Giới chuyên gia đánh giá, phương Tây có thể đạt đồng thuận trong việc gia tăng hoạt động quân sự để củng cố an ninh khu vực, viện trợ khí tài và nhân đạo cho Kiev. Nhưng áp đặt thêm trừng phạt cứng rắn nhằm vào Moscow như cấm vận dầu mỏ hay loại Nga khỏi Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) vẫn là dấu hỏi lớn.
EU chia rẽ về cấm vận dầu mỏ Nga
Đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, loại Moscow khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hay tịch thu tài sản ở nước ngoài của giới tinh hoa Nga vốn có liên hệ với Tổng thống Putin là ba trong số các áp lệnh tài chính sâu rộng mà phương Tây nói chung nhằm vào Nga. Nhưng những đòn trừng phạt này vẫn chưa thể ngăn Moscow tiếp tục tiến hành chiến dịch phi quân sự hoá Ukraine, thậm chí Moscow đã dần thích nghi với các áp lệnh đó. Trước thực tế này, Ba Lan và các quốc gia Baltic mới đây đã yêu cầu EU cần ngay lập tức cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga hay chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Moscow, nhằm gia tăng áp lực kinh tế.
Đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis viết: "Tại sao châu Âu cho Nga thêm thời gian để kiếm bội tiền từ dầu khí, thêm thời gian để sử dụng các cảng biển của châu Âu? Đã đến lúc trừng phạt nặng hơn". Tuy nhiên, nhiều thành viên EU trong đó có Đức, Italia và Hà Lan lại kiên quyết phản đối. Giới chức các nước nêu trên cho rằng EU chưa thể ngay lập tức cấm vận lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga như Mỹ và Anh đã làm, bởi nhiều thành viên của khối phụ thuộc chặt chẽ vào Nga về dầu mỏ, khí đốt và than đá. Theo Euronews, về tổng thể, 27% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt tiêu dùng tại châu Âu được nhập từ Nga, trong đó Đức - đầu tàu của khối nhập 55% lượng khí đốt tự nhiên, 52% lượng than và 34% lượng dầu của Moscow.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố: "Câu hỏi về lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là vấn đề muốn hay không muốn, mà là việc chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ từ Nga đến mức nào. Đức đang nhập khẩu rất nhiều dầu của Nga nhưng cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập khẩu dầu từ ngày này sang ngày khác. Nếu có thể, chúng tôi sẽ tự động làm điều đó". Theo bà Baerbock, EU cần tận dụng thời gian để triển khai các biện pháp thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào Moscow về nhu cầu năng lượng.
Đồng tình với bà Baerbock, ngoại trưởng một số nước EU thừa nhận, nếu cắt đứt ngay lập tức nguồn cung năng lượng từ Nga, nền kinh tế các nước này sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, với việc gia tăng đói nghèo và thất nghiệp. Một số nhà ngoại giao hy vọng EU sẽ tìm thấy đủ nguồn năng lượng thay thế vào tháng 6 tới để xem xét nghiêm túc lệnh cấm vận dầu của Nga. Trước đó, Điện Kremlin cũng đưa ra cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt năng lượng như vậy có thể khiến nước này đóng đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu. Giới chuyên gia nhận định, với EU, năng lượng là một trong những lĩnh vực phức tạp nhất để xem xét trừng phạt vì mỗi thành viên lại có "lằn ranh đỏ" khác nhau.
Áp lệnh mới nhằm vào Nga là gì?
Theo New York Times, châu Âu dường như đã đạt tới giới hạn của các lệnh trừng phạt lên Nga. Tuy nhiên, trước thềm các hội nghị quan trọng nêu trên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định việc thắt chặt trừng phạt Nga là điều chắc chắn. "Tổng thống Biden sẽ cùng với các đối tác của chúng tôi sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Nga và thắt chặt các lệnh trừng phạt hiện tại nhằm đảm bảo chúng sẽ được thực thi mạnh mẽ", quan chức này nhấn mạnh. Vậy nếu không thể đạt đồng thuận về việc cấm vận dầu mỏ Nga, áp lệnh mới của phương Tây sẽ nhằm vào lĩnh vực nào của Moscow?
The Guardian dẫn lời giới chuyên gia cho rằng, Mỹ và đồng minh có khả năng loại Nga khỏi G20. "Đã có các cuộc thảo luận về việc liệu Nga có tiếp tục phù hợp là một thành viên G20 nữa hay không. Nếu Nga vẫn là thành viên, G20 sẽ trở thành tổ chức kém hữu ích hơn. Không những vậy, sẽ có hậu quả đối với các hành động của Nga tại các diễn đàn đa phương", một nguồn thạo tin tiết lộ. Thông tin này cũng được đánh giá là phù hợp với tuyên bố của ông Sullivan trước đó về việc phương Tây sẽ không chỉ tập trung áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, mà còn đảm bảo sẽ có nỗ lực chung nhằm ngăn chặn Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt hoặc ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào giúp Nga làm suy yếu các lệnh trừng phạt.
Được biết, tiền lệ loại Nga khỏi một tổ chức quốc tế đã từng xảy ra. G7 được thành lập vào thập niên 1970 gồm 7 quốc gia có nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới (Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Canada, Nhật Bản và Anh). Sau khi kết nạp Nga, nhóm này trở thành G8. Nhưng Nga đã bị loại khỏi nhóm vào năm 2014 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng nỗ lực loại Nga khỏi G20 sẽ bị nhiều nền kinh tế trong nhóm phủ quyết, bởi đây là nền tảng quốc tế quan trọng để điều phối các hoạt động từ ứng phó biến đổi khí hậu đến xử lý các khoản nợ ở nước ngoài. Việc này đồng thời làm dấy lên lo ngại một số thành viên sẽ không cử đại diện tham dự hội nghị G20 năm nay. Dù Nga chưa lên tiếng nhưng liên quan đến việc xem xét tư cách thành viên của Moscow tại G20, Trung Quốc ngày 23/3 khẳng định, Nga là thành viên quan trọng của nhóm và không thành viên nào có quyền loại Nga ra khỏi tổ chức này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu hiện đang ở giai đoạn then chốt, sự phục hồi kinh tế thế giới còn yếu, sự bất ổn và không chắc chắn đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, G20 có trách nhiệm quan trọng trong việc lãnh đạo cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, hoàn thiện quản trị kinh tế toàn cầu và thúc đẩy sự phục hồi ổn định của nền kinh tế thế giới.