CÔNG AN BẠC LIÊU
Vẫn có nguy cơ phát sinh biến thể mới
Cập nhật ngày: 14-03-2022, lượt xem: 52
Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ tính đến 8h ngày 12/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 1,68 triệu ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 455.052.099 ca, trong đó có 6.057.244 ca tử vong.

Số ca bình phục là 388.981.589 ca. Hiện có 66.469 trường hợp trong tình trạng nguy kịch. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai, nhưng đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất và tiếp đến là châu Á.

Tiếp tục lây lan nhanh ở nhiều nước

Tại châu Á, do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Trung Quốc đại lục trong tuần qua tăng nhanh, với rất nhiều trường hợp không triệu chứng, đang gióng lên hồi chuông báo động trong công tác phòng chống dịch tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, số ca mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng tại nước này đã lên tới con số 1.100 vào ngày 10/3. Theo NHC, tổng cộng 397 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trong cộng đồng và 703 ca nhiễm không triệu chứng trong cộng đồng đã được báo cáo. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm hằng ngày trong cộng đồng ở Trung Quốc vượt quá con số 1.000 và cũng là ngày thứ tư liên tiếp Trung Quốc báo cáo trên 500 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Vẫn có nguy cơ phát sinh biến thể mới -0
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin (Đức). Ảnh: THX

Trong ngày thứ năm liên tiếp, tổng số ca không có triệu chứng vượt quá số ca đã được xác nhận. Đợt bùng phát này ảnh hưởng đến ít nhất 19 khu vực cấp tỉnh trên tổng số 31 khu vực cấp tỉnh của nước này, trong đó khoảng 50% là những trường hợp không có triệu chứng. Ở một số nơi, các trường hợp không có triệu chứng chiếm hơn 90% tổng số ca nhiễm được xác nhận. Một số chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết, đây là đặc điểm chính và rất rõ ràng của các đợt bùng phát dịch hiện nay ở nhiều nơi, báo hiệu một xu hướng đáng lo ngại của các chuỗi lây nhiễm không rõ ràng. Họ cũng gọi làn sóng dịch bệnh mới nhất là “đợt tấn công nghiêm trọng nhất” kể từ đợt dịch ban đầu ở Vũ Hán.

Tại châu Âu, theo số liệu của Viện dịch tế Robert Koch công bố ngày 11/3 (giờ địa phương), Đức ghi nhận hơn 250.000 ca lây nhiễm mới, trong khi tỷ lệ lây nhiễm đã tăng trở lại, vượt mức 1.400 ca trên 100.000 dân trong vòng 1 tuần qua. Hiện mỗi ngày, Đức ghi nhận 200-250 trường hợp tử vong vì COVID-19, hệ thống y tế đang bị quá tải các ca cần chăm sóc đặt biệt. Theo Giám đốc Viện Robert Koch Lothar Wieler, nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng nhanh tại Đức do sự lây lan mạnh của biến thể BA.2. Biến thể này hiện đang gây ra 38% ca nhiễm mới tại Đức.

Trong khi đó tại Pháp, Cơ quan Y tế công cho biết dù số ca nhập viện và chăm sóc đặc biệt vì COVID-19 tiếp tục giảm nhưng số ca lây nhiễm đang có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Pháp ngày 10/3 ghi nhận hơn 72.000 ca lây nhiễm mới, tăng gần 20% so với con số gần 60.000 trường hợp cách đây 1 tuần. Sự gia tăng số ca nhiễm mới tại Pháp được nhận định là cũng có liên quan đến khả năng lây nhiễm mạnh của biến thể BA.2 và việc phần lớn các biện pháp phòng dịch đã được gỡ bỏ.

Theo lịch trình được Thủ tướng Pháp Jean Castex công bố cuối tháng 2/2022, Pháp sẽ tiếp tục đình chỉ quy định về thẻ vaccine và bỏ quy định đeo khẩu trang trong các không gian kín kể từ đầu tuần tới. Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cảnh báo: “Dịch COVID-19 không những không giảm nữa mà đang có chiều hướng tăng trở lại. Theo số liệu ngày hôm qua thì đã tăng 20%. Số ca nhập viện giảm nhưng đà giảm đã bắt đầu chậm lại. Vậy nên, chúng ta cần hết sức đề phòng”.

Mối lo vẫn còn

Hiện nhiều nước bắt đầu coi COVID-19 không còn là đại dịch mà là bệnh đặc hữu, đồng nghĩa với việc chuyển hướng sang “sống chung an toàn”, vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trước những động thái này, WHO cảnh báo rằng, đại dịch COVID-19 khó có thể loại bỏ hoàn toàn trong “một sớm, một chiều”. Biện pháp thiết thực nhất để đưa thế giới chuyển từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu là đảm bảo công bằng vaccine. Cũng theo WHO, hợp tác nhiều hơn chính là con đường giúp chấm dứt đại dịch và “vĩnh viễn khép lại chương buồn của lịch sử nhân loại”.

Trong khi đó, Giáo sư Adrian Esterman, chuyên ngành thống kê sinh học và dịch bệnh học, tại đại Học Nam Australia, đã chỉ ra 3 điều thế giới đã từng hiểu sai về COVID-19. Trong thời gian đầu dịch bệnh mới xuất hiện có nhiều điều thế giới còn chưa hiểu rõ về virus SARS-CoV-2 dẫn tới một số quan niệm sai lầm. Điều đầu tiên, đó là hoài nghi về khả năng tìm ra vaccine phòng bệnh. Trước khi COVID-19 xuất hiện, giới khoa học đã nỗ lực phát triển các loại vaccine ngừa virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đều do 2 chủng virus corona giống như SARS-CoV-2 gây ra.

Một số loại vaccine đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng nhưng chưa loại nào được cấp phép. Trước vaccine phòng COVID-19, vaccine phòng bệnh quai bị là loại được phát triển nhanh nhất trong lịch sử và cũng cần 4 năm hoàn thiện. Tuy nhiên, Pfizer/BioNTech thông báo phát triển thành công vaccine phòng COVID-19 trong vòng 12 tháng và đến nay đã có hơn 10 loại vaccine được cấp phép sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới và hơn 100 loại đang ở các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau.

Sai lầm thứ hai là suy nghĩ không cần đeo khẩu trang. Trong thời gian đầu, khi chưa có vaccine, các biện pháp vệ sinh cá nhân, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang giúp giảm lây nhiễm. Tuy nhiên, trong khi đa số ý kiến ủng hộ biện pháp rửa tay sát khuẩn và giãn cách xã hội thì biện pháp đeo khẩu trang lại gặp phải những luồng ý kiến trái chiều. Và sai lầm thứ 3 là trong những ngày đầu đại dịch mới xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng các bề mặt tiếp xúc là nơi có nguy cơ lây truyền virus nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện nay, các thông tin đều chỉ ra virus lây lan đầu tiên là qua các giọt bắn và dịch tiết. Các nhà khoa học ngày nay tin rằng nguy cơ lây nhiễm bệnh do tiếp xúc với các bề mặt nhiễm khuẩn là rất ít.

Giáo sư Adrian Esterman cũng nêu 3 điều thế giới cần chú ý trong tương lai. Thứ nhất là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới và gây bệnh nghiêm trọng hơn. Một trong những cơ sở chính để lo ngại là tỷ lệ tiêm phòng còn thấp ở nhiều quốc gia đang phát triển. Virus càng lây lan và sao chép ở nhiều người chưa tiêm phòng thì càng có nguy cơ xuất hiện các đột biến và biến thể mới. Thứ hai là tình trạng miễn dịch giảm dần theo thời gian.

Nhiều người già và người dễ bị tổng thương đã tiêm mũi 3 từ tháng 11 hoặc tháng 12/2021 hiện đang cho thấy khả năng miễn dịch giảm nhanh. Do đó, nhóm này cần được tiêm mũi 4 càng sớm càng tốt. Và cuối cùng là các triệu chứng kéo dài sau khi mắc COVID-19. Khi số lượng người mắc COVID-19 ngày càng tăng thì số người chịu các vấn đề sức khỏe kéo dài cũng sẽ ngày càng nhiều. Do đó, tác giả cho rằng nhà chức trách cần duy trì một số biện pháp phòng dịch cơ bản như quy định đeo khẩu trang để hạn chế số người bị mắc bệnh.

Dù cho rằng hiện chưa phải lúc để coi đại dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu và cần nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường, Giáo sư Adrian Esterman vẫn tin rằng với các loại vaccine tốt hơn và các phương pháp điều trị được cải thiện, thế giới đang bắt đầu giai đoạn cuối của thời kỳ đại dịch.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác