CÔNG AN BẠC LIÊU
Elizebeth, từ nghiên cứu văn học đến bẻ khóa mật mã
Cập nhật ngày: 11-03-2022, lượt xem: 66
Là chuyên gia bẻ khóa mật mã, trong gần 40 năm làm việc cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và Cục Cơ yếu quân đội Mỹ, Elizebeth Smith Friedman đã bẻ khóa thành công hàng nghìn bức điện mã hóa của các băng nhóm buôn lậu rượu, ma túy và của Quân đội Đức Quốc xã.

Kết quả là nhiều dường dây buôn lậu bị FBI phá vỡ, mạng lưới gián điệp Quốc xã ở Mỹ, Argentina, Bolivia, Chile bị vô hiệu hóa, trong đó có việc cứu thoát chiếc tàu vận tải Queen Mary, Anh quốc với 8.000 lính và thủy thủ đoàn cùng 40 nghìn tấn hàng hóa khỏi bị tàu ngầm U-boat của Hải quân Đức Quốc xã tấn công…

1. Sinh ra ở thành phố Huntington, bang Indiana,  Mỹ, Elizebeth là con út trong gia đình ông bà John Marion Smith và là người duy nhất còn sống vì 8 anh chị cô lần lượt qua đời. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành văn học Anh tại Đại học Hillsdale, bang Michigan, thay vì trở thành giảng viên thì năm 1916, Elizebeth lại chọn Phòng nghiên cứu Riverbank ở Geneva, bang Illinois để khởi nghiệp.

Đây là một trong những cơ sở đầu tiên tại Mỹ được thành lập với mục đích nghiên cứu cách bẻ khóa mật mã. Công việc của Elizebeth lúc ấy là tìm hiểu tất cả tác phẩm của đại văn hào người Anh Williams Shakespeare vì đại tá George Fabyan, chỉ huy của Elizebeth tin rằng có nhiều bí mật được Shakespeare che giấu bằng mật mã trong những tác phẩm ấy.

Tháng 5-1917, Elizebeth kết hôn với William F. Friedman, làm việc cùng cơ quan. Đến năm 1919, Bộ Chiến tranh Mỹ cho ra đời một đơn vị gọi là “Phòng đen” - hay còn gọi là Cục Cơ yếu quân đội MI8. Trong số những người đầu tiên được MI8 tuyển dụng, có vợ chồng Elizebeth, William F. Friedman.

Cũng năm 1919, Quốc hội Mỹ ban hành Luật cấm rượu (Đạo luật Volstead). Điều này vô hình trung đã khuyến khích những băng nhóm tội phạm hình thành những đường dây buôn lậu rượu từ Anh quốc và Canada. Hơn nữa, các thiết bị viễn thông ngày càng trở nên nhỏ gọn nên việc liên lạc giữa các băng nhóm cũng dễ dàng.

Elizebeth nói: “Mật mã thời ấy khá đơn giản. Lấy thí dụ trên tờ New York Times số ra ngày 9-12-1919, trong mục quảng cáo có mẩu tin: “Bán căn hộ 4 phòng ở Philadelphia, giá 6.500 USD. Liên hệ Whitehead, hộp thư 96 hoặc số điện thoại 631512. Chẳng khó khăn gì để tôi hiểu được rằng 6 giờ 30 phút chiều ngày 15-12, sẽ có 4 xe tải chở 6.500 lít rượu, giao tại xa lộ 96, lối vào bìa rừng Whitehead”.

Sau nhiều thành công trong việc triệt hạ các đường dây buôn lậu rượu, năm 1923, Elizebeth được Hải quân Mỹ tuyển về bộ phận tình báo thuộc Lực lượng Phòng vệ bờ biển (USCG). Chỉ 21 tháng sau đó, Elizebeth đã bẻ khóa 3.300 tin nhắn mã hóa của bọn buôn lậu rượu và ma túy.

Khả năng siêu việt của Elizebeth đã khiến Hải quân Mỹ gọi cô là “người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất về mật mã ở nước Mỹ”. Cũng chính vì thế, ngoài bộ phận tình báo thuộc USCG, Elizebeth còn được Cục Phòng chống ma túy, Cục Thuế nội địa, Cục Hải quan và Bộ Tư pháp Mỹ trọng dụng. 12.000 tin nhắn mã hóa mà những cơ quan này thu được từ các băng nhóm tội phạm đã qua tay Elizebeth.

Cô nói: “Đến lúc ấy, tôi nhận ra rằng cần thiết phải có một bộ phận chuyên về phân tích mật mã để phục vụ cho tất cả các ngành liên quan nên tôi gửi một bản tường trình lên Quốc hội, và được chấp thuận mặc dù chúng tôi chỉ có 7 người”.

code1.jpg -0
Rượu lậu bị FBI thu giữ nhờ vào việc giải mã của Elizebeth.

Một trong những dấu ấn đầu tiên của Elizebeth lúc nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới là cung cấp cho FBI những thông tin đã được giải mã trong vụ phá vỡ mạng lưới gián điệp Nhật Bản do Velvalee Dickinson cầm đầu.

 Sau khi kết hôn với Lee T. Dickinson, giám đốc một công ty môi giới địa ốc, khách hàng phần lớn là người Mỹ gốc Nhật, Velvalee đã được Cơ quan tình báo Hắc Long, Nhật Bản tuyển dụng. Để tạo bình phong cho hoạt động gián điệp, Velvalee mở một cửa hàng bán búp bê rồi sử dụng tên tuổi của nhiều khách hàng để mã hóa các bản tin. Elizebeth cho biết nội dung các bản tin đều là đơn đặt hàng búp bê, gửi cho những công ty chuyên sản xuất loại đồ chơi này ở nhiều nơi trên thế giới nhưng thật ra, nó nói về các hoạt động của Hải quân Mỹ.

Tháng 2-1942, FBI chú ý đến bức thư của một phụ nữ ở Portland, bang Oregon gửi cho một phóng viên ở Buenos Aires, Argentina, nội dung thảo luận về  “bệnh viện búp bê”. Trong thư, người phụ nữ này cho biết đã chuyển đến phóng viên “3 con búp bê cổ của Anh” để nhờ sửa chữa đồng thời người phụ nữ ấy còn nhắc đến “lưới đánh cá” và “bong bóng bay”. Kết quả giải mã của Elizebeth đã chứng minh rằng “3 con búp bê là 3 chiến hạm Mỹ”, “bệnh viện búp bê là nhà máy sửa chữa tàu chiến ở bờ Tây nước Mỹ” còn “lưới đánh cá” và “bong bóng bay” là hệ thống phòng thủ dưới nước và trên trời ở khu vực này.

Sau vụ tập kích của Phát xít Nhật vào Trân Châu Cảng, lại có thêm 4 bức thư khác cũng được gửi đến Buenos Aires. Người gửi 1 trong 4 bức thư ấy là Mary Wallace ở Springfield, bang Ohio nhưng lại đóng dấu bưu điện New York. Trong thư cho biết: “Ông Shaw bị ốm nhưng sẽ sớm trở lại làm việc”. Kết quả giải mã do Elizebeth thực hiện cho thấy “tàu khu trục USS Shaw bị hư hại trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng đã được sửa chữa ở bờ Tây và sẽ trở lại Hạm đội Thái Bình Dương”.

Tính đến tháng 8-1941, Elizebeth đã bẻ khóa mật mã 12 lá thư, tất cả đều chứa đụng những thông tin về việc sửa chữa, hoán cải hoặc đóng mới các tàu chiến Mỹ. Các nhà điều tra của FBI cho biết tất cả những thông tin ấy đều trùng khớp với những gì đang diễn ra trong lực lượng Hải quân Mỹ, dẫn đến việc “phá vỡ mạng lưới gián điệp lớn nhất của Đế quốc Nhật hoạt động trên đất Mỹ từ trước đến nay do Velvalee Dickinson cầm đầu”.

code2.jpg -0
Elizebeth và máy mã hóa Enigma.

2. Năm 1942, chiến sự diễn ra càng lúc càng khốc liệt và bộ phận bẻ khóa mật mã do Elizebeth đứng đầu cũng phải căng mình với những bản tin được các điệp viên Đức lồng vào mục “rao vặt” hoặc “cáo phó” trên một số tờ báo, hoặc mục “điểm sách” xem ra có vẻ vô thưởng vô phạt, do một số đài phát thanh tư nhân ở Chile, Mỹ, truyền đi nhưng với điệp viên Đức Quốc xã, họ chỉ cần mua cuốn sách đó là sẽ có ngay những chỉ thị từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Quốc xã.

Tháng 9-1942, Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA sau này) thu được những bản tin rất lạ. Khi nó được chuyển đến cho nhóm giải mã Elizebeth thì cô nhận ra cách mã hóa không giống như cách điệp viên Đức vẫn thường dùng. Trao đổi với các đồng nghiệp Ba Lan, Anh quốc, Elizebeth biết những bản tin ấy gửi đi từ máy Enigma, do người Đức phát minh năm 1920 rồi hoàn thiện năm 1926. Lúc Thế chiến II bùng nổ, nó lại được cải tiến thêm một lần nữa mà kết quả là phải mất 159 tỉ tỉ lần, các chuyên gia bẻ khóa mới có thể giải mã được 1 bản tin.

Vì thế, Quốc hội Mỹ dựa trên đề nghị của Elizebeth, cho phép quân đội Mỹ thành lập một cơ sở đặc biệt, gọi là “Bombe” để nghiên cứu cách bẻ khóa mật mã của máy Enigma. Đã có 121 “Bombe” liên kết với nhau được đặt ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, mỗi “Bombe” gồm nhiều thiết bị, nặng 2,5 tấn, có khả năng tìm, đọc và dịch những thông tin đã mã hóa.

Elizebeth nói: “Kết quả là Bombe xử lý thông tin nhanh hơn 34 lần nếu so với nhóm giải mã Bletchley Park của Anh, do nhà khoa học mật mã Alan Turing đứng đầu”. Và mặc dù là đồng minh trong cuộc chiến chống Phát xít nhưng phía Mỹ giữ kín những thành công trong việc bẻ khóa máy Enigma nên đến nay, vẫn có những câu hỏi về việc “nhóm Bletchley Park của Turing hay nhóm Bombe của Elizebeth, ai là nhóm đầu tiên đã giải mã những bức điện gửi đi từ máy Enigma?”.

code3.jpg -0
Vào thời điểm sôi động nhất, bộ phận bẻ khóa mật mã của Elizebeth cũng chỉ có 12 người.

Tháng 3-1943, qua việc nghiên cứu các bức điện mã hóa thu được từ những điệp viên Đức Quốc xã, Elizebeth biết rằng chúng được gửi đi từ 3 máy Enigma khác nhau ở 3 quốc gia Argentina, Bolivia và Chile. Chỉ huy chung của mạng lưới này là Johannes Siegfried Becker, mật danh Sargo, sĩ quan SS (Lực lượng an ninh vũ trang Đức Quốc xã).

Tất cả những thông tin mà điệp viên Đức Quốc xã thu thập về hoạt động của quân đội Mỹ và Đồng minh ở Mỹ Latin được máy Enigma ở Argentina mã hóa rồi chuyển đến máy Enigma ở Bolivia. Tại đây, sau khi bổ sung tin tình báo của điệp viên Đức ở Bolivia, nó được chuyển đến máy Enigma đặt ở Chile rồi về Đức.

Vào thời điểm mạnh nhất, mạng lưới gián điệp của Becker còn tổ chức thành công một hệ thống các đài phát thanh tư nhân ở Mexico do điệp viên Hansen (bí danh Cajiba) phụ trách và ngay trong nội địa nước Mỹ do Schroell (bí danh Valiente) phụ trách, gọi là chiến dịch Jolle, cung cấp thông tin tình báo cho Đức Quốc xã dưới hình thức dự báo thời tiết.

Một trong những bản tin ấy là lịch trình di chuyển của tàu vận tải Queen Mary, làm nhiệm vụ vận chuyển 8.000 binh lính cùng 400 tấn hàng gồm thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế, tăng viện cho mặt trận Mỹ Latin. Một bản tin khác thu được từ Bộ Tổng hành dinh quân đội Quốc xã cho thấy 4 tàu ngầm U-boat đang hoạt động ở Đại Tây Dương được lệnh đến vùng biển Brazil để đánh chìm tàu Queen Mary với phần thưởng tương đương 25.000 USD do đích thân “Quốc trưởng Hitler” trao tặng.

Vì thế, một mẻ lưới được Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS phối hợp với quân đội Argentina, Bolivia và Chile tung ra. Kết quả Hansen và Schroell cùng hầu hết các điệp viên Đức nằm vùng ở 3 quốc gia này bị bắt. Một số trốn thoát tiếp tục xây dựng lại mạng lưới nhưng cho đến khi Thế chiến II kết thúc, hầu như họ chẳng làm được điều gì đáng kể.

Nhớ lại chuyện này, Elizebeth nói: “Chúng tôi thu được bản tin gửi từ máy Enigma ở Bolivia do Osmar Alberto Hellmuth, sĩ quan hải quân Argentina nhưng lại là gián điệp Đức, gửi về Đức. Trong bản tin, ông ta liệt kê phần lớn các đầu mối gián điệp Đức ở Tây Ban Nha, Argentina,, Bolivia, Chile… nên vì vậy, khi Hellmuth theo tàu SS Cabo de Hornos của Hải quân Argentina đến Tây Ban Nha, ông ta đã bị tình báo Anh bắt giữ lúc dừng lại ở Trinidad”.

2 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, Elizebeth nghỉ hưu rồi làm việc cho Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tại đây, bà tạo ra hệ thống bảo mật thông tin cho tổ chức này nhưng công lao của bà trong Thế chiến II hầu như không được nhắc đến chỉ vì bà là… phụ nữ trong lúc chồng bà lại được đề cao. Bà mất ngày 31-10-1980, thọ 88 tuổi.

Mãi đến năm 1999, trong lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Cục Cơ yếu quân đội MI8, tên tuổi của Elizebeth mới được vinh danh. Sau đó, cũng phải đến tháng 4-2019, Thượng viện Mỹ mới thông qua nghị quyết “Tôn vinh cuộc đời và di sản của Elizebeth Smith Friedman”.

Tháng 7-2020, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ lấy tên Elizebeth để đặt cho hệ thống máy giải mã Legend Class-11 với tuyên bố “những đóng góp của Elizebeth trong việc bẻ khóa mật mã đã xứng đáng để USCG gọi Legend Class-11 bằng tên của bà…”.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác