tới một Trung Đông không có vũ khí hạt nhân, lẽ ra sẽ là một bước tiến ngoạn mục hơn so với chỉ một Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức) đối với tiến trình phi hạt nhân hóa khu vực này.
Khi ông Trump thất cử và ông Biden đắc cử vào năm 2020, người ta đã ngây thơ cho rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 được khôi phục và bắt đầu hoạt động trở lại. Thực tế thì ông Biden đã cam kết làm như vậy trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Nhưng, sau đó, điều này đã tỏ ra không hề đơn giản. Có cả yếu tố từ phía Israel, cả từ Iran với sự thay thế của người đứng đầu chính phủ.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nằm trong số những người không tin rằng việc cố gắng đạt được một thỏa thuận ngoại giao với phương Tây sẽ được đền đáp.Mặc dù vậy, sau khi đắc cử, ông Raisi lại tỏ thái độ cởi mở với việc khôi phục JCPOA, đồng thời xem xét lựa chọn này trên tinh thần thận trọng, hoài nghi và cứng rắn.Bất chấp sức ép từ Washington, Iran cho đến nay vẫn từ chối tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ tại Vienna. Các quan chức Iran đã tuyên bố với truyền thông rằng Iran đang chờ đợi những dấu hiệu đáng tin cậy từ Mỹ, như việc Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt vô điều kiện và đưa ra những đảm bảo rằng họ sẽ không lại một lần nữa rút khỏi bất kỳ thỏa thuận nào.
Những mối bận tâm về an ninh của Israel và không muốn sa lầy vào các sáng kiến ngoại giao gây tranh cãi đã lý giải vì sao Nhà Trắng, trong thời gian đầu của ông Biden, đã có một loạt cử chỉ bất thường và được truyền thông mạnh mẽ để trấn an đồng minh Israel trong các nỗ lực đàm phán của họ để khôi phục JCPOA. Cách duy nhất để ông chủ Nhà Trắng có được sự đồng thuận cao như vậy từ Israel đối với một thỏa thuận hạt nhân được khôi phục với Iran là các thỏa thuận mới dường như củng cố những ràng buộc của thỏa thuận năm 2015.
Mỹ cũng đã phát tín hiệu rằng tiến trình giảm các biện pháp trừng phạt sẽ được đẩy nhanh tùy theo mức độ Iran giảm các cam kết khu vực của họ đi ngược lại lợi ích của các quốc gia quân chủ Vùng Vịnh, Israel và Mỹ. Những cam kết này của Iran được cho là đang gây ra nhiều vấn đề cho các lợi ích của phương Tây ở Syria, Iraq, Yemen, Ai Cập, Liban và Dải Gaza.
Tuy nhiên, trong giai đoạn bất ổn hiện nay, chính sách ngoại giao của Iran lại không hề bị động. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Abu Dhabi tháng 1-2022 của lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen được phương Tây coi là đã được thực hiện với sự chấp thuận của Tehran. Chúng có thể được coi là nguyên nhân dẫn đến các cuộc tấn công và đe dọa thường kỳ của Israel nhằm vào Iran, đồng thời là phản ứng vô hiệu hóa các biện pháp chống Iran của các quốc gia quân chủ Vùng Vịnh.
Dưới góc nhìn của phương Tây, những nỗ lực của Iran nhằm phớt lờ những quy định ràng buộc của JCPOA (khi đã bị vô hiệu hóa từ khi Mỹ rút khỏi) dường như cho thấy tham vọng của nước này ít nhất là trở thành một "cường quốc ở ngưỡng hạt nhân", nghĩa là có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân trong vòng vài tuần.
Điều vẫn còn mơ hồ chỉ là liệu Iran có thực hiện một hiệu ứng đòn bẩy trong tiến trình đàm phán đang diễn ra hay không, hay ngược lại họ có thất vọng đến mức chấp nhận những quy định ràng buộc để đổi lấy những hứa hẹn không rõ ràng về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt? Với kinh nghiệm lịch sử, Iran đang dường như có lý khi yêu cầu phải có cam kết để ngăn ngừa việc rút khỏi thỏa thuận cũng như việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nếu có trong nay mai. Nếu thỏa thuận được khôi phục mang hình thức một hiệp ước quốc tế thì tính bền vững về pháp lý của nó có lẽ được tăng cường nhưng một công cụ như vậy cần phải tuân thủ thủ tục phê chuẩn của các nước tham gia. Và, một yêu cầu như vậy chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến thỏa thuận, bởi các thành viên của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ sẽ khó mà chấp nhận.
Nếu thỏa thuận được khôi phục trong khuôn khổ JCPOA với những sửa đổi tối thiểu và nếu nó được thực thi thì khả năng bình ổn các mối quan hệ khu vực và toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể. Còn nếu các cuộc đàm phán tại Vienna thất bại, căng thẳng trong khu vực có khả năng leo thang. Các biện pháp trừng phạt được duy trì sẽ kéo theo phản ứng của Iran nhằm khẳng định ảnh hưởng của họ đối với các điểm nóng trong khu vực.
Rất có thể Iran sẽ phải tìm kiếm những lựa chọn địa chính trị thay thế đáng tin cậy để giảm bớt những khó khăn về kinh tế mà đất nước và người dân Iran đã phải qua một thời gian dài. Lựa chọn đó khó có thể là phương Tây, dưới sự thao túng của Mỹ, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đang có xu hướng sắp xếp lại trật tự năng lượng mới cũng như nguồn cung ứng toàn cầu như hiện nay.