31.000 tay súng ngoại quốc từ 86 quốc gia đầu quân cho IS
Cập nhật ngày: 4-04-2016
 
Từ tháng 6-2014 tới nay, có khoảng 27.000 – 31.000 tay súng ngoại quốc từ 86 quốc gia đến Syria và Iraq để đầu quân cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều này cho thấy những nỗ lực ngăn chặn làn sóng chiến binh thánh chiến đổ về Iraq, Syria chỉ đạt được hiệu quả rất hạn chế.
 


Sự hỗn loạn tại Syria là môi trường tốt để khủng bố phát triển mạnh trong khu vực.


Theo báo cáo mới nhất của Hãng tư vấn an ninh Mỹ The Soufan Group (TSG) phối hợp với Liên hợp quốc (LHQ) và Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu tình trạng cực đoan, từ tháng 6-2014 tới nay, có khoảng 27.000 – 31.000 tay súng ngoại quốc từ 86 quốc gia đến Syria và Iraq để đầu quân cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều này cho thấy những nỗ lực ngăn chặn làn sóng chiến binh thánh chiến đổ về Iraq, Syria chỉ đạt được hiệu quả rất hạn chế.

Trong số chiến binh ngoại quốc trên, khoảng 6.000 tay súng tới từ châu Âu, hầu hết là công dân các nước Pháp, Đức và Anh; khoảng 8.000 đến từ Trung Đông và châu Phi, 4.700 xuất phát từ các nước Liên Xô cũ. Nếu tính riêng từng quốc gia, các nước có nhiều công dân phục vụ cho IS nhất lần lượt là Tunisia, Saudi Arabia và Nga.

Khoảng 6.500 người Tunisia được cho là đang chiến đấu tại các vùng giao tranh, trong khi có khoảng 5.000 đối tượng khác bị ngăn chặn khi lên đường gia nhập IS. Trong báo cáo hồi tháng 6-2014, TSG cho biết có khoảng 12.000 người nước ngoài phục vụ cho IS, chưa bằng 1/2 so với số lượng dự đoán hiện tại. Theo nhóm chuyên gia thống kê, số liệu trên có thể bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, chủ yếu là những người Hồi giáo.

Những số liệu trên là minh chứng cho thấy các biện pháp mà nhiều quốc gia áp dụng để chặn dòng cực đoan đổ về Syria và Iraq, cũng như chiến dịch tuyên truyền chống lại tư tưởng cực đoan IS hầu như không có tác dụng thực tế nào. Tính tới nay, khoảng 20 – 30% số chiến binh trên đã trở về quê hương.

Một quan chức chống khủng bố cấp cao trong chính phủ Pháp nhận định, kể cả nếu liên minh quốc tế đập tan lực lượng IS ở Syria và Iraq thì nguy cơ khủng bố cũng hoàn toàn không giảm đi, thậm chí còn gia tăng thêm. Trong khi đó, chuyên gia chống cực đoan Mathieu Guidere thuộc Đại học Toulouse cũng đánh giá “tác dụng phụ” của chiến dịch tiêu diệt IS sẽ là nguy cơ các tay súng sống sót âm mưu tấn công khủng bố để báo thù.

Trong bản báo cáo gửi Hội đồng Bảo an LHQ mới đây, Nga đã chỉ đích danh Thổ Nhĩ Kỳ là nguồn cung cấp trái phép vũ khí và thiết bị quân sự cho phiến quân IS ở Syria. Đại diện thường trực của Nga ở LHQ Vitaly Churkin nêu rõ: “Nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự chủ yếu cho phiến quân IS là Thổ Nhĩ Kỳ. Hoạt động này được thực hiện thông qua các tổ chức phi chính phủ và được giám sát bởi Tổ chức tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ”.

Theo ông Churkin, thiết bị quân sự chủ yếu là các phương tiện vận chuyển bao gồm một phần đoàn hộ tống cứu trợ nhân đạo. Báo cáo cũng đề cập tới một số tổ chức phi chính phủ do Thổ Nhĩ Kỳ và nước ngoài tài trợ đã gửi các kiện hàng bao gồm thiết bị quân sự tới Syria vào năm ngoái. Theo đó, Besar là tổ chức hoạt động tích cực nhất để theo đuổi những mục tiêu này.

Trong năm 2015, Besar đã tổ chức khoảng 50 đoàn xe tới khu vực của người Turkmen ở Bayirbucak và Kiziltepe, cách thủ đô Damascus của Syria khoảng 260km. Cũng theo báo cáo trên, vũ khí mà phiến quân IS nhận được trong những tháng gần đây bao gồm hệ thống tên lửa chống tăng TOW, súng phóng lựu RPG-7, súng trường M-60 và lựu đạn cầm tay cũng như nhiều loại đạn khác nhau và phương tiện liên lạc. Số vật liệu nổ mà các nhóm khủng bố hoạt động ở Syria nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015 có giá trị lên tới 1,9 triệu USD.

Về cuộc chiến chống IS của liên quân quốc tế, hôm 30-3 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work khẳng định, cuộc chiến này tại hai mặt trận ở Trung Đông nói trên đang ở thời điểm đỉnh cao. Theo đó, từ tháng 8-2015, lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu đã thực hiện thành công nhiều chiến dịch không kích các mục tiêu IS sau khi chúng chiếm giữ phần lớn lãnh thổ tại Iraq và Syria.

Quân đội hai nước này đã giành lại quyền kiểm soát nhiều thành phố, thị trấn quan trọng. Với đà tiến hiện nay, Thứ trưởng Work tin rằng, liên quân sẽ sớm đánh bại IS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng chỉ ra những thành công gần đây của liên quân trong chiến dịch tiêu diệt IS, trong đó phải kể đến các cuộc tấn công nhằm vào những thành viên cấp cao của lực lượng này và việc cắt đứt tuyến đường vận chuyển giữa trung tâm quyền lực chính của IS tại thành phố Raqua (Syria) và những khu vực phía Bắc của Iraq.

Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, IS hiện chịu nhiều sức ép từ nhiều phía. Về phía IS, dường như những thất bại trên chiến trường ở Iraq và Syria đã khiến nhóm cực đoan này chuyển hướng các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu sang châu Âu, như tại Paris (Pháp) hồi năm ngoái và gần đây nhất là tại Brussels (Bỉ). 

Không những thế, chúng còn đang kêu gọi những phần tử cực đoan của IS ở Đức tiến hành các vụ tấn công giống như loạt vụ tấn công ở Bỉ vừa qua, nhằm vào Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Berlin và vào sân bay Bonn - 1 trong những sân bay lớn ở thành phố lớn thứ 4 của Đức Cologne.

Theo http://cand.com.vn/