Phụ nữ Ukraine tị nạn - miếng mồi béo bở của bọn buôn người
Cập nhật ngày: 14-03-2022
Ngày 6-3 vừa qua, cảnh sát cùng các nhân viên cứu trợ Ba Lan chính thức cảnh báo rằng phụ nữ và trẻ em gái Ukraine đến nước này tị nạn chiến tranh mà không có thân nhân đi cùng, đang là mục tiêu của những tổ chức tội phạm buôn người. Nó không chỉ xảy ra ở biên giới Ba Lan, Ukraine mà còn ở biên giới Ukraine với Moldova, Rumani, Slovakia và Hungary…
1. Sau khi vừa qua khỏi trạm kiểm soát biên giới Medyka, Ba Lan, nơi chỉ cách thành phố Lviv, Ukraine 84km, Iryna, 18 tuổi đã được một thanh niên đến thăm hỏi. Iryna kể: “Anh ta tự giới thiệu mình là Stanislav, người Ukraine nhưng sống ở Ba Lan đã lâu. Nghe tin người dân chạy qua Ba Lan tị nạn, anh ta cùng bạn bè trong nhóm thiện nguyện đến để tìm cách giúp đỡ…”.
Iryna quê ở thành phố Mariupol. Cha mẹ cô hiện vẫn ở đó, còn cô thì lên Kyiv để bắt đầu theo học bậc đại học. Khi quân đội Nga giành quyền kiểm soát Mariupol, cuộc điện thoại cuối cùng mà Iryna nhận được từ mẹ cô trước khi liên lạc hoàn toàn bị cắt là: “Cha mẹ vẫn khỏe. Con cố gắng giữ an toàn cho mình nhé. Yêu con”.
Iryna kể tiếp: “Khi chiến sự lan đến Kyiv, một người bạn trong lớp bảo tôi hãy cùng gia đình bạn ấy chạy sang Moldova. Vài bạn khác rủ tôi đi Slovakia nhưng cuối cùng tôi chọn Ba Lan vì dẫu sao, quãng đường từ Kyiv đi Medyka thuận tiện hơn vì chính quyền thành phố Kyiv thông báo đã có sẵn những chuyến xe khách, sẵn sàng để chở người di tản”.
Trở lại với Stanilav, người tự xưng là thành viên nhóm thiện nguyện, sau khi hỏi thăm gia cảnh của Iryna, anh ta cam kết sẽ đưa cô đến Warsaw, thủ đô Ba Lan. Tại đó, cô lại được tiếp tục việc học và nhóm thiện nguyện sẽ sắp xếp cho cô chỗ ăn ở mà không phải trả tiền.
Iryna nói: “Tôi phân vân không biết có nên tin anh ta hay không vì qua những gì tôi đọc trên mạng Internet, người tị nạn Ukraine khi đến Ba Lan thường được bố trí ở tập thể trong những trường học, những trung tâm thể dục thể thao rồi sau khi phân loại, cung cấp giấy tờ, họ mới chuyển đến những nơi tạm cư khác…”.
Dường như đoán được sự nghi ngờ ấy, Stanilav khẳng định: “Bạn không phải là người đầu tiên mà chúng tôi giúp đỡ đâu”. Đưa tay chỉ vào một chiếc xe hơi ở cách đó chừng 300m đang chuẩn bị lăn bánh, Stanilav nói tiếp: “4 người cùng hoàn cảnh như bạn đã lên đường đi Warsaw. Nếu muốn đi thì bạn phải nhanh lên để còn kịp…”.
Và trong khi Iryna vẫn đang lưỡng lự thì một sĩ quan cảnh sát Ba Lan từ xa bước đến. Nhìn thấy người này, Stanilav móc điện thoại trong túi áo khoác ra, miệng nói với cô: “Xin lỗi, tôi có cuộc gọi. Sẽ gặp lại bạn sau” rồi lủi nhanh vào đám đông đang chờ được đưa đến trung tâm tiếp nhận.
Theo Iryna, khi viên sĩ quan cảnh sát gặp cô rồi sau khi nghe cô kể lại câu chuyện, ông ta dặn cô phải hết sức cẩn thận: “Chỉ tin theo sự hướng dẫn của cảnh sát hoặc của những nhóm thiện nguyện mặc áo có dải cản quang và có bảng tên chứ đừng nghe người lạ vì rất có thể họ là các băng nhóm buôn người”.
2. Iryna không phải trường hợp cá biệt trong số hàng trăm nghìn phụ nữ Ukraine phải bỏ nhà cửa đến Ba Lan, Moldova, Hungary, Slovakia, Rumani…, để tránh bom rơi đạn nổ. Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn, tính đến ngày 6-3-2022, đã có khoảng 1,5 triệu người rời khỏi đất nước Ukraina sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng phát và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày sắp tới.
Đây là thảm họa nhân đạo lớn nhất kể từ Thế chiến II. Hơn 70% người tị nạn là người già, phụ nữ và trẻ em, trong đó không ít những thiếu nữ độ tuổi 15 đến 25 nhưng không có thân nhân đi cùng đang trở thành mục tiêu của bọn buôn người. Văn phòng Interpol ở Ba Lan cho biết những tổ chức buôn người này thường được gọi chung là mafia Ukraine.
Khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, mafia Ukraine đã nhanh chóng liên kết với các nhóm mafia Ba Lan, chẳng hạn như nhóm Wolomin để hình thành những đường dây núp dưới vỏ bọc thiện nguyện, dụ dỗ phụ nữ Ukraine với lời hứa hẹn “việc làm lương cao, ăn ở miễn phí” rồi khi đã sa bẫy, họ sẽ bị bán cho các động mại dâm, nhà chứa. Chưa kể một số phụ nữ khi không còn đường lùi, đã tiếp tay với bọn mafia để lôi kéo đồng bào mình.
Natalia là một thí dụ, vài tiếng đồng hồ sau khi từ tỉnh Zhytomir, Ukraine vào Ba Lan, cô đã được “2 người đàn ông tốt bụng” cho đi nhờ xe đến Katowice, nơi cô có người dì ở đó nhưng khi xe đến Krakow, nghĩa là mới chỉ hơn nửa đường, hai gã “tốt bụng” đã đưa cô vào một quán bar rồi tuyên bố rằng cô sẽ phải ở đây và công việc của cô là “tiếp khách”. Lúc thấy Natalia phản ứng bằng cách điện thoại cho dì, hai gã kia nhào đến giật chiếc điện thoại rồi cho biết nếu muốn ra khỏi quán bar, cô phải trả 5.000 USD là tiền… đi đường!
Natalia kể: “Khi biết tôi chỉ có vài trăm USD, họ nói sẽ đưa tôi trở lại chỗ tiếp nhận người tị nạn Ukraine và tôi phải rủ một hoặc hai phụ nữ nào đó đi theo họ để bù đắp số tiền xăng họ đã tiêu tốn vì tôi. Sai lầm của tôi là lúc đầu, ngay khi lên xe tôi đã nói cho họ biết tên tuổi và địa chỉ dì tôi nên họ dọa: “Nếu mày báo cảnh sát, cả nhà dì mày sẽ chẳng còn ai toàn mạng”.
Trở lại trạm kiểm soát biên giới Medyka, Ba Lan, Natalia gặp một nhóm tình nguyện viên. Sau vài phút đắn đo, cô quyết định kể lại những gì đã xảy ra với mình. Lập tức, nhóm thiện nguyện một mặt đưa cô vào nhà an toàn, mặt khác báo cảnh sát nhưng hai “gã đàn ông tốt bụng” đã biến mất.
Theo Natalia, cảnh sát cho biết họ đã thông báo cho các cơ quan chức năng tỉnh Katowice để bảo vệ gia đình người dì. Tom Bell, tình nguyện viên người Anh làm việc tại trạm kiểm soát biên giới Medyka nói với tờ Telegraph: “Rất nhiều phụ nữ Ukraine tuyệt vọng dễ dàng tin vào những người mà họ chưa gặp bao giờ. Cảnh sát Ba Lan đã đặt tôi và các tình nguyện viên khác trong tình trạng báo động. Họ đề nghị chúng tôi kiểm tra thẻ căn cước của những người nếu thấy họ đón phụ nữ và trẻ em tị nạn lên xe”.
Lauren Agnew, chuyên gia về buôn người của tổ chức từ thiện CARE nói với tờ Daily Mail: “Cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra những tồi tệ về buôn bán người. Nó sẽ gây ra hiệu ứng domino trên khắp châu Âu và người tị nạn, nhất là phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột tình dục”.
Rafal Wlodek, nhân viên cứu trợ tại một trung tâm tiếp nhận được thành lập ở Trường Trung học số Một thuộc thị trấn Przemysl, ngay bên kia biên giới Ba Lan cho biết: “Chúng tôi đã có báo cáo về những kẻ đón người tị nạn rồi đề nghị đưa họ đến những nơi “tốt đẹp hơn” nhưng thay vì đến đó, họ sẽ bị bán cho những nhóm buôn người khác với giá trung bình là 10.000 Zloty (đơn vị tiền tệ Ba Lan, tương đương 2.000 bảng Anh) mỗi người.
Theo cảnh sát Ba Lan tại trạm kiểm soát Medyka, mặc dù đã có những nỗ lực hợp nhất của cảnh sát và các nhóm thiện nguyện trong việc cung cấp chỗ ăn ở cho những người tị nạn mới đến Ba Lan nhưng số lượng vượt qua biên giới ngày càng nhiều đã khiến việc ngăn chặn các băng nhóm tội phạm buôn người là điều không thể. Đã xảy ra trường hợp khi cảnh sát kiểm tra một kẻ tình nghi buôn người lúc thấy gã này đi cùng một cô gái Ukraine trẻ tuổi thì cô gái cho biết đó là “chú họ” của cô!
Sĩ quan cảnh sát Mylayiv nói: “Chắc chắn cô gái đã được gã kia dạy thuộc bài nên khi tôi hỏi họ tên của “ông chú họ” cùng một số chi tiết nhân thân, cô ta trả lời trùng khớp nên tôi chẳng có lý do gì để giữ họ lại”. Vẫn Mylayiv cho biết, ngoài việc phổ biến rộng rãi các phương thức, thủ đoạn của bọn buôn người, đơn vị ông cũng đã bắt giữ một số tội phạm.
Lời khai của chúng cho thấy phần lớn phụ nữ sẽ được đưa vào một số các quốc gia châu Âu để hành nghề mại dâm hoặc tham gia buôn bán ma túy. Người phát ngôn của Chính phủ Ba Lan cho biết Trung tâm tiếp nhận người tị nạn đã công bố một “đường dây nóng đặc biệt” dành cho người tị nạn Ukraine và gia đình họ để báo cáo về các trường hợp buôn người, tội phạm tình dục hoặc sự mất tích của những người tị nạn mà họ biết.
3. Và không chỉ nhắm đến những phụ nữ trẻ, việc người tị nạn từ Ukraine tràn vào Ba Lan, Moldova, Hungary, Roumani, Slovakia… còn là cơ hội cho những nhóm tội phạm khác. Do thiếu phương tiện để di chuyển đến biên giới, những băng nhóm này đã ra giá từ 500 đến 5.000 USD nếu muốn được đưa ra khỏi Ukraine tùy theo vị trí địa lý.
Một sinh viên người Anh gốc Ukraine, 23 tuổi, là Williams Kadyrov hiện đang bị kẹt ở thành phố Sumy, đông bắc Ukraine nói với tờ The Independent rằng một gã đàn ông cho biết nếu chịu trả 500 USD, gã sẽ đưa anh đến biên giới Ba Lan an toàn. Williams nói: “Tôi đang ở trong một tầng hầm cùng khoảng 100 người khác. Cứ mỗi đêm, lại có một chiếc xe tải đến đưa những người đồng ý trả tiền đi. Tôi cũng muốn đi nhưng không đủ tiền. Tôi rất tuyệt vọng vì nếu bỏ lỡ cơ hội này thì tôi không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc đi bộ…”.
Mathursra, nữ sinh viên Ấn Độ nói thêm rằng nếu qua khỏi biên giới để đến các điểm tập trung, nơi có chỗ ăn, ngủ, người tị nạn phải đi bộ khoảng 5km trong thời tiết rất lạnh nên với nhiều phụ nữ có dẫn theo trẻ em, chẳng còn gì hạnh phúc bằng một chiếc xe hơi dừng lại rồi mời họ lên nhưng khi gần đến nơi, tài xế mới để lộ mặt thật bằng cách yêu cầu họ phải trả tiền: “Tôi đã thấy một bà mẹ với 2 đứa con phải tháo chiếc nhẫn cưới cùng sợi dây chuyền để trả cho quãng đường 5km”.
Hiện vẫn còn hơn 1.000 sinh viên đang mắc kẹt ở Sumy, nhiều người trong số đó gốc Ấn Độ, Trung Quốc, Caribe và châu Phi. Họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quần áo ấm, lương thực và nước uống. Một sinh viên giấu tên nói với tờ The Independent rằng một số người tự xưng là thành viên Hội Chữ thập đỏ, đã thông đồng với vài quan chức phụ trách nhập cư để đưa người qua biên giới mà không bị kiểm tra nếu họ đồng ý trả tiền. Anh cho biết đã chứng kiến chuyện này vào chiều thứ tư, ngày 1-3 tại cửa khẩu Chop sang Hungary, nơi 7 người tị nạn đi qua mà không cần hộ chiếu.
Anh nói: “Các thành viên tự xưng Hội Chữ thập đỏ thông báo rằng nếu ai không có hộ chiếu thì đứng riêng ra một hàng rồi khi đến trạm kiểm soát cửa khẩu Chop, họ đi cùng những người có giấy tờ hợp lệ, vào gặp nhân viên phụ trách kiểm tra. Sau đó, cứ khoảng vài mươi phút, họ lại vẫy tay ra hiệu cho 2 hoặc 3 người đi qua trạm kiểm soát. Trong suốt mấy tiếng đồng hồ bị cách ly ở đó để chờ đến lượt mình, tôi thấy ít nhất 2 nhóm không phải là sinh viên, không có hộ chiếu, thậm chí có người có thẻ sinh viên nhưng không có ảnh mà vẫn đi qua trót lọt”.
Luke Tredget, người đứng đầu các trường hợp khẩn cấp của Hội Chữ thập đỏ Anh quốc, cho biết ông “kinh hoàng” khi nghe câu chuyện này nên ông đã lập tức liên lạc với các đồng nghiệp trong khu vực để bảo đảm rằng nó sẽ phải được điều tra. Ông nói: “Hội Chữ thập đỏ Anh cương quyết phản đối việc phân biệt đối xử và tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi rất lo ngại về những cáo buộc nhắm vào các thành viên của Hội Chữ thập đỏ”.
Theo ước tính của Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, con số người tị nạn ở Ukraine đổ về các khu vực biên giới với các quốc gia lân cận có khả năng sẽ lên đến 7 triệu người trong những ngày sắp tới, và nó sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo toàn cầu. Một quan chức thuộc tổ chức này nói: “Nếu cuộc chiến Nga - Ukraine không được giải quyết bằng biện pháp hòa bình thì với các băng nhóm buôn người, phụ nữ tị nạn sẽ là những miếng mồi béo bở…”.