Khi Tổng thống Vladimir Putin triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, nền kinh tế Nga bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn dưới sức ép của các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ từ Mỹ và phương Tây. Điện Kremlin đang đứng trước một câu hỏi khó – làm thế nào để có thể giảm thiểu tối đa tác động của các lệnh trừng phạt và giúp nền kinh tế Nga tiếp tục trụ vững?
Thực tế, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga đã từng được phương Tây sử dụng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Tuy nhiên, sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, phương Tây bắt đầu áp dụng các đòn trừng phạt mới chưa từng có, có khả năng gây ra hậu quả tàn khốc đối với nền kinh tế Nga.
Những đòn trừng phạt chưa có tiền lệ
Đáng chú ý nhất trong số các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga là quyết định cấm hầu hết các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga - cùng với Bộ Tài chính và Quỹ Đầu tư nước ngoài của Nga – để ngăn chặn Tổng thống Putin sử dụng các khoản tiền mà Nga đã tích trữ trong nhiều năm qua nhằm giảm bớt tác động của các đòn trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng “cắt đứt” khả năng tiếp cận của Nga với đồng đôla Mỹ, vốn là trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu.
Mặc dù trước đây Mỹ cũng từng trừng phạt các ngân hàng trung ương của Venezuela, CHDCND Triều Tiên và Iran, song Mỹ chưa bao giờ áp đặt những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt như vậy đối với một nền kinh tế có quy mô lớn như của Nga và cũng chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia khác như vậy. David Wolff, làm việc tại hãng luật Crowell & Moring, chuyên nghiên cứu về các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, nhận xét: “Đây là điều chưa từng có, người ta chưa từng thấy sự phối hợp hành động nhanh chóng đến như vậy. Đúng là đã có những quốc gia khác phải hứng chịu trừng phạt, song đều mất một khoảng thời gian”.
Đặc biệt, Mỹ và Liên minh châu Âu còn cấm một số ngân hàng của Nga sử dụng Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), một hệ thống viễn thông được các ngân hàng sử dụng để thực hiện các giao dịch. Quyết định này được cho là một đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2020). Tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn: “Điều này sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại tới khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu”.
Theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga, hiện có khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu Nga đang sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng Nga có đại diện trong SWIFT và Nga được xếp thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này, chỉ sau Mỹ.
Ngấm đòn và giải pháp
Sau khi các lệnh trừng phạt được công bố hôm 28-2, giá trị đồng ruble Nga đã sụt giảm mạnh. Hiện đồng nội tệ của Nga giảm hơn 30% so với đồng USD và đang duy trì quanh mức 100 ruble đổi 1 USD.
Để giảm bớt tác động của việc đồng Ruble mất giá, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ mức 9,5% lên 20% , yêu cầu các doanh nghiệp chuyển đổi 80% doanh thu bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước và cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phần tại Nga hoặc thoái vốn khỏi các thị trường tài chính. Hiện thị trường chứng khoán Moscow vẫn đóng cửa từ ngày 1-3 khi Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố một số hoạt động sẽ bị giới hạn cho đến ngày 5-3.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng kêu gọi người dân bình tĩnh trong bối cảnh lo ngại các lệnh trừng phạt có thể châm ngòi cho một cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng. Tuy khẳng định có đủ nguồn lực và công cụ cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính, nhiều người vẫn lo ngại rằng các ngân hàng Nga có thể phải chứng kiến dòng người cố gắng rút tiền. Một số video trên mạng xã hội cho thấy người dân xếp hàng dài trước các máy rút tiền và đổi tiền ở thủ đô Moscow do lo ngại thẻ ngân hàng của họ có thể ngừng hoạt động hoặc bị giới hạn số tiền có thể rút. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã buộc phải tăng lượng tiền cung ứng cho các máy rút tiền ATM sau khi nhu cầu tiền mặt đạt mức cao nhất kể từ tháng 3-2020.
Nga có khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối - một kho dự trữ tiết kiệm lớn được tích lũy từ giá dầu và khí đốt tăng cao, đủ để trang trải cho hàng hóa nhập khẩu trong gần hai năm. Tuy nhiên, vì phần lớn lượng dự trữ ngoại hối này được lưu trữ bằng ngoại tệ như đồng USD, euro và đồng bảng Anh cũng như vàng, nên lệnh cấm của phương Tây đối với giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga đã hạn chế Moscow tiếp cận tiền mặt.
Trong bài phát biểu hôm 1-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng nền kinh tế Nga đã "quay cuồng" với tất cả các lệnh trừng phạt. Khi được hỏi về phát biểu của Tổng thống Biden trong Thông điệp Liên bang, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận: "Nền kinh tế Nga đang trải qua những đòn giáng nghiêm trọng. Nhưng có một biên độ an toàn nhất định, có khả năng là có một số kế hoạch, công việc đang được tiến hành". Tuy nhiên, ông Peskov kết luận nền kinh tế Nga "sẽ đứng vững".
Lá bài đối phó
Các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt áp đặt lên Nga và việc đồng ruble mất giá đã khiến Điện Kremlin phải tìm cách xoay xở để giữ cho nền kinh tế của đất nước tiếp tục hoạt động. Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều đó có nghĩa là phải tìm ra giải pháp tạm thời để đối phó với sự phong tỏa kinh tế của phương Tây, ngay cả khi các lực lượng Nga tiếp tục chiến dịch đặc biệt của mình ở Ukraine.
Các cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và các chuyên gia về các lệnh trừng phạt cho rằng Nga sẽ cố gắng giảm thiểu tác động của các hình phạt tài chính bằng cách dựa vào hoạt động buôn bán năng lượng và dự trữ của nước này bằng vàng và tiền tệ của Trung Quốc. Người ta cũng cho rằng Tổng thống Putin sẽ chuyển tiền thông qua các ngân hàng nhỏ hơn và các tài khoản của các gia đình giàu có không nằm trong danh sách bị trừng phạt, kinh doanh tiền ảo và dựa vào mối quan hệ của Nga với Trung Quốc.
John Smith, cựu Giám đốc bộ phận thực thi và tình báo tài chính của Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng hiện tại “hai lá bài quan trọng nhất mà Nga có là Trung Quốc và năng lượng”. Mỹ và EU đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga và giới tinh hoa của nước này, đóng băng các tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga ở bên ngoài lãnh thổ Nga và loại các tổ chức tài chính của Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, nhưng hầu như vẫn cho phép dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga tiếp tục chảy tự do đến phần còn lại của thế giới. Mặc dù Nga có khả năng xích lại gần Trung Quốc hơn để bù đắp cho nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ bị mất đi từ phương Tây, song theo ông Smith, “Nga cũng đang đánh cược rằng phương Tây sẽ tiếp tục cần tới các nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ của họ, đặc biệt là trong mùa đông lạnh giá này. Sẽ có nhiều lợi nhuận hơn đáng kể từ năng lượng nếu họ có thể đưa năng lượng ra thị trường".
Tháng trước, Nga và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận kéo dài 30 năm cho phép Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, mặc dù các đường ống dẫn khí đó sẽ chưa thể được hoàn thành trong ít nhất 3 năm tới. Ngoài ra, tuần trước, Trung Quốc đã tuyên bố lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng của Nga.
Tuy nhiên, ông Smith cho biết Trung Quốc và những nước khác “sẽ đưa ra những điều kiện thương lượng cực kỳ khắc nghiệt” bởi Nga không còn nhiều khách hàng sẵn sàng mua hàng hóa của nước này và Trung Quốc sẽ muốn tránh bị trở thành đối tượng của các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Hôm 28-2, Mỹ đã thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt của mình khi đóng băng bất kỳ tài sản nào của Ngân hàng Trung ương Nga tại Mỹ hay do người Mỹ nắm giữ. Chính quyền Biden ước tính động thái này có thể ảnh hưởng đến ngân sách hàng trăm tỷ USD của Nga. Các biện pháp mới nhất này có một trường hợp loại trừ nhằm cho phép thực hiện các giao dịch có liên quan tới năng lượng với ngân hàng này. Các lệnh trừng phạt cũng không ảnh hưởng đến kho dự trữ vàng của Nga mà Tổng thống Putin đã tích lũy trong vài năm.
Tyler Kustra - Phó giáo sư chính trị tại Đại học Nottingham, người chuyên nghiên cứu các biện pháp trừng phạt kinh tế - cho biết Moscow đã và đang áp dụng "nền kinh tế pháo đài", có nghĩa là sản xuất nhiều hàng hóa trong nước ngay cả khi nhập khẩu những hàng hóa này sẽ dễ dàng hơn, để bảo vệ nền kinh tế khỏi các biện pháp trừng phạt. Ông nói rằng phần lớn thực phẩm của Nga được sản xuất ở trong nước, nhưng một số không thể so sánh được với loại mặt hàng tương tự được sản xuất ở nước ngoài, trong khi có những mặt hàng khác hoàn toàn không thể thay thế được.
David Szakonyi, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington, cho rằng sự phụ thuộc ngày càng lớn vào tiền điện tử sẽ trở thành hướng đi để Nga cố gắng hỗ trợ cho các giao dịch tài chính của mình, “nhưng không chắc nó có thể thay thế cho các giao dịch giữa các công ty hay tập đoàn về lâu dài”.
Mặc dù Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác có thể dễ dàng di chuyển khắp thế giới mà không cần sự hỗ trợ của các ngân hàng truyền thống, song nhiều chuyên gia cho rằng điều đó không có nghĩa tiền điện tử có thể giúp Nga tránh các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Theo một quan chức giấu tên của Nhà Trắng được The Diplomat trích dẫn, mặc dù khoảng 80% các giao dịch tài chính của Nga trước đây được thực hiện bằng đồng USD, song các quan chức Bộ Tài chính Mỹ và những người thực thi pháp luật liên bang đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm “mạnh tay chống lại” việc lạm dụng tiền điện tử để trốn tránh các lệnh trừng phạt. Quan chức này không bình luận về việc liệu chính quyền của Tổng thống Biden có đang cân nhắc đến việc trừng phạt các sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Nga hay không.
Chính quyền Biden từng tìm cách kiểm soát hoạt động kinh doanh tiền ảo của Nga. Đầu năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã xử phạt sàn giao dịch tiền điện tử SUEX có trụ sở tại Nga và 25 doanh nghiệp kinh doanh tiền điện tử có liên quan, đưa sàn giao dịch này vào "danh sách đen" vì bị cáo buộc là đã giúp các tin tặc rửa tiền và rút tiền. Đây là doanh nghiệp kinh doanh tiền điện tử đầu tiên bị đưa vào danh sách này.
Ari Redbord - cựu cố vấn cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, hiện là người đứng đầu bộ phận phụ trách các vấn đề pháp lý tại TRM, công ty chuyên phát triển các phân tích về tội phạm tài chính - cho biết tổ chức của ông đã xác định được ít nhất 340 doanh nghiệp ở Nga có khả năng được sử dụng để làm "đường ra vào” cho tiền điện tử. Redbord nói rằng do phạm vi rộng của các lệnh trừng phạt, số lượng tiền điện tử mà Nga cần để thay thế cho số tiền bị trừng phạt “sẽ rất khó chuyển được thành tiền tệ truyền thống”.
Theo giới chuyên gia, các giao dịch trực tuyến quảng cáo là có thể đứng ngoài những định chế truyền thống, nhưng thực chất nhiều nước cũng đang phát triển các bộ phận giám sát tuân thủ tương tự như các ngân hàng. Ông Redbord nói: “Bạn thường nghe người ta nói rằng ngành công nghiệp tiền điện tử vô pháp như miền Tây hoang dã, nhưng điều đó không đúng ở Mỹ”.
Ori Lev, người từng đứng đầu bộ phận thi hành của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính dưới thời chính quyền Obama, nói rằng về tổng thể “cho dù đó là sử dụng tiền điện tử hay dựa vào Trung Quốc, Nga có thể thực hiện các hành động giúp giảm nhẹ (tác động của các lệnh trừng phạt) nhưng họ không thể tái tạo lại hệ thống tài chính”.
Chính quyền Biden cho rằng Trung Quốc sẽ không thể bù đắp được cho sự mất mát mà Mỹ và châu Âu gây ra cho Nga và các biện pháp trừng phạt loại Nga ra khỏi các thị trường trái phiếu chính phủ của phương Tây sẽ gây tác động nghiêm trọng tới Nga. Đồng thời, Nhà Trắng đã tìm cách công khai thể hiện rằng việc Bắc Kinh “giải cứu” Moskva có thể gây bất lợi về lâu dài cho uy tín của Trung Quốc ở châu Âu và trên toàn cầu.
Đồng ruble đang tụt giá và hình ảnh xuất hiện ngày càng nhiều là người Nga phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ trước các cây ATM vì lo ngại lạm phát sẽ xảy ra. Theo giới phân tích, chưa rõ Nga sẽ làm gì để giảm nhẹ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, nhưng tác động của các lệnh trừng phạt này chắc chắn là không nhỏ.