Phản ứng sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Cập nhật ngày: 26-03-2022
Triều Tiên vừa tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là vụ thử nghiệm vũ khí thứ 12 của Bình Nhưỡng. Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng gay gắt.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA sáng 25/3 chính thức xác nhận các lực lượng chiến lược của CHDCND Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng thử ICBM Hwasong-17 trong ngày 24/3. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay của nước này.
Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, tên lửa Hwasong-17 có vai trò then chốt trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm “ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân”, đồng thời khẳng định nước này sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho đối đầu lâu dài với Mỹ. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên được đưa ra vào thời điểm đàm phán với Mỹ đang rơi vào bế tắc, Triều Tiên thời gian qua luôn cho rằng Mỹ “không thật lòng” khi vẫn duy trì các chính sách thù địch bao gồm trừng phạt và tập trận.
Phản ứng trước việc nước này công khai thử nghiệm thành công ICBM, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết vụ phóng này đã làm nâng cao mức độ đe dọa an ninh, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Kishida Fumio trước đó cũng đã lên án vụ phóng này của Triều Tiên, đồng thời bày tỏ mong muốn có sự phối hợp của các nước thành viên.
Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) để đối phó với các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên, vốn được cho là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho rằng Triều Tiên sẽ chẳng thu được gì từ các vụ phóng thử tên lửa, đồng thời tái khẳng định Hàn Quốc sẽ xây dựng một thế trận an ninh mạnh mẽ hơn.
Trước đó, ngay sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 24/3, Ủy ban chuyển tiếp tổng thống của ông Yoon Suk-yeol đã lên án vụ phóng là hành động hủy bỏ quyết định do Triều Tiên tự đưa ra về ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ. Có phản ứng tương tự, Tổng thống sắp mãn nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in lập tức lên án Triều Tiên vi phạm lệnh cấm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng cam kết với cộng đồng quốc tế.
Đồng quan điểm với nhà lãnh đạo Hàn Quốc, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stéphane Dujarric cũng cho rằng: “Đây là một vi phạm khác đối với lệnh cấm đã được chính CHDCND Triều Tiên công bố năm 2018 và nó cũng rõ ràng vi phạm các nghị quyết của HĐBA”. Đồng loạt các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Albania và Norway thúc giục HĐBA LHQ triệu tập cuộc họp khẩn ngay trong ngày 25/3 để thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên.
Trước đó, trong cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Brussels ngày 24/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cũng đã cực lực lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhấn mạnh sự cần thiết phải theo đuổi con đường ngoại giao và nhất trí phối hợp để buộc Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm.
Phản ứng bằng những hành động cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/3 thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 5 thực thể và cá nhân tại Nga và Triều Tiên liên quan chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: “Mỹ hôm nay thông báo các biện pháp trừng phạt đối với 5 thực thể và cá nhân tại Nga và CHDCND Triều Tiên, cùng 1 thực thể tại Trung Quốc vì các hoạt động phổ biến (vũ khí hạt nhân) theo Đạo luật cấm phổ biến (vũ khí hạt nhân) đối với Iran, Triều Tiên và Syria”.
Danh sách trừng phạt của Mỹ có 1 thực thể và 1 cá nhân của Triều Tiên, 2 công ty và 1 cá nhân người Nga, và 1 công ty của Trung Quốc. Mỹ đưa ra động thái này sau khi người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện tất cả các bước đi cần thiết để bảo đảm an ninh cho nước này và các nước đồng minh. Cùng ngày 24/3, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc Suh Wook đã nhất trí về việc cần có những “phản ứng kiên quyết,” bao gồm hành động tại LHQ, sau vụ phóng thử ICBM mới nhất của Triều Tiên.
Còn trong một động thái đáp trả chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng thử ICBM với tầm bay cao chưa từng thấy, Hàn Quốc đã tập trận bắn đạn thật với tên lửa đạn đạo và tên lửa chiến thuật từ máy bay chiến đấu. Trưởng Phòng truyền thông, người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Kim Jun-rak thông báo: “Quân đội của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ hoạt động quân sự của Triều Tiên và xác nhận rằng chúng tôi sẵn sàng và có khả năng tấn công chính xác nhằm vào vị trí phóng tên lửa và hệ thống kiểm soát của Triều Tiên nếu cần thiết”.
Triều Tiên đang được cho là đã tăng gấp đôi nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Điều này có thể phần nào thấy qua tần suất thử nghiệm vũ khí chưa từng có của nước này kể từ đầu năm đến nay. Giới phân tích đánh giá vụ phóng thành công Hwasong-17 lần này cũng có thể là một phần trong các hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào 15/4 tới.